Theo thông tư 30 sửa đổi, học sinh được quyền nhận xét lẫn nhau về học tập, rèn luyện... Trong ảnh: Một tiết học theo thông tư 30 của học sinh Trường tiểu học Nam Từ Liêm, Hà Nội - Vĩnh Hà
Theo bà Lê Thị Xinh - phó trưởng Phòng GD-ĐT Q.Thủ Đức, TP.HCM, dự thảo sửa đổi thông tư 30 của Bộ GD-ĐT về cơ bản đã đáp ứng được một số nguyện vọng của phụ huynh và giáo viên tiểu học.
Trong đó, điều đáng kể nhất là nội dung “Nếu kết quả bài kiểm tra cuối học kỳ 1 và cuối năm học bất thường so với đánh giá thường xuyên, giáo viên có thể cho học sinh làm bài kiểm tra khác để đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh”.
Ủng hộ “vừa cho điểm vừa nhận xét”
Bà Xinh cho rằng: “Việc không yêu cầu giáo viên phải ghi chép vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục hằng tháng cũng là điều tích cực, làm giảm bớt áp lực công việc cho người thầy. Việc tăng thêm một bài kiểm tra tiếng Việt, một bài kiểm tra toán vào giữa kỳ đối với học sinh lớp 4 và lớp 5 cũng cần thiết, giúp học sinh tránh sự bỡ ngỡ khi lên cấp THCS. Chi tiết này cộng với việc đánh giá học sinh theo các mức A, B, C sẽ là một dạng “định lượng”, giúp phụ huynh bớt băn khoăn về lực học của con em mình”.
Tương tự, GS.TS Nguyễn Ngọc Phú - chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục VN - nói: “Tôi ủng hộ hướng điều chỉnh tăng bài kiểm tra định lượng, vừa cho điểm vừa nhận xét học sinh. Việc quy định rõ số bài kiểm tra, nội dung kiểm tra để cho điểm định kỳ bên cạnh nhận xét thường xuyên là cần thiết. Cá nhân tôi cho rằng vẫn cần chê, cần cho học sinh lưu ban nếu không đạt yêu cầu học tập; chứ không chỉ khen, khuyến khích và cho học sinh lên lớp bằng mọi cách như hiện nay”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hùng Tâm - phụ huynh có con học lớp 4, ở Q.3, TP.HCM - lại cho rằng: “Việc nhận xét học sinh theo A, B, C cũng gần giống với việc xếp loại giỏi, khá, trung bình, yếu trước kia mà thôi. Tuy nhiên, tôi ủng hộ cách xếp loại học sinh rõ ràng như vậy, để các em hiểu được năng lực của mình đến đâu, phụ huynh cũng biết trình độ của con mình như thế nào. Chứ như năm học vừa rồi quá rối rắm”.
Chưa hẳn đã giảm tải
Sau khi đọc xong dự thảo sửa đổi thông tư 30, bà Nguyễn Hồng Mai - phụ huynh có con học lớp 3 Trường tiểu học Phương Mai, Hà Nội - đặt câu hỏi: “Khi bỏ chấm điểm, thông tư 30 cũng quy định giáo viên phải nhận xét mấy lần trong tuần, trong tháng. Bây giờ không bắt buộc giáo viên phải làm chuyện đó. Nếu như có những giáo viên không quan tâm nhận xét học sinh thì sao? Tôi nghĩ động lực học tập của con sẽ giảm, nếu vài tuần cô không kiểm tra nhận xét vào vở của con”.
Cùng nỗi lo trên, một hiệu trưởng trường tiểu học ở vùng ven TP.HCM cũng cho rằng: nếu Bộ GD-ĐT cho thực hiện ý “Trong quá trình dạy học, giáo viên không nhất thiết phải ghi chép, viết nhận xét hằng ngày, mà được quyền chủ động hoàn toàn trong việc đánh giá (nhận xét vào vở học sinh hoặc ghi vào sổ ghi chép của giáo viên)” sẽ rất phức tạp. Bởi với những giáo viên tâm huyết thì không sao, chứ đối với những thầy cô ít tâm huyết rất có thể các thầy cô sẽ không nhận xét gì cả.
Chưa kể sẽ dẫn đến chuyện phụ huynh đi kiện cáo: tại sao con người ta được nhận xét này kia mà con tôi không được nhận xét... Vị hiệu trưởng này giải thích: “Trước đây, điểm số chính là động lực giúp học sinh cố gắng trong học tập. Bây giờ bỏ cho điểm thì phải có nhận xét mới giúp học sinh biết được năng lực mình tới đâu, mình cần phấn đấu khía cạnh nào. Nếu bỏ nhận xét thì lấy gì làm động lực thúc đẩy học sinh học tập?”.
Cần đổi mới đánh giá đồng bộ
TS Chu Cẩm Thơ, Trường ĐH sư phạm Hà Nội, phân tích: “Từ thực tế thực hiện thông tư 30 và những phản hồi trong quá trình triển khai, tôi thấy có hai điểm đáng nói.
Thứ nhất là việc chạm vào, thay đổi, làm mới giáo dục phổ thông không dễ dàng, vì cán bộ quản lý, giáo viên đều quen với lối mòn, không thích, không muốn đổi mới. Tâm lý đó khiến họ chạm vào đâu cũng thấy khó.
Thứ hai, cản trở từ phía phụ huynh. Không phải không có những bậc phụ huynh tìm hiểu kỹ và ủng hộ thông tư 30 nhưng rất nhiều người lo lắng, thậm chí phản đối vì họ nhìn vào các bậc học trên chưa thay đổi. Với nhiều bậc phụ huynh, con đi học là để đi thi, để có điểm cao. Vì thế họ không thích thông tư 30 là
đương nhiên”.
Cũng theo TS Chu Cẩm Thơ, nếu chúng ta không dùng điểm mà có các cách khác để đánh giá, góp ý, chỉ cho học sinh cái các em cần sửa thì sẽ tốt hơn. Không chỉ tốt cho học sinh học một môn học nào đó mà tốt cho việc hình thành năng lực, tư duy, tư cách của mỗi học sinh.
“Dần sau này nên bỏ đánh giá theo A, B, C. Vì nó vẫn là một hình thức có thể làm nảy sinh ganh đua không cần thiết. Cái cần hướng tới phải là thay điểm số bằng tiêu chí. Điều này giúp ích cho người học nhanh tiến bộ hơn là những con số cụ thể. Ngoài ra phải đổi mới đánh giá đồng bộ ở các cấp học. Không thực hiện được điều này, thông tư 30 tiếp tục không được ủng hộ”, TS Thơ nói.
Con nít làm sao đánh giá... con nít! “Tôi rất ngạc nhiên khi dự thảo cho phép học sinh tiểu học đánh giá bạn mình. Các con đang ở độ tuổi rất nhỏ, nếu có đánh giá cũng rất cảm tính. Chưa kể, nếu các thầy cô không khéo thì buổi đánh giá giữa các học sinh với nhau sẽ thành một buổi “đấu tố”, không hay chút nào trong môi trường học đường” - ông Vũ Như Cương, phụ huynh học sinh lớp 3 ở Q.1, TP.HCM, tỏ ra băn khoăn. Không những vậy, chính bản thân giáo viên cũng chưa “tâm phục khẩu phục”: “Giáo viên là người đứng lớp thì chính giáo viên là người chịu trách nhiệm và có quyền đánh giá học sinh. Việc bộ cho phụ huynh, học sinh cùng đánh giá năng lực của học sinh là không ổn và chưa phù hợp” - cô M., giáo viên lớp 1 ở TP.HCM, bày tỏ./. |
Theo Vĩnh Hà-Hoàng Hương/TTO