1. Anh Đỗ Cao Chí (xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa) là người tiên phong trên địa bàn tỉnh nuôi dê thành đàn theo hướng công nghệ cao và lấy sữa dê chế biến thành thực phẩm. Anh Chí chia sẻ, trước đây, anh xây dựng trang trại nuôi bò sữa, nuôi lươn nhưng sau dịch Covid-19, giá thức ăn chăn nuôi tăng, anh đứng trước nguy cơ thua lỗ nên chuyển hướng sang nuôi dê lấy sữa. Ban đầu, đàn dê nhà anh chỉ khoảng 100 con, sữa dê được thanh trùng rồi mang đi bán ở các cửa hàng tại TP.HCM, nhiều người rất thích dùng sữa dê vì độ đạm cao, nhiều dưỡng chất tốt cho cơ thể.
Các sản phẩm của Công ty TNHH Thái Ý Phương
Trong 2 năm qua, anh Chí tiếp tục tăng đàn dê, đến nay có 300 con dê mẹ cho sữa. Năm 2024, anh quyết định tăng đàn lên 1.000 con dê. Để mở rộng kinh doanh, anh thành lập Công ty (Cty) TNHH Thái Ý Phương do anh làm Giám đốc điều hành.
Mỗi ngày, 300 con dê cho 150 lít sữa. Anh dành 50 lít sữa nuôi dê con để tăng đàn, 100 lít sữa còn lại được chế biến thành nhiều loại thực phẩm như sữa dê thanh trùng đóng chai hiệu Sala, sữa chua, sữa chua sấy thăng hoa. Ngoài ra, anh Chí còn kết hợp nhiều loại trái cây khác với sữa dê chế biến thành sữa chua trái cây sấy thăng hoa.
Hiện nay, Cty của anh có 6 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao, gồm: Sữa chua sấy nguyên vị, dâu, kiwi, đào, phúc bồn tử, việt quất; 1 sản phẩm OCOP 3 sao là sữa chua dê tươi dạng hũ. Để đa dạng hóa sản phẩm, Cty còn nghiên cứu sản xuất thành công nhiều loại trái cây sấy thăng hoa có sẵn tại địa phương như chuối, mít, sầu riêng, nhãn, thanh long,... Tất cả quy trình sản xuất của Cty đều được áp dụng theo tiêu chuẩn ISO 22000.
Để có thể mở rộng sản xuất như hiện nay, anh Chí đã đầu tư hàng tỉ đồng lắp đặt nhiều trang thiết bị hiện đại như máy sấy thăng hoa, máy thanh trùng, máy nấu phối trộn sữa chua, máy nhũ hóa, máy ép màng co, máy ép màng siu,... Thời gian gần đây, được sự hỗ trợ của Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, anh tiếp cận nhiều khách hàng mới.
Ngoài bán hàng qua các đại lý bán lẻ, thương mại điện tử (TMĐT), đơn đặt hàng từ khách đã tăng lên nhiều lần so với trước đây, có đơn hàng lên đến 5 tấn sữa chua sấy thăng hoa/tháng.
Trong dịp đón năm mới này, Cty đang chuẩn bị 10.000 phần quà do khách hàng đặt để làm quà biếu. Hiện Cty tạo việc làm cho hơn 10 lao động tại địa phương với mức thu nhập ổn định.
2. Thời gian qua, tỉnh đẩy mạnh triển khai những giải pháp đột phá nhằm cải thiện chất lượng môi trường đầu tư, xây dựng các cơ chế hỗ trợ đặc biệt đối với các dự án có hàm lượng công nghệ cao để trở thành tỉnh có tiềm lực mạnh về kinh tế.
Trên địa bàn tỉnh có gần 17.000 doanh nghiệp (DN) hoạt động nhiều ngành nghề. Đặc biệt, những năm gần đây, tỉnh thu hút nhiều dự án có hàm lượng công nghệ cao, tạo ra nhiều dòng sản phẩm phục vụ thị trường.
Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Mỹ phẩm Tavida
Điển hình là Giám đốc Cty TNHH Mỹ phẩm Tavida (Cty Tavida, xã Bình Trinh Đông, Tân Trụ) - Nguyễn Duy Lịch với dự án Sử dụng công nghệ lên men trái cây để điều trị mụn lưng đoạt giải Nhất cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Kiến tạo tương lai” tỉnh Long An năm 2023. Hiện sản phẩm điều trị mụn lưng của Cty được bán, phân phối rộng trên toàn quốc qua nhiều kênh bán hàng, chủ yếu là TMĐT, mang về doanh thu cao cho Cty.
Ngoài Cty Tavida, năm 2019, anh Lịch cùng những người bạn là các nhà khoa học còn thành lập Cty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ Enzyme (cùng địa chỉ Cty Tavida) với số vốn hơn 40 tỉ đồng để đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ chế biến enzyme từ các loại trái cây như táo, sơri, thơm, nhàu, ổi, chuối,...
Các sản phẩm này cũng được bán bằng hình thức TMĐT qua các kênh TikTok, Zalo, Facebook,... Theo anh Lịch, hiện Cty có hơn 200 nhà phân phối, cộng tác viên cùng một số nhà thuốc. Mục tiêu của Cty là trở thành DN có doanh thu tăng trưởng trên 20% mỗi năm. Để đạt mục tiêu này, Cty đang tăng tối đa phát triển doanh số, tăng độ nhận diện sản phẩm cho khách hàng.
Ngoài anh Lịch, tại cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Kiến tạo tương lai” tỉnh Long An năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ còn trao 9 giải thưởng khác cho các tác giả là chủ DN, cơ sở sản xuất có nhiều sản phẩm phục vụ thị trường. Trong nhiều sản phẩm do các DN này tạo ra có không ít sản phẩm sáng tạo, tạo ra nhiều thị trường mới, cải thiện thị trường hiện có, góp phần vào việc tăng sử dụng sản phẩm nông nghiệp từ địa phương, tăng trưởng kinh tế bền vững.
Thông tin từ Sở Khoa học và Công nghệ, trong năm 2024 và những năm tiếp theo, tỉnh sẽ thực hiện các chủ trương, chính sách hỗ trợ DN hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thông qua các chương trình, chính sách mà ngành khoa học và công nghệ đang thực hiện.
Đồng thời, Sở Công Thương tiếp tục hỗ trợ DN thông qua triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, TMĐT, khuyến công, phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm quảng bá, kết nối tiêu thụ hàng hóa. Qua đó, giúp hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phát triển tốt, góp phần tạo ra sản phẩm mới trên nền tảng tài sản trí tuệ, đổi mới công nghệ và mô hình kinh doanh mới, phù hợp với chiến lược phát triển KT-XH của tỉnh trong giai đoạn hiện nay./.
Mai Hương