Bốc dỡ container lên tàu Tan Cang Foundation. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)
Sáng 29/12, tại cụm cảng Cần Thơ (quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ), Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cùng Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) tổ chức lễ đón chuyến tàu container Tan Cang Foundation vào cụm cảng Cần Thơ.
Việc tái khởi động tuyến dịch vụ này nhằm kết nối hàng hóa miền Tây Nam Bộ-miền Trung-miền Bắc, mang đến giải pháp tiếp vận hậu cần (logistics) trọn khâu cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước sau khi kênh Quan Chánh Bố được thông luồng, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo ông Phùng Ngọc Minh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, ngày 24/10/2016, ngay sau khi Cục Hàng hải Việt Nam có quyết định về khai thông tuyến luồng Quan Chánh Bố, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đã tiên phong khai trương tuyến tàu container nội địa đầu tiên triển khai tuyến Hải Phòng-Thành phố Hồ Chí Minh-cảng Tân Cảng Cái Cui với tần suất 1 chuyến/tuần. Tuy nhiên, chỉ một năm sau với 33 chuyến tàu cập cảng, tuyến khai thác đã phải tạm ngưng do yếu tố độ sâu luồng không đảm bảo.
Tại Hội nghị thúc đẩy vận tải thủy phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra tại Cần Thơ ngày ngày 30/09/2022, Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ đã thông báo hoàn tất nạo vét và thông luồng Quan Chánh Bố. Đây là tiền đề quan trọng để khởi động lại tuyến tàu container nội địa nhằm tạo ra giải pháp dịch vụ tiếp vận hậu cần trọn gói, tiết kiệm thời gian và tối ưu chi phí vận chuyển cho các doanh nghiệp trên địa bàn.
Ông Phùng Ngọc Minh cho biết việc hợp tác giữa Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam sẽ mang lại những lợi ích thiết thực nhất cho khách hàng bằng dịch vụ chuyên nghiệp, chất lượng cao, giá cả cạnh tranh.
"Chúng tôi cam kết tuyến dịch vụ sẽ đi vào ổn định với tần suất 2 chuyến/tháng và phấn đấu phát triển thành 1 chuyến/tuần, đồng thời tạo giải pháp kết nối chuỗi logistics từ cảng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đi cụm cảng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, Cái Mép xuất tàu, hướng tới đi thẳng tuyến quốc tế nội Á; tiết kiệm được thời gian và đến 40% chi phí vận chuyển cho khách hàng xuất nhập khẩu trong khu vực," lãnh đạo Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết.
Bốc dỡ container lên tàu Tan Cang Foundation. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)
Ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam khẳng định việc mở tuyến vận tải container với cỡ tàu lớn có ý nghĩa quan trọng góp phần làm tăng năng lực cạnh tranh cho các nhà xuất nhập khẩu, nhà sản xuất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khi vận tải hàng hóa với chi phí hợp lý và chủ động hơn trong kế hoạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Đặc biệt, đây là nơi chiếm tới 60% lượng hàng thủy sản, 70% sản lượng hàng trái cây và 95% sản lượng gạo xuất khẩu của các nước.
Cùng với việc mở tuyến thành công và duy trì tuyến luồng xuyên suốt, trong thời gian tới, cần tiếp tục duy trì cốt luồng từ âm 6m trở lên để tàu có thể ra vào thông suốt theo kế hoạch.
Bên cạnh đó, cần có những hỗ trợ kịp thời để doanh nghiệp thay đổi thói quen từ vận tải bộ sang vận tải thủy, giúp tiết giảm chi phí, tăng lợi thế cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu vận tải xanh ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường đánh giá sự kiện không chỉ có ý nghĩa và mang lại lợi ích cho hai doanh nghiệp mà còn có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc phát triển thành phố Cần Thơ, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu.
Các đại biểu thực hiện nghi thức ấn nút phát lệnh làm hàng chuyến tàu container Tan Cang Foundation. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)
Theo ông Trần Việt Trường, thống kê nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là 17-18 triệu tấn/năm, tuy nhiên 70% hàng hóa xuất khẩu phải vận chuyển đường bộ về các cảng cảng lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ, làm tăng thêm chí phí vận tải vào giá thành sản phẩm xuất khẩu, từ đó gây khó khăn cho đầu ra các sản phẩm nông nghiệp của vùng, cũng như giảm lợi nhuận của doanh nghiệp và người dân trong vùng.
Do đó, việc mở lại tuyến tàu container nội địa Cần Thơ từ Hải Phòng vào thẳng Đồng bằng sông Cửu Long đến cụm cảng Cái Cui mà không phải qua cảng Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo ra giải pháp dịch vụ tiếp vận hậu cần trọn gói, tiết kiệm được thời gian và chi phí vận chuyển cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Người đứng đầu chính quyền thành phố Cần Thơ khẳng định Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố cam kết luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp để tháo gỡ các rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật cản trở đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thành phố quan tâm giải quyết khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp; tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận, khai thác có hiệu quả các tiềm năng hiện có, phục vụ cho sự phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội thành phố năm 2023 và những năm tiếp theo.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ cho biết thời gian tới, Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ, đồng hành cùng Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam và Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn duy trì tuyến vào cụm Cảng Cái Cui.
"Thành phố sẽ đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và Cục Hàng hải Việt Nam có biện pháp duy trì mớn nước ổn định cho tàu biển container có trọng tải lớn vào luồng hàng hải sông Hậu. Đẩy nhanh dự án xã hội hóa nạo vét luồng Định An để đảm bảo 2 tuyến luồng hàng hải cho tàu chạy song song, giải phóng được ách tắc của luồng một chiều cho các tàu lớn không phải chờ lâu để đi qua," ông Trần Việt Trường nói./.
Thanh Liêm (TTXVN/Vietnam+)