Phụ huynh cần quan tâm, hướng dẫn con em mình biết cách chọn lựa thực phẩm chất lượng, tránh xa các loại thực phẩm, bánh kẹo không rõ nguồn gốc. Ảnh minh họa
Bảo đảm an toàn từ bếp ăn tập thể
Tại các trường học trên địa bàn tỉnh hiện có 515 BĂTT, trong đó có 467 BĂTT do trường tổ chức nấu và 48 trường hợp đồng với cơ sở cung cấp suất ăn sẵn (hợp đồng nấu tại bếp của trường). Thời gian qua, công tác bảo đảm ATTP trong trường học luôn được chú trọng. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) thường xuyên kiểm tra, giám sát tại các trường học. Đến thời điểm này, toàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp ngộ độc thực phẩm.
Theo Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP - Đoàn Thanh Chiến, qua kiểm tra, giám sát, các BĂTT của trường đều chấp hành tốt việc kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thực phẩm; người quản lý, nhân viên phục vụ trang bị đầy đủ bảo hộ lao động và có khám sức khỏe. Bếp ăn phân chia khu vực sơ chế, nấu nướng, phân chia thức ăn theo quy định và có tủ lưu mẫu. Tuy nhiên, còn một vài BĂTT chưa bảo đảm điều kiện về ATTP như diện tích mặt bằng bếp nhỏ, chưa bố trí nhà ăn riêng. Trong năm 2020, Chi cục ATVSTP cũng duy trì mô hình ATTP đối với BĂTT trong trường học tại 16 trường ở các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Thủ Thừa - Bùi Thị Kim Tuyền cho biết: “Khi tham gia mô hình, công tác bảo đảm ATTP càng được chú trọng. Trường có 2 bếp ăn một chiều (1 tại điểm trường chính và 1 điểm trường phụ) với 10 nhân viên cấp dưỡng. BĂTT có khu chế biến thức ăn sống, tách biệt với khu thức ăn chín. Trường ký hợp đồng mua thực phẩm sạch với các nhà cung cấp. Bên cạnh thuận lợi, trường còn gặp khó khăn do số trẻ đến trường đông (trên 600 trẻ), việc bố trí cho trẻ ăn còn rải rác, chưa tập trung do diện tích nhà ăn còn hẹp”.
Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong trường học tại Trường Mầm non Thị trấn Thủ Thừa (đơn vị tham gia mô hình an toàn thực phẩm của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm) luôn được chú trọng
Tuy không thuộc mô hình ATTP nhưng Trường Tiểu học Tân Hiệp (xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa), vẫn luôn chú trọng về ATTP. Theo Phó Hiệu trưởng - Huỳnh Ngọc Điệp, trường có 4 điểm nhưng chỉ tổ chức BĂTT tại điểm chính, 2 điểm được nhà trường hợp đồng cung cấp suất ăn sẵn cho HS, 1 điểm còn lại thì các em tự mang cơm theo. BĂTT tại điểm chính và việc cung cấp suất ăn sẵn tại điểm phụ đều được kiểm tra thường xuyên theo quy định. Phụ huynh tin tưởng gửi con nên nhà trường luôn nỗ lực để các phần ăn bảo đảm dinh dưỡng, an toàn cho trẻ có sức khỏe học tập, vui chơi.
Bếp ăn tập thể tại điểm chính của Trường Tiểu học Tân Hiệp (xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa) được kiểm tra thường xuyên, bảo đảm các quy định về an toàn thực phẩm
Nguy cơ từ thức ăn vặt không rõ nguồn gốc
Khác với quy trình khắt khe trong chế biến, bảo quản thực phẩm tại các BĂTT, thức ăn vặt từ những gánh hàng rong còn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao. Một hình ảnh dễ dàng nhận thấy là trước các cổng trường thường có những xe bán thức ăn lưu động, thu hút HS.
Chị N.T.H. (phường 3, TP.Tân An) cho biết: “Trước cổng trường bán rất nhiều thức ăn vặt nên tôi lo ngại vấn đề ATTP. Theo tôi, tốt nhất là phụ huynh đừng vì chiều ý con mà cho trẻ ăn thức ăn đường phố không rõ nguồn gốc”.
Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng - Lê Phát Hiển cho biết: “Trường THCS Lý Tự trọng là trường THCS đầu tiên trên địa bàn tỉnh thực hiện BĂTT cho HS từ năm học 2011-2012. Bên cạnh duy trì bảo đảm ATTP của BĂTT, trường còn kiểm tra thường xuyên việc kinh doanh quà bánh, nước giải khát tại căng tin. Bếp ăn tại căng tin cũng được lưu mẫu, người chế biến được kiểm tra sức khỏe, tập huấn kiến thức ATTP như BĂTT của trường. Đặc biệt, trường phối hợp lực lượng công an bảo đảm an ninh, trật tự, giải tán các xe hàng rong trước cổng trường. Mỗi buổi chiều, trường đều tổ chức phát loa, khuyến cáo phụ huynh, HS không mua thức ăn vặt, hàng rong”.
Bên cạnh duy trì bảo đảm an toàn thực phẩm của bếp ăn tập thể, Trường THCS Lý Tự Trọng (TP.Tân An) còn đặc biệt chú trọng kiểm tra thường xuyên việc kinh doanh quà bánh, nước giải khát tại căng tin
Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP - Đoàn Thanh Chiến thông tin, hiện nay, việc quản lý ATTP tại căng tin và hàng quán trước cổng trường theo Quyết định số 31/2019/QĐ-UBND, ngày 17-7-2019 của UBND tỉnh, tùy theo quy mô đăng ký của cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống mà do UBND huyện hoặc UBND xã quản lý. Hiện nay, việc kinh doanh trước cổng trường có 2 dạng dịch vụ ăn uống cố định xung quanh trường và lưu động. Khó khăn trong công tác quản lý là cán bộ phụ trách công tác ATTP của tuyến xã đa số kiêm nhiệm. Người kinh doanh thức ăn đường phố chưa ý thức cao trong việc bảo đảm ATTP. Bên cạnh đó, kinh doanh thức ăn đường phố mang tính chất nhỏ, lẻ, thời gian và địa điểm không cố định nên khó khăn trong công tác quản lý; khó kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm. Khi kiểm tra, giám sát, các cơ sở có vi phạm về ATTP chủ yếu là bị nhắc nhở nên chưa có tính răn đe cao.
Chất lượng bữa ăn và sự an toàn, bảo đảm sức khỏe của trẻ luôn được phụ huynh đặc biệt quan tâm. Do đó, không chỉ có sự quản lý nghiêm ngặt từ cơ quan chức năng, ngành Y tế, sự nỗ lực, trách nhiệm của nhà trường mà còn phải có sự quan tâm, sâu sát và sự hợp tác của gia đình, phụ huynh HS để bảo đảm môi trường sống lành mạnh, phát triển toàn diện về trí tuệ cũng như thể chất cho trẻ./.
Chi cục ATVSTP khuyến cáo:
Nhà trường có bếp ăn tập thể tăng cường trách nhiệm người đứng đầu; lựa chọn cơ sở uy tín để hợp đồng cung cấp nguyên liệu bảo đảm nguồn gốc; thực hiện đúng quy định an toàn thực phẩm về các biện pháp phòng, chống côn trùng, động vật gây hại; cử nhân viên hoặc phối hợp phụ huynh thường xuyên kiểm tra, kiểm soát nguyên liệu nhập vào, kiểm tra các bước từ khâu sơ chế, chế biến cho đến khi ăn và lưu mẫu thức ăn theo quy định. Ngoài ra, cần bảo đảm an toàn thực phẩm trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với bếp ăn tập thể theo hướng dẫn của Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế.
Với những trường có hợp đồng với hộ kinh doanh căng tin thì tăng cường phối hợp UBND cấp huyện, xã để kiểm tra, giám sát việc kinh doanh thực phẩm của căng tin và nhà trường hướng dẫn cơ sở thực hiện đầy đủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm. Nhà trường tăng cường tuyên truyền, giám sát việc kinh doanh của căng tin bằng cách lập sổ theo dõi nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm hàng ngày.
Phụ huynh thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn con cách chọn lựa thực phẩm chất lượng, tránh xa các loại thực phẩm, bánh kẹo không rõ nguồn gốc, không bao bì, nhãn mác, không bảo đảm an toàn thực phẩm; hạn chế cho con sử dụng thức ăn không rõ nguồn gốc trước cổng trường.
|
Phạm Ngân