Tăng cường thanh, kiểm tra nhằm phát hiện nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm
PV: Xin ông cho biết, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật ATTP có những quy định cải cách gì trong quản lý, kiểm tra ATTP và đối tượng áp dụng là ai?
Ông Phạm Văn Luân: Nghị định số 15/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 02/02/2018 thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP, ngày 25/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP; bãi bỏ Chương II Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT, ngày 09/4/2014 của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về ATTP.
Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP: Thủ tục tự công bố sản phẩm; thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm; bảo đảm ATTP biến đổi gen; cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; kiểm tra nhà nước về ATTP nhập khẩu, xuất khẩu; ghi nhãn thực phẩm; quảng cáo thực phẩm; điều kiện bảo đảm ATTP trong sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe; điều kiện bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh (SXKD) và sử dụng phụ gia thực phẩm; truy xuất nguồn gốc thực phẩm; phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP.
Nghị định áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam tham gia SXKD thực phẩm; tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến ATTP tại Việt Nam.
PV: Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định về thủ tục, trình tự tự công bố sản phẩm như thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Văn Luân: Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định tổ chức, cá nhân SXKD thực phẩm thực hiện tự công bố thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ chứa đựng thực phẩm, vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, trừ các sản phẩm quy định tại khoản 2, Điều 4 và Điều 6 của nghị định này.
Việc tự công bố sản phẩm được thực hiện theo trình tự: Tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc trang thông tin điện tử của mình hoặc niêm yết công khai tại trụ sở của tổ chức, cá nhân và nộp 1 bản qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền do UBND cấp tỉnh chỉ định.
Ngay sau khi tự công bố sản phẩm, tổ chức, cá nhân được quyền SXKD sản phẩm và chịu trách nhiệm hoàn toàn về an toàn của sản phẩm đó. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận bản tự công bố của tổ chức, cá nhân để lưu trữ hồ sơ và đăng tải tên tổ chức, cá nhân và tên các sản phẩm tự công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan tiếp nhận.
Trong trường hợp tổ chức, cá nhân có từ 2 cơ sở sản xuất trở lên cùng sản xuất 1 sản phẩm thì tổ chức, cá nhân chỉ nộp hồ sơ tại một cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương có cơ sở sản xuất do tổ chức, cá nhân lựa chọn. Khi đã lựa chọn cơ quan quản lý nhà nước để nộp hồ sơ thì các lần tự công bố tiếp theo phải nộp hồ sơ tại cơ quan đã lựa chọn trước đó.
PV: Điều kiện bảo đảm ATTP trong SXKD và sử dụng phụ gia thực phẩm được quy định như thế nào?
Ông Phạm Văn Luân: Cơ sở SXKD phụ gia thực phẩm phải đáp ứng các điều kiện bảo đảm ATTP: Đáp ứng các quy định chung về điều kiện bảo đảm ATTP được quy định tại khoản 1, Điều 19 và khoản 1, Điều 20; khoản 1, Điều 21, Luật ATTP. Chỉ được phối trộn các phụ gia thực phẩm thuộc danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng do Bộ Y tế quy định và sản phẩm phối trộn cuối cùng không gây bất cứ tác hại nào đối với sức khỏe con người. Trường hợp tạo ra một sản phẩm mới, có công dụng mới, phải chứng minh công dụng, đối tượng sử dụng và mức sử dụng tối đa. Việc sang chia, chiết phụ gia thực phẩm phải được thực hiện tại cơ sở đủ điều kiện ATTP và ghi nhãn theo quy định hiện hành.
Tổ chức, cá nhân SXKD sản phẩm có trách nhiệm: Chỉ được sử dụng phụ gia thực phẩm trong danh mục được phép sử dụng do Bộ Y tế quy định. Trường hợp phụ gia thực phẩm không thuộc danh mục được phép sử dụng hoặc không đúng đối tượng sử dụng do Bộ Y tế quy định, tổ chức, cá nhân SXKD phụ gia thực phẩm phải đăng ký bản công bố sản phẩm tại Bộ Y tế theo quy định tại Điều 7, 8 của nghị định này. Tổ chức, cá nhân SXKD sản phẩm phải sử dụng phụ gia thực phẩm không vượt quá mức tối đa cho phép; đúng đối tượng thực phẩm; có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; còn thời hạn sử dụng; đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quản lý và yêu cầu kỹ thuật đối với phụ gia thực phẩm.
PV: Việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Văn Luân: Truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm không bảo đảm an toàn khi phát hiện sản phẩm do mình SXKD không bảo đảm an toàn hoặc khi cơ quan nhà nước thẩm quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân SXKD phải có trách nhiệm thực hiện việc truy xuất nguồn gốc theo quy định tại khoản 1 và khoản 2, Điều 54, Luật ATTP.
Đối với sản phẩm không bảo đảm an toàn, tổ chức, cá nhân SXKD phải lưu trữ các thông tin liên quan đến nhà sản xuất, cung cấp sản phẩm và khách hàng trong trường hợp đã mua sản phẩm đó thông qua hợp đồng, sổ sách ghi chép hoặc các phương thức khác để phục vụ việc truy xuất nguồn gốc. Các thông tin phục vụ truy xuất nguồn gốc, gồm: Tên, chủng loại sản phẩm đã mua, đã bán; ngày, tháng, năm, số lượng, khối lượng, số lô, số mẻ của sản phẩm (nếu có) đã mua, bán. Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định cụ thể việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm đối với các sản phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.
PV: Ông có thể cho biết, tại Long An, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP được triển khai thực hiện như thế nào?
Ông Phạm Văn Luân: UBND tỉnh ban hành Công văn số 2145/UBND-VHXH, ngày 24/5/2018 về việc triển khai Nghị định 15/2018/NĐ-CP nhằm bảo đảm công tác quản lý về ATTP trên địa bàn. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các sở, ban, ngành liên quan và UBND cấp huyện phân cấp quản lý tốt công tác bảo đảm ATTP; tăng cường truyền thông về Luật ATTP, Nghị định 15/2018/NĐ-CP và các văn bản liên quan khác nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm. Trong đó, chú trọng bảo đảm ATTP đối với cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, các bếp ăn tập thể; tăng cường thanh, kiểm tra cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm nhằm phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; thực hiện nghiêm việc ký cam kết bảo đảm ATTP giữa cơ quan quản lý nhà nước và chủ cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Đầy mạnh truyền thông nhằm giúp các đơn vị chú trọng bảo đảm an toàn thực phẩm trong việc cung cấp suất ăn sẵn cho người lao động
Các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng. UBND cấp huyện chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm trên địa bàn bảo đảm các điều kiện ATTP. UBMTTQ và các đoàn thể chỉ đạo hội viên, đoàn viên phối hợp các sở, ngành liên quan thực hiện tốt công tác tuyên truyền về ATTP.
PV: Xin cảm ơn ông!
Ngọc Mận - Huỳnh Hương