Tiếng Việt | English

13/12/2015 - 09:29

Tấm bia đình

Từ ngày mấy ông nhà báo loan tin tấm bia ở đình là cổ vật, người dân túa đến ngày một đông. Ông Bảy chống gậy ra xem, mắt nheo nheo nhìn tận mặt từng người như đợi coi có ai hỏi mình về tấm bia đó không. Nhưng cũng chẳng ai ngó ngàng gì đến ông. Cũng như từ hồi nhỏ đến giờ, có bao giờ ông thấy tấm bia đó lên tiếng: “Ê, biết tui là ai hông?” Cũng như bây giờ, không lẽ ông lên tiếng: “Ê, tui già nhất làng, tui rành tấm bia đó nhất làng!” hay sao?

Cuối cùng cũng có đứa cháu đi làm ở xa nhà, gọi điện về hỏi ông:

- Nội, tấm bia ở đình làng mình là cổ vật hả nội? Con nghe người ta nói ông bia bà bia linh lắm, khấn gì được nấy hả nội?
Ông già lãng tai, mở cái loa điện thoại chan chát mới nghe được, gật gù đến khi nghe câu hỏi cuối của đứa cháu mới nổi quạu:

- Tao kể bây nghe muốn nát đĩa mà bây không nhớ sao, đi hỏi lại tao?

Lúc này đứa cháu mới chực nhớ, nhà sát vách đình, lúc nhỏ mỗi buổi chiều ông nội dắt qua sân đình chơi, chỉ tấm bia nằm giữa sân. Nhưng ngặt nỗi đến cái đoạn hấp dẫn là ông nội kể gì thì đứa cháu đã quên mất rồi.

Gần 100 năm trước, khi bà cố sanh ông Bảy thì ngôi đình đã có ở đó hơn trăm năm rồi. Ông lớn lên bên mái đình như bao người khác. Có lần trên xã gửi giấy xuống, yêu cầu đình phải đốn hàng dương để xã xây dựng trường học. Ông Bảy xách đơn đi lên đi xuống xã ròng rã mấy tháng để xin giữ lại hàng dương. Nhưng trên xã vẫn phải đốn. Đồng chí chủ tịch xuống tận nơi, nắm tay ông Bảy nói:

- Vì sự nghiệp giáo dục của nước nhà mà ông Bảy!

Lúc đó ông không nói, ngồi nhìn trân trân hàng dương, rồi ông khóc. Lần đầu tiên mấy đứa trong làng mới thấy ông Bảy rơi nước mắt. Ông thút thít như con nít mất bạn. Nhưng may mắn sao, hàng dương vẫn còn 1 cây nằm ngoài dự án xây dựng nên thoát chết. Lúc đó ông Bảy mới nói, ông nội của ông và hàng dương trước sân đình là cùng một tuổi. Ai nấy đều bật ngửa. Có người ghé tai nhau hỏi, cái chén kiểu, để trăm năm là thành đồ cổ rồi, còn hàng dương trăm năm sao vẫn là cây dương bình thường vậy?

Ông Bảy nói, thôi thì cũng là do nơi duyên số. Những cây dương còn sống sót đến ngày nay âu cũng là do duyên số. Những năm chiến tranh khói lửa, mấy loạt pháo bay lạc chém đứt đọt hàng dương. Chúng cháy rụi rồi lại mọc lên xanh um, vươn thẳng lên trời cao xanh thẳm. Nhưng bây giờ, đất ở đâu để những gốc dương mọc lên chồi mới?

Từ lúc hàng dương bị đốn, ông thường qua lại đình hơn. Ông tuổi đã cao, không đi qua đình làm công việc lặt vặt thì biết phải làm gì cho khuây khỏa. Tụi nhỏ kêu, nội ở nhà đi, chuyện đình để tụi con lo cho, nhưng nói thì nói vậy chứ có đứa nào lo bằng ông được đâu. Năm ngoái, có đứa sinh viên nói với ông "để con viết văn tế thành hoàng cho cụ". Ông Bảy mừng thầm, yên tâm vì trong cái làng này cũng đã có người chịu học hỏi, chịu thay ông viết văn tế. Nhưng khi chuẩn bị vào cúng mới tá hỏa, cái bài văn tế trớt quớt. Ông hỏi, đứa sinh viên nói nó lấy trên mạng về. Ông Bảy làm cho nó một trận:

- Sao bây không hỏi tao? Đi lấy trên mạng trên miết chi vậy?

- Cụ ơi, trên mạng hay lắm. Từ cổ chí kim cái gì cũng có hết!

- Nhưng bài văn tế đình mình phải có cái riêng của địa phương mình chứ.

Lúc đó thằng nhỏ mới phát hiện, nó chép y hệt bài văn tế của đình khác, không thèm sửa lại một chữ nào. Hú hồn, may mà ông phát hiện sớm, chứ lỡ đọc lên, chắc đã làm phật ý thành hoàng rồi.

Hôm bữa, ông Bảy nói, tụi trẻ bây giờ hay thiệt, cái gì cũng biết. Ông quên tên bài hát kháng chiến cũ. Kêu đứa cháu chắt mở mạng lên, ông hát, nó gõ cộc cộc một hồi là ra ngay tên bài hát đó liền.

- Ờ, mà còn nữa, hôm rồi ông tính đi Sài Gòn mua cái trống cho đình, thằng Tân nói thôi nội đừng có đi, để con mở mạng cho nội xem. Ông xem nó mở mạng, rồi chọn một cái trống. Mấy hôm sau người ta chở trống về tới đình. Thiệt là nhanh lẹ!

Nhưng cái mạng này cũng làm người ta đau đầu thật, nhất là vụ cái tấm bia của đình, tụi nhà mạng biết gì mà lên đó nói khơi khơi. Ông hâm sẽ vác đơn đi kiện tụi nó. Ông đã viết ra cả chục tờ đơn rồi. Có đứa cháu khuyên, thôi bỏ đi nội ơi! Nhưng ông vẫn không chịu:

- Bỏ sao được, đình của mình mà để người ta vẽ rồng, vẽ rắn như vậy coi sao được mậy.

Có đứa cháu bàn:

- Hay là nội cứ chờ xem, có ông nhà báo nào tìm đến hỏi nội về tấm bia thì nội kể cho người ta nghe, kêu người ta lên mạng đính chính lại. Chứ hơi đâu mà đi kiện chi cho mệt vậy nội.

Ông Bảy nghe có lý, nên ưng bụng dẹp mấy lá đơn. Mỗi khi nghe có đoàn khách nước ngoài hay đoàn nhà báo nào đến đình tham quan tấm bia là ông ra trước cửa đứng đợi coi có ai hỏi ông về tấm bia đó hông. Nhưng mỏi mòn mà không ai hỏi cả, ông thấy vậy, chống gậy bước qua đình, nắm tay ông nhà báo:

- Để qua kể cho chú em mầy nghe về tấm bia này nha! Tấm bia này có từ năm Tự Đức ngũ niên…

Ông nhà báo nhìn ông Bảy, nửa tin nửa không, móc túi lấy cái điện thoại ra quẹt quẹt rồi lắc đầu:

- Sai rồi cụ ơi! Chắc cụ nhớ nhằm rồi. Tấm bia này có từ hồi Hồng Bàng năm…

Ông Bảy nhíu mày:

- Sao chú biết qua nói sai? Ông bà qua là người ở đây, kể cho qua nghe, dạy cho qua đọc từ hồi tấm bia này còn rõ chữ mà.

- Dạ, đành vậy, nhưng trên mạng viết khác cụ ơi! Vả lại, bây giờ tấm bia chỉ còn đọc được có mấy chữ, mấy chữ còn lại bị mờ hết rồi. Những tiến sĩ ngôn ngữ học đọc còn không ra, cụ già rồi, mắt mờ rồi, sao đọc được.

- Mấy năm trước tui có trình trên xã cho xây dựng cái nhà bảo quản tấm bia, tui xin phép đứng ra dịch lại tấm bia. Nhưng trên xã nói đợi xin ý ở trên.

- Dạ, nhưng báo chí ai cũng nói vậy, cháu nói khác không được cụ ơi!

Nói vậy rồi ông nhà báo bỏ lên xe đi mất. Ông Bảy về nhà nằm lăn qua lăn lại trên ván rồi bệnh hết mấy hôm ròng. Những đoàn khách về đình ngày một đông, có hôm có đến mấy chục chiếc xe hơi. Tụi nhỏ chạy photo mấy tờ báo viết về tấm bia của đình, đi rao bán cũng kiếm được đủ tiền mua cá cho cả nhà. Mấy bà bán cháo, bán cơm thi nhau pha chuyện thần thánh cho tấm bia thêm phần huyễn hoặc. Chuyện tấm bia của đình càng vang xa, người đến chiêm bái càng đông, những câu chuyện không biết thực hư thế nào cũng ngày một nhiều.

Vậy mà ông Bảy – ông Đại bái của đình lại đổ bệnh nên không ai đứng ra dàn xếp được chuyện đình. Còn ông Chánh bái thì tuổi còn nhỏ hơn tuổi cái nhà kho của đình, lấy gì biết được tới tấm bia nên cũng bó tay. Chính quyền địa phương nhờ nhà viết sử về viết cho đình một quyển sử chính thống để dễ dàng lưu truyền. Nhà viết sử đọc được 2-3 chữ trong tấm bia, còn những chữ kia vì quá mờ nên không đọc được. Lúc ấy, nhà viết sử mới yêu cầu tìm một ông cụ già nhất làng, thông thạo chữ nho, từng đọc được tấm bia này để đọc cho nhà viết sử viết.

- Là ông Bảy Đại bái của đình đó, sao không hỏi ổng?

Nhưng, lúc nhà viết sử đến nhà thì ông Bảy đã lặng lẽ ra đi hôm trước khi vừa bước qua tuổi 100. Lúc đó, người ta mới tá hỏa kéo đến nhà ông Bảy, lục lại coi ổng có viết gì để lại hay không. Đám trẻ lục trong tủ của ông có một xấp giấy, trao cho nhà viết sử. Nhà viết sử đưa hai tay ra cầm, để vào bọc cẩn thận, nghiêm mặt nói:

- Xấp giấy tờ này là chứng tích lịch sử. Chúng ta có thể căn cứ vào đây để đoán ra những chữ đã mờ trong văn bia.
Nhưng đọc hoài, đọc mãi xấp giấy đó, thấy toàn là tâm sự của ông, chứ có thấy ông nói gì tới văn bia đâu. Lúc này, chính quyền địa phương mới lên loa kêu gọi, ai còn giữ những gì của ông Bảy thì gửi lại cho ủy ban, sẽ được trọng thưởng. Mọi người mới lục lại những toa thuốc Bắc, những bài khấn chữ Nôm, những câu đối… mà hồi sinh tiền ông Bảy đã viết cho. Có người cắc cớ, lên mạng in một xấp giấy rồi đem nộp.

Nhà viết sử đọc hết tất cả những gì có liên quan đến ông Bảy mà xã đưa cho. Mấy tháng sau nhà viết sử gửi một bức thư về xã, trong thư, ngoài lời hứa sẽ trở lại viết sử cho đình khi tìm đủ tư liệu, còn kèm theo bức thư là một tờ giấy photo bút tích của ông Bảy: “Tui nói, mà có ai nghe đâu. Tui không sợ khi tui chết không ai đứng ra nói, mà tui chỉ sợ bây giờ tui còn sống trơ trơ mà nói không ai muốn nghe”./.

Lê Quang Trạng

Chia sẻ bài viết


Mua vang trắng ý chính hãng