Bệnh sỏi túi mật có thể không có bất kỳ một biểu hiện nào mà được phát hiện tình cờ qua siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính ổ bụng. Ở giai đoạn muộn bệnh có thể gây đau bụng, gây vàng da tắc mật, viêm đường mật, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn đường mật, chảy máu đường mật,...
1. Sỏi túi mật: Nguyên nhân và sự nguy hiểm thầm lặng
Túi mật nằm dưới gan ở vùng bụng trên bên phải. Với nhiệm vụ cô đặc và lưu trữ dịch mật. Bình thường nếu chúng ta ăn, các thức ăn có mỡ, dầu túi mật sẽ co bóp để đẩy dịch mật xuống tá tràng để trộn lẫn với thức ăn giúp tiêu hóa chất béo.
Sỏi túi mật là những cục nhỏ xuất hiện từ mật đã kết tinh. Ở phương Tây, đa số sỏi túi mật là tập hợp chủ yếu từ cholesterol. Còn ở Việt Nam đa số là sỏi sắc tố, bắt nguồn từ trứng và xác ký sinh trùng đường ruột.
Sỏi túi mật có kích cỡ nhỏ li ti hoặc lớn bằng cả túi mật, có hình tròn, bầu dục hoặc nhiều hình dạng khác tùy theo cấu tạo. Có khi bệnh nhân chỉ có một vài sỏi nhưng có người bị rất nhiều sỏi. Điều đáng lưu ý là nhiều trường hợp không có bất kỳ triệu chứng gì và thường được phát hiện tình cờ.
Trường hợp điển hình mới đây một người phụ nữ ở xã Sơn Thủy, huyện Thanh Thủy ( Phú Thọ) 29 tuổi đã được các bác sĩ đã lấy ra hơn 200 viên sỏi lấp đầy túi mật. Theo lời kể của bệnh nhân, trước đó chị thường xuyên đau bụng nhưng ở nhà tự dùng thuốc. Trước khi nhập viện ba ngày, bệnh nhân đau bụng kéo dài, uống thuốc không đỡ đau nên vào viện khám. Hình ảnh siêu âm cho thấy nhiều sỏi và bùn ở túi mật, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm túi mật cấp do sỏi, chỉ định phẫu thuật nội soi cắt túi mật. |
Hình ảnh 200 viên sỏi được các bác sĩ lấy ra từ một bệnh nhân.
Theo thống kê khoảng 8 - 10% dân số Việt Nam mắc sỏi túi mật. Các nhà nghiên cứu cho thấy có nhiều yếu tố gây hình thành, phát triển sỏi túi mật. Trong đó yếu tố nguy cơ hàng đầu là nữ giới có tuổi từ 40 trở lên. Thường xuyên nhịn đói, giảm cân nhanh chóng.
Ngoài ra những người phụ nữ có chế độ ăn giàu chất béo, thừa cân hoặc béo phì, có lối sống giảm vận động,… cũng dễ mắc phải sỏi túi mật. Những người trong gia đình có anh chị em, bố mẹ mắc sỏi túi mật cũng sẽ có nguy cơ. Một số bệnh lý rối loạn tiêu hóa, bệnh viêm ruột mạn tính hoặc những người có sử dụng một số loại thuốc kháng sinh, tránh thai sẽ có nguy cơ cao mắc sỏi túi mật.
Theo một nghiên cứu, trong số người mắc sỏi túi mật có khoảng 80% là nữ giới, tỷ lệ phụ nữ ở thành phố mắc nhiều hơn ở nông thôn. Điều đặc biệt, trong số đó thì có đến 90% số người bị viêm túi mật do sỏi. Tuy nhiên có tới 70% số người có sỏi túi mật không có biểu hiện gì và không phải ai có sỏi cũng bị viêm túi mật.
Hình minh họa bệnh sỏi túi mật.
2. Phân loại sỏi túi mật
Quá trình hình thành sỏi mật thường kéo dài trong nhiều năm và gần như không có biểu hiện nào rõ ràng. Bởi vậy, nhiều người bị sỏi túi mật nhưng không phát hiện ra hoặc chỉ tình cờ phát hiện khi đi siêu âm, khám sức khỏe định kỳ.
Có 3 loại sỏi chính, trong đó thường gặp nhất là loại sỏi cholesterol.
Sỏi cholesterol được hình thành khi nồng độ cholesterol trong dịch mật tăng cao bất thường, sẽ bị kết tủa, tạo thành những khối rắn như đá hoặc ở dạng nhầy như bùn. Đây là loại thường gặp nhất.
Sỏi sắc tố mật liên quan đến yếu tố nhiễm trùng và giun sán đường dẫn mật.
Loại 3 là loại sỏi hỗn hợp của hai loại trên.
3. Dấu hiệu nhận biết của sỏi túi mật
Như đã nói ở trên, thông thường sỏi túi mật không có biểu hiện rõ ràng.
Đối với những trường hợp được phát hiện sỏi túi mật khi đã có các biểu hiện là sỏi làm tắc ống mật gây ra các cơn đau. Cơn đau xảy ra thường sau bữa ăn nhiều thịt, giàu mỡ khiến túi mật co thắt đột ngột, gia tăng sức ép của sỏi lên thành túi mật. Hoặc cũng có thể do co thắt túi mật làm dịch chuyển khiến cho tắc đường dẫn mật.
Các cơn đau này được mô tả ở giữa hoặc bên phải phần trên của ổ bụng, ngay dưới đường xương sườn. Mỗi cơn đau thường kéo dài khoảng 60 phút và có thể giảm dần vài tiếng tiếp theo. Trong các cơn đau người bệnh có cảm giác kéo dài nhức nhối, căng phồng. Khi túi mật trở về bình thường thì cơn đau sẽ thuyên giảm.
4. Chẩn đoán sỏi túi mật
Một số phương pháp chẩn đoán sỏi túi mật:
– Siêu âm.
– Khi có sốt nóng, sốt rét cần chụp MRI để xác định sỏi nằm ở vị trí nào để có hướng điều trị thích hợp.
– Cần làm thêm các xét nghiệm sinh hóa máu để xác định chẩn đoán chính xác hơn.
– Nếu chỉ có sỏi túi mật đơn thuần, phương pháp điều trị dễ dàng và thuận lợi. Có thể mổ nội soi cắt túi mật là phương pháp an toàn và hiệu quả.
– Trong trường hợp người bệnh nặng, có các bệnh nền như cao huyết áp, đái tháo đường, suy thận, suy gan, già yếu, khó khăn trong quá trình hậu phẫu, gây mê hồi sức. Các bác sĩ điều trị tạm thời bằng cách dẫn lưu túi mật qua da sau đó điều trị nội khoa để người bệnh ổn định rồi mổ thì 2.
5. Biến chứng của sỏi túi mật
Sỏi túi mật cũng có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, như viêm túi mật cấp, viêm tụy cấp, viêm đường mật,…
– Sỏi túi mật rơi vào ống mật chủ khi không được điều trị và theo dõi. Khi sỏi túi mật rơi vào ống mật chủ có thể mổ nội soi cắt túi mật, mở vào ống mật chủ, nội soi đường mật trong mổ kiểm tra và tán sỏi. Đây là phẫu thuật khó khăn hơn nhiều khi chỉ có sỏi túi mật đơn thuần. Mặc dù kỹ thuật lấy sỏi ống mật chủ tốt nhưng khả năng tái phát của sỏi mật là rất cao, người bệnh phải mổ lại nhiều lần về sỏi đường mật chính.
– Viêm hoại tử túi mật do sỏi. Khi sỏi túi mật có triệu chứng không được điều trị, túi mật viêm hoại tử là hay gặp. Đây là biến chứng cấp cứu cần phải can thiệp phẫu thuật sớm.
– Viêm túi mật mạn tính do sỏi. Có tỉ lệ ung thư túi mật cao, tiên lượng xấu.
6. Điều trị sỏi túi mật
Tùy từng trường hợp mà các bác sĩ sẽ có lựa chọn cho phù hợp. Nếu sỏi không có biểu hiện gây đau cần theo dõi định kỳ và có điều trị.
Các phương pháp điều trị sỏi túi mật bao gồm:
– Phẫu thuật: mổ mở hoặc mổ nội soi. Với các phương pháp này, mổ cắt túi mật loại bỏ được nguồn gốc sinh ra sỏi. Thường sỏi túi mật là sỏi chuyển hóa cholesterol.
– Dẫn lưu túi mật tạm thời qua da dưới hướng dẫn của siêu âm. Phương pháp này áp dụng với những người già yếu, có nhiều bệnh lí nền khó khăn với gây mê và hồi sức sau mổ. Nếu tiến hành phẫu thuật ngay khả năng hồi phục khó, nguy cơ tử vong cao. Dẫn lưu túi mật chỉ mang ý nghĩa tạm thời, sau đó hồi sức tốt cho bệnh nhân để phẫu thuật thì 2.
– Tán sỏi túi mật qua da: Phương pháp này tán sỏi túi mật và lấy sỏi qua da, hoặc đẩy xuống tá tràng. Với phương pháp này không điều trị được triệt căn vì nguyên nhân gây sỏi ở túi mật, bệnh có thể tái phát sỏi ở túi mật. Cần khám định kỳ 6 tháng một lần để kiểm tra mức độ tiến triển của sỏi túi mật. Ngoài ra, kết hợp vận động thể dục thể thao, chế độ ăn giảm chất béo để giảm cân hạn chế tối đa các yếu tố nguy cơ.
7. Hỗ trợ điều trị sỏi túi mật
Đối với người bệnh sỏi túi mật có kích thước nhỏ, số lượng ít và chưa gây ra triệu chứng, người bệnh có thể điều trị tại nhà bằng cách kết hợp thói quen ăn uống, sinh hoạt và sử dụng các thảo dược có lợi cho gan, mật để bài sỏi một cách tự nhiên.
- Điều chỉnh thói quen ăn uống:
Sỏi túi mật nên ăn gì, nên kiêng ăn gì để giúp ngăn sỏi tăng kích thước cũng như giảm các triệu chứng khó chịu sau bữa ăn? Dưới đây là những gợi ý cụ thể như:
- Ăn chín, uống sôi.
- Không ăn đồ tái, sống.
- Uống đủ nước.
- Tăng cường rau xanh, trái cây: súp lơ xanh, mâm xôi, đậu bắp, lê, kiwi,..
- Tăng cường các loại đậu đỗ.
- Hạn chế thực phẩm chứa nhiều cholesterol: thịt đỏ, lòng đỏ trứng, nội tạng động vật, mỡ động vật, đồ chiên rán…
- Không sử dụng thực phẩm chứa chất kích thích.
- Luyện tập phù hợp:
Người có sỏi trong túi mật nên dành 15-30 phút mỗi ngày để tập luyện các bài tập có lợi cho gan mật như đi bộ, đạp xe, yoga. Bởi các bài tập này sẽ giúp tăng vận động đường mật, hỗ trợ quá trình tống đẩy sỏi mật ra ngoài.
Tập thể dục là một lựa chọn tốt cho người bị sỏi túi mật.
8. Lời khuyên thầy thuốc
Nhiều người thường băn khoăn: Sau cắt túi mật liệu có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không? Giải đáp vấn đề này các các nghiên cho thấy, sau phẫu thuật bệnh nhân không cần phải dùng thêm các loại thuốc hỗ trợ nào vì gan vẫn tiết ra dịch mật đầy đủ.
Đối với một số ít trường hợp nếu chậm tiêu hóa với thức ăn chứa nhiều chất béo thì sau mổ người bệnh hạn chế ăn các thức ăn nhiều chất béo, trứng khoảng 3 tháng để cơ thể kịp điều chỉnh dự trữ dịch mật.
Để phòng ngừa sỏi mật cần:
- Ăn đủ bữa, không nên nhịn ăn sáng, cần ăn đúng bữa.
- Có chế độ ăn hợp lý khoa học hạn chế thực phẩm giầu cholesterol.
- Tập luyện thể thao để rèn luyện sức khỏe với thời gian tối thiểu 30 phút/ ngày và duy trì cân nặng với người có cân lý tưởng. Đối với người thừa cân cần giảm cân hợp lý tránh giảm cân đột ngột.
- Ngoài ra cần tẩy giun sán định kỳ./.
Theo SK&ĐS