Sân bay quân sự Tayfur (còn gọi là T-4) tại miền Trung Syria tối 8/4 đã bị tấn công. Kênh truyền hình nhà nước Syria cho biết đã có tiếng nổ lớn gần sân bay ở thành phố Homs.
Theo nguồn tin, sân bay này đang là mục tiêu tấn công của tên lửa và có khả năng là do Mỹ tiến hành. Lực lượng phòng không Syria sau đó đã đáp trả. Báo cáo sơ bộ cho thấy, có ít nhất 14 người thiệt mạng trong vụ không kích này. Diễn biến xảy ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa cảnh báo cứng rắn liên quan đến vụ tấn công hóa học tại Syria.
Cuộc nội chiến ở Syria sắp bước sang năm thứ 8 nhưng vẫn chưa có hồi kết khi các cuộc giao tranh vẫn không ngừng diễn ra ở quốc gia Trung Đông này. Ảnh: New York Times
Mỹ hay Israel đã không kích căn sứ T-4
Phản ứng ngay sau đó, Syria và Nga đã tuyên bố rằng, các cuộc không kích ở sân bay quân sự T-4 (Tayfur) ở phía đông Homs (miền trung Syria) vào tối 8/4 đã được thực hiện bởi quân đội Israel, đồng thời cho rằng không loại trừ khả năng, cơ sở bị tấn công bởi quân đội Mỹ.
Báo chí nhà nước Syria cho rằng, cuộc tấn công được thực hiện bởi hai máy bay F-15 của Israel và đã bắn 8 quả tên lửa. Tuy nhiên, không quân Syria đã đánh chặn 5 quả tên lửa trong số đó. Vụ không kích đã khiến 14 người thiệt mạng.
Nga đã yêu cầu Israel giải thích khẩn cấp về các vụ tấn công ở căn cứ quân sự Tayfur của Syria. Theo Thượng nghị sĩ Nga Vladimir Jabarov, nước này đã yêu cầu các bộ Quốc phòng và bộ Ngoại giao Israel giải thích nguyên nhân cuộc tấn công này cũng như làm rõ "điều gì đã thúc đẩy Israel tiến hành một bước như vậy, đó là áp lực từ nước ngoài, hay đó là một quyết định độc lập?"
Nghị sĩ Vladimir Jabarov nói rằng, Israel có thể sử dụng một số thông tin tình báo, quyết định không kích và trong bất kỳ trường hợp nào cũng không thể kết luận sớm. Nhưng nếu chính Mỹ kêu gọi Israel thực hiện thì đây là một điều xấu và một bước có thể hủy hoại rất nhiều trong mối quan hệ với Israel. Nga đánh giá số quốc gia có thể sử dụng vũ khí trong vụ tấn công này không vượt quá 5 hoặc 6 quốc gia, bao gồm Mỹ, Anh và Đức.
Quân đội Israel từ chối bình luận về tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga liên quan tới vụ tấn công căn cứ quân sự T-4. Mỹ cũng phủ nhận các cáo buộc đã tiến hành các cuộc không kích ở Syria. Nhưng nước này khẳng định tiếp tục theo dõi tình hình chặt chẽ và ủng hộ những nỗ lực ngoại giao đang diễn ra để kết tội những người sử dụng vũ khí hoá học ở Syria.
Trước đó, Tổng thống Donald Trump tuyên bố chế độ của ông Bashar Assad sẽ phải trả một giá đắt liên quan tới cuộc tấn công hóa học ở Syria. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton ủng hộ khởi động các cuộc không kích chống lại Syria. Các nhóm an ninh quốc gia đang bàn thảo cùng ông Trump để đưa ra giải pháp để đối phó với các cuộc tấn công hóa học ở Douma.
Đáng chú ý là vụ tấn công xảy ra sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macaron và Tổng thống Mỹ Donald Trump điện đàm, cùng cam kết sẽ phản ứng mạnh mẽ đối với một cuộc tấn công hóa học giết chết hàng chục người ở thành phố Douma, Syria hôm 7/4 vừa qua. Cả Mỹ và Pháp đều cho rằng Chính quyền của Tổng thống Bashar Assad phải chịu trách nhiệm về những gì đang diễn ra.
Chiến sự Syria sẽ ra sao sau vụ tấn công vũ khí hóa học?
Vụ tấn công căn cứ không quân T-4 ở Homs (Syria) là hành động leo thang sau vụ được cho là đã sử dụng vũ khí hóa học ở Douma vào đêm thứ bảy.
Các nguồn tin cho biết, khoảng 40 người chết vì ngạt thở, hơn 500 người trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em đã được đưa đến các trung tâm y tế vì khó thở, cảm giác nóng bỏng trong mắt. Một số có da xanh, dấu hiệu thiếu oxy. Các triệu chứng phù hợp với tiếp xúc với hóa chất. Và đây đang là chủ đề nóng của khu vực Trung Đông trong những ngày qua và được cho là đặc biệt nghiêm trọng, cũng như có thể đẩy cuộc chiến ở Syria ngoài tầm kiểm soát của các bên.
Tuy nhiên, vấn đề bên nào đã sử dụng vũ khí hóa học ở Douma đang là chủ đề tranh cãi khi mà một bên là chính phủ Syria, Nga, Iran và bên kia là Mỹ, các nước phương Tây và lực lượng đối lập đều phủ nhận và đổ lỗi cho nhau.
Chính phủ Syria trong một tuyên bố chính thức đã bác bỏ mọi cáo buộc và cho rằng, đây là một cái cớ để ủng hộ những kẻ khủng bố ở Douma mỗi khi quân đội Syria đạt được các tiến bộ trong cuộc chiến chống khủng bố. Syria cho rằng, đây cũng không phải lần đầu tiên Mỹ và các nước phương Tây cáo buộc nước này sử dụng vũ khí hóa học.
Syria khẳng định đã loại bỏ kho vũ khí hóa học của mình theo hiệp định năm 2013 giữa Mỹ và Nga. Đồng minh của Syria, Nga đã phủ nhận bất kỳ sự liên quan nào trong cuộc tấn công hóa học đồng thời bác bỏ tuyên bố rằng các lực lượng chính phủ Syria đã sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc tấn công vào thị trấn Douma.
Thiếu tướng Yuri Yevtushenko cho biết, Nga đã chuẩn bị để "gửi các chuyên gia về bức xạ, hóa học và bảo vệ sinh học tới Douma để thu thập dữ liệu sẽ xác nhận tính chất giả tạo của các thông tin."
Iran cũng lên án các cáo buộc như là một "âm mưu" chống lại ông Bashar Assad và cho rằng, đây là một cớ để hành động quân sự. Bộ Ngoại giao Iran cho biết, những cáo buộc như vậy của người Mỹ và một số quốc gia phương Tây đã cho thấy một âm mưu mới chống lại chính phủ và người dân Syria. Tehran cảnh báo bất kỳ sự can thiệp quân sự nào "chắc chắn sẽ làm phức tạp tình hình" ở Syria và khu vực rộng lớn hơn.
Trong khi đó, Mỹ, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả-rập Xê-út, Pháp, Israel đã lên án cuộc tấn công vũ khí hoá học ở Douma. Tổng thống Mỹ nói rằng, Nga và Iran chịu trách nhiệm vì đã hậu thuẫn cho ông Bashar Assad. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói, những báo cáo này, nếu được xác nhận sẽ là kinh khủng và yêu cầu cộng đồng quốc tế phản ứng ngay lập tức.
Anh tuyên bố nếu chứng minh vụ việc là đúng, sẽ là bằng chứng cho thấy sự tàn bạo của chế độ Bashar Assad. Pháp cho rằng, đây là một "sự vi phạm thô bạo luật cứu trợ quốc tế" và khẳng định sẽ hợp tác với các đồng minh để xác minh các báo cáo rằng vũ khí hóa học đã được sử dụng, cũng như có thể tấn công đơn phương nếu có một cuộc tấn công hóa học chết người.
Liên minh châu Âu thì cho biết, bằng chứng cho thấy việc sử dụng vũ khí hoá học của lực lượng chính phủ Syria. EU đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tái kiểm tra để xác định thủ phạm của các cuộc tấn công hóa học này.
Điều này cho thấy, việc có sử dụng vũ khí hóa học hay không và bên nào đã sử dụng tấn công ở Douma, Syria hôm 7/4 còn là dấu hỏi. Và cuộc chiến ở Syria còn diễn biến phức tạp, khó lường. Theo các chuyên gia, từ lâu đây không còn là vấn đề của nội bộ Syria hay khu vực mà là cuộc chiến ủy thác giữa một bên là Mỹ và các nước phương Tây, lực lượng đối lập Syria một bên là Nga và Iran, cùng chính quyền Bashar Assad.
Cuối năm 2017, chiến sự ở Syria tưởng như đi tới hồi kết khi mà lực lượng chính phủ liên tiếp giải phóng nhiều khu vực khỏi tay các phần tử khủng bố, lực lượng đối lập. Tuy nhiên, chiến sự trở nên phức tạp và ác liệt hơn khi Mỹ tăng cường gửi quân tới Syria và tiếp diễn là vụ cáo buộc lẫn nhau sử dụng vũ khí hóa học ngày 7/4 vừa qua.
Bất luận nguyên nhân vụ việc, người dân Syria đang phải gánh chịu tổn thất nặng nề nhất. Cộng đồng quốc tế kịch liệt phản đối các vụ tấn công sử dụng vũ khí hóa học. Người đứng đầu Liên Hợp Quốc đặc biệt báo động và lưu ý rằng, Liên Hợp Quốc không có khả năng để xác minh các báo cáo như vậy. Tổng thư ký LHQ Guterres nói rằng, bất kỳ việc sử dụng vũ khí hóa học nào đều "đáng ghê tởm". Ông kêu gọi tất cả các bên chấm dứt chiến đấu và hỗ trợ tiếp cận nhân đạo ở Syria.
Thỏa thuận ngừng bắn Douma mong manh
Các nguồn tin khu vực cho biết, lực lượng chính phủ với sự hậu thuẫn của Nga và Iran đã đạt được thỏa thuận với Lực lượng phiến quân Jaysh al-Islam. Theo Hãng thông tấn nhà nước Syria (SANA), thỏa thuận ngừng bắn và rút quân sẽ được thực hiện trong vòng 48 giờ. Lực lượng phiến quân Jaysh al-Islam sẽ giải phóng tất cả các tù nhân quân đội Syria và thường dân để đổi lấy việc qua hành lang an toàn tới thành phố Jarabulus ở vùng nông thôn phía bắc Aleppo.
Việc thực hiện thỏa thuận sơ tán sẽ bắt đầu sớm, trừ khi Mỹ và các đồng minh của nước này thực hiện các hành động trực tiếp để phá hoại thỏa thuận này. Syria đồng ý đàm phán nhằm chấm dứt sự đổ máu của thường dân ở Douma và giải phóng những người bị bắt cóc, mặc dù họ nghi ngờ về sự nghiêm túc trong ý định ngừng bắn của nhóm đối lập này.
Hãng thông tấn nhà nước Syria (SANA) cho biết, lực lượng Jaysh al-Islam đang chế tạo vũ khí hoá học và có thể sử dụng nhằm cản trở tiến bộ của quân đội Syria. Nga cũng cho rằng, một số nước phương Tây đang cố gắng phá vỡ thỏa thuận ở Douma.
Điều này cho thấy thỏa thuận giữa các bên về Douma rất mong manh và có thể sẽ leo thang chiến sự ác liệt khi các tay súng thuộc Lực lượng phiến quân Jaysh al-Islam bị dồn vào đường cùng. Do đó, tình hình Đông Ghouta rất khó dự đoán và chưa thể giải quyết khi tình hình còn phức tạp, đó là chưa kể sự can thiệp và kích động từ bên ngoài./.
Theo VOV.VN