Thiếu đất sản xuất, hơn 5 năm qua, gia đình anh Trần Minh Tiến, ấp Dinh Hạn, xã Tân Ân, đã thu mua hàu tươi về tách vỏ, cung cấp hàu thịt cho thị trường. Sau khi tách lấy ruột, gia đình thường gom vỏ hàu đổ bỏ hoặc cho bà con lân cận đem về tận dụng lại để bó nền nhà, nền lối đi, nhằm tiết kiệm chi phí xây dựng. Lâu dần, bà con ít cần dùng tới, vỏ hàu tích tụ ngày càng nhiều, thấy vậy, anh Tiến lên mạng tìm hiểu cách xử lý để tránh ảnh hưởng tới môi trường và bà con xung quanh. Ðầu năm nay, tình cờ anh biết được, ở những tỉnh trên, vỏ hàu được tái sử dụng, thả xuống lồng để nuôi ấu trùng hàu. Cách làm này đem lại hiệu quả kinh tế cao, vừa giúp tăng hiệu suất sản xuất con hàu, vừa giảm lãng phí tài nguyên vỏ hàu. Thầm nghĩ đây chính là cơ hội giúp gia đình giải bài toán về vỏ hàu, anh Tiến đã tìm mọi cách liên hệ để tìm đầu ra và nhanh chóng bắt tay thực hiện.
Vợ chồng anh Trần Minh Tiến thu gom vỏ hàu.
Anh Tiến cho biết: “Lúc đầu, gia đình còn bán tính bán nghi bởi sợ làm ra không ai mua. Tuy nhiên, do thương lái chuyển cọc trước nên cũng yên tâm làm”. Ðể cung cấp vỏ hàu cho thương lái, anh Tiến dùng búa và đinh đục một lỗ nhỏ xuyên qua vỏ hàu và dùng dây gân xâu lại thành từng chuỗi, mỗi chuỗi dài từ 1-1,2 m với khoảng hơn 100 vỏ hàu kết lại với nhau. Sau khi đủ số lượng thì có thương lái ở TP Hồ Chí Minh, Khánh Hoà, Ninh Thuận... đến tận nơi thu mua, với giá 23-25 ngàn đồng/chuỗi.
Ông Trần Anh Tuấn, cha anh Tiến, cho biết: “Lúc đầu chưa biết cách làm nên làm hơi lâu, vừa mất thời gian, công sức mà hiệu quả lại không cao. Sau này gia đình nghiên cứu, dùng cây xà beng nhỏ, chỉ cần kê vỏ hàu lên cục gạch ống, gõ nhẹ xuống là xỏ dây được”. Cách 2-3 ngày, 5 thành viên trong gia đình cùng nhau thu gom, đục vỏ hàu để bán. Mỗi người một việc, người đục, người xâu, công việc khá dễ lại không mấy nặng nhọc, đem lại nguồn thu nhập cho mỗi thành viên từ 150-200 ngàn đồng/ngày.
Việc gia công vỏ hàu mang về thu nhập vài trăm ngàn đồng/ngày cho hộ gia đình.
Sau khi những đợt hàng đầu tiên được thương lái thu mua, anh Tiến đã chia sẻ cho bà con lân cận trong ấp cùng nhau thực hiện mô hình. Hiện tại, có khoảng 10 hộ ở ấp Dinh Hạn thực hiện, thu nhập khá ổn. Bà Hồ Thị Nhi tâm tình: “Lúc trước, gia đình tách ruột hàu xong toàn đem vỏ đổ bỏ, nay nhờ cháu Tiến mà nhà tôi biết được công việc này. Lúc đầu làm chưa quen nên hơi chậm, thu nhập không bao nhiêu. Nhưng giờ thì quen tay, thu nhập cũng ổn lắm. Nếu có vỏ nhiều thì 1 ngày 3 người trong nhà cùng nhau làm cũng được vài trăm ngàn đồng, có thêm đồng ra đồng vô trang trải sinh hoạt”.
Chị Hứa Minh Quang, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Ân, thông tin: “Xã đã vận động bà con thành lập tổ hợp tác để phát triển mô hình. Xã cũng tăng cường kết nối, quảng bá sản phẩm hàu thịt của địa phương. Chỉ khi hàu thịt tiêu thụ mạnh thì bà con mới có vỏ hàu để làm. Ðồng thời, chúng tôi cũng chia sẻ cách làm này với những địa phương đang phát triển nghề nuôi hàu trên sông, tiến tới nhân rộng mô hình, tạo việc làm và thu nhập cho bà con trên địa bàn”./.
Theo baocamau.vn
Nguồn: https://baocamau.vn/sinh-ke-moi-tu-vo-hau-a34629.html