Tiếng Việt | English

30/08/2015 - 16:31

Sau 6 năm, vẫn chưa có định nghĩa chuẩn về hàng "Made in Việt Nam"

 

Hàng 'Made in Việt Nam' ngày càng có sức lan tỏa mạnh, thu hút người tiêu dùng. (Ảnh chỉ mang tính minh họa. PV/Vietnam+)

Dù đánh giá cao về sức lan tỏa của cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" sau 6 năm thực hiện, nhưng nhiều ý kiến vẫn tỏ ra băn khoăn khi một số doanh nghiệp vẫn chưa thực sự đầu tư cho sản phẩm thậm chí một định nghĩa chuẩn để phân biệt đâu là hàng "Made in Việt Nam" vẫn còn thiếu câu trả lời.

Đưa ra ý kiến tại Hội nghị tập huấn Tuyên truyền về cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", do Bộ Công Thương tổ chức ngày 27/8, tại Hà Nội, ông Huỳnh Đắc Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết, trong khi hàng hóa là máy móc, thiết bị đã có quy chuẩn thì ngược lại, hàng tiêu dùng vẫn chưa có một định nghĩa chuẩn để làm căn cứ xác định đâu là hàng Việt.

Vị này đưa ra ví dụ, nếu một doanh nghiệp nước ngoài đưa sản phẩm vào Việt Nam và mang Thương hiệu Việt Nam có được coi là hàng Việt không? Nếu không phân biệt được rõ thì có thể sẽ dẫn tới việc cổ vũ nhầm.

"Chúng ta phải đặt quyền lợi người tiêu dùng là trên hết, đã làm 6-7 năm rồi nhưng định nghĩa chuẩn về hàng Việt Nam vẫn chưa có," ông Huỳnh Đắc Thắng nêu ý kiến.

Trong khi đó, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) ​cũng chỉ ra một thách thức ​khi đề cập đến chất lượng cũng như mẫu mã của một số sản phẩm được sản xuất trong nước hiện nay.

Ông Hải ​dẫn chứng ​về 2 sản phẩm chè (một sản xuất trong nước và một sản xuất ở nước ngoài) được đặt cạnh nhau trên một chuyến bay. ​Theo ông, dù chưa nói đến chất lượng nhưng về hình thức thì hàng Việt Nam đã kém hơn hẳn.

Từ thực tế trên, ​ông Hải đặt câu hỏi, liệu các doanh nghiệp Việt Nam có chấp nhận và sẵn sàng đầu tư để nâng cao chất lượng cho sản phẩm của mình hay không, bởi bản thân người Việt dù dễ tính cũng khó chấp nhận.​

Mặc dù ​đâu đó có doanh nghiệp còn làm chưa tốt, nhưng đánh giá lại chặng đường 6 năm qua khi thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, theo Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, Cuộc vận động đã đạt kết quả tích cực, ​nâng cao được ý thức tự lực tự cường của doanh nghiệp, chất lượng sản phẩm ngày càng tốt hơn, năng lực cạnh tranh cũng cao hơn qua đó thu hút được nhiều người tiêu dùng.

Đáng chú ý, nhiều sản phẩm "Made in Việt Nam" đã chiếm ưu thế trong các cơ sở phân phối cả trong nước cũng như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam (các siêu thị như BigC, Coop.Mart, Metro... tỷ lệ hàng Việt chiếm trên 80%).

Quan trọng hơn, người tiêu dùng Việt Nam đã có chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về mục đích, ý nghĩa của Cuộc vận động và thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước thay cho việc mua sắm hàng ngoại đã tồn tại lâu nay.

Thời gian tới để thực hiện thành công cuộc vận động này, theo thứ trưởng, doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa, nắm bắt các cơ hội và chính sách của nhà nước để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm giá thành, qua đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng.

Ước tính của Bộ Công Thương, hiện Việt Nam có hơn 1.000 nhóm hàng hóa do doanh nghiệp tự sản xuất được, bao gồm máy móc thiết bị và hàng tiêu dùng. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư chiều sâu giúp sản phẩm có thể cạnh tranh và có chỗ đứng vững chắc tại thị trường nước ngoài.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục đầu tư nhiều hơn cho hệ thống phân phối, giúp hàng hóa của doanh nghiệp có thể vươn xa hơn, nhất là người tiêu dùng khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa ​có thể được tiêu dùng hàng hóa đạt chất lượng và giá thành hợp lý./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết