Xác định cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Sở Công Thương Long An đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện. Từ đó, từng nhiệm vụ được hoàn thành đúng theo tiến độ đề ra, mang lại kết quả nhất định, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH trong tỉnh. Công tác CCTTHC cũng góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Giám đốc Sở Công Thương - Đặng Văn Lớp cho biết, trong CCTTHC, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách có liên quan đến hoạt động của ngành được đặc biệt quan tâm. Sở luôn tạo môi trường pháp lý thuận lợi, minh bạch, giảm thời gian, chi phí của cá nhân và tổ chức, doanh nghiệp trong việc thực hiện TTHC. Đặc biệt, thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 1 (2011-2015), nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC,VC) về công tác cải cách hành chính nâng lên một bước, có ý thức trách nhiệm hơn trong thực thi công vụ; mọi CB,CC,VC đều ra sức tự rèn luyện, học tập để nâng cao trình độ về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, về tin học nhằm góp phần đáp ứng nhiệm vụ thực hiện mục tiêu chương trình cải cách hành chính của Chính phủ và UBND tỉnh đã đề ra.
Qua 5 năm thực hiện cải cách thể chế (từ năm 2011 đến nay), công tác CCTTHC do sở thực hiện đã từng bước đáp ứng yêu cầu thực hiện chủ trương của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của hệ thống hành chính Nhà nước trên lĩnh vực công thương. Sở đã xây dựng và tham mưu UBND tỉnh phê duyệt, ban hành, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung 82 thể chế về kinh tế và hành chính thuộc lĩnh vực công thương. Ngoài ra, sở còn thành lập tổ rà soát tiến hành tự rà soát các văn bản hành chính do sở ban hành, thực hiện (được 192 văn bản). Qua đó, giúp công tác soạn thảo, ban hành và quản lý văn bản hành chính từng bước đi vào nền nếp, chất lượng văn bản ngày càng bảo đảm đúng thể thức và kỹ thuật trình bày theo quy định.
Về CCTTHC, trong 5 năm qua, sở tham mưu UBND tỉnh ban hành 20 quyết định công bố TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công Thương, UBND cấp huyện, UBND cấp xã (sửa đổi, bổ sung 110, ban hành mới 28, bãi bỏ 16, thay thế 1). Riêng trong 6 tháng đầu năm 2015, sở tham mưu UBND tỉnh ban hành 6 quyết định công bố TTHC, trong đó, 4 quyết định thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công Thương (sửa đổi bổ sung 6, ban hành mới 18, loại bỏ 5) thuộc các lĩnh vực lưu thông hàng hóa trong nước, dầu khí, hóa chất, giám định thương mại, công nghiệp tiêu dùng, an toàn thực phẩm, sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương,... Sở cũng đã thực hiện niêm yết công khai bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan sở; công khai nội dung, địa chỉ phản ánh, kiến nghị về quy định và TTHC của cá nhân, tổ chức;...
Song song với CCTTHC, Sở Công Thương cũng thực hiện nhiệm vụ của ngành nhằm góp giải pháp nâng cao chỉ số PCI. Trong năm 2014, sở tiếp tục hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp (CCN) từ nguồn kinh phí khuyến công và từ ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu xây dựng hạ tầng CCN giai đoạn 2013-2015. Cụ thể, sở lập thủ tục hỗ trợ Cty TNHH Hoàng Gia Long An xây dựng, lắp đặt thiết bị hệ thống xử lý nước thải và hệ thống thu gom nước thải tại CCN Hoàng Gia. Năm 2014, sở hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia cho CCN Hoàng gia Long An 1,5 tỉ đồng để xây dựng khu xử lý nước thải và năm 2015 là 1,5 tỉ đồng.
Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp cũng được sở chú trọng qua tham gia các kỳ hội chợ triển lãm, hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn,... Đồng thời, sở cũng thực hiện vai trò cầu nối giữa nhà sản xuất và tiêu dùng, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quảng bá sản phẩm, hàng hóa, quảng bá thương hiệu, phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu,...
Từ thực tiễn công việc, sau 5 năm thực hiện cải cách hành chính, những bài học kinh nghiệm đó là sự chỉ đạo, điều hành kiên quyết của người đứng đầu cơ quan hết sức quan trọng, lãnh đạo có quan tâm chỉ đạo và thực hiện kiểm tra sâu sát thì công việc triển khai thực hiện cải cách hành chính mới đạt kết quả tốt. Thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới các quy hoạch phát triển ngành cho phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh và Đề án tái cơ cấu kinh tế của tỉnh; tham mưu, đề xuất những giải pháp về đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng công nghiệp, thương mại; triển khai thực hiện quy hoạch hệ thống phấn phối, bán buôn, bán lẻ được phê duyệt; phát triển mạng lưới điện nông thôn; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả về hoạt động xúc tiến thương mại và hỗ trợ, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp bằng nhiều hình thức phù hợp; thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh./.
Mai Hương