Tiếng Việt | English

19/12/2023 - 18:13

Vượt khó để khởi nghiệp

Vượt qua những khiếm khuyết cơ thể, chị Dương Thị Ánh Thơ khởi nghiệp bằng sự quyết tâm và nghị lực mạnh mẽ. Thương hiệu bánh mứt Vạn Long tại xã Bình Trinh Đông, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An là thành quả sau những năm chị miệt mài lao động, tự tin khởi nghiệp.

Chị Dương Thị Ánh Thơ (thứ 3, từ phải qua) nhận giấy khen của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Hội nghị biểu dương 50 phụ nữ khuyết tật vượt khó tiêu biểu

Bị khuyết tật ở chân từ nhỏ nhưng chị Ánh Thơ không mặc cảm, tự ti mà ngược lại, nghị lực vươn lên của chị mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chị phụ giúp chồng quán xuyến việc gia đình, làm kinh tế. Chị Ánh Thơ cho biết: “Năm 2014, nhận thấy tiềm năng sản phẩm truyền thống của gia đình có thể hướng đến xây dựng thương hiệu, tôi mạnh dạn khởi nghiệp và phát triển nghề truyền thống làm bánh mứt. Sản phẩm của cơ sở chủ yếu là bánh in, bánh trung thu và mứt gừng”.

Suy nghĩ, tính toán là vậy nhưng khi bắt tay vào thực hiện, chị gặp không ít khó khăn. Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm nên màu bánh chưa đẹp mắt, bánh bị vụn và dính vào nhau, nhiều mẻ bánh làm ra bị hỏng phải bỏ đi. Không nản lòng, chị Ánh Thơ vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, tự mày mò tìm hiểu, tính toán công thức riêng để cho ra những mẻ bánh đạt chất lượng. Đến nay, mỗi mẻ bánh đều có định lượng nguyên liệu cụ thể nên vị bánh ổn định, được khách hàng gần xa ủng hộ.

Cùng với sản xuất, cung cấp bánh ra thị trường, chị còn thực hiện đầy đủ thủ tục đăng ký kinh doanh, chú trọng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đóng gói, bao bì, nhãn mác,... Hiện cơ sở bánh mứt Vạn Long tạo được niềm tin với khách hàng không chỉ vì chất lượng bánh, mứt ngon mà còn bảo đảm các điều kiện an toàn thực phẩm. Ngoài ra, cơ sở cũng chủ động đầu tư hệ thống màn giăng để tránh ruồi, bọ khi phơi mứt và sử dụng găng tay trong suốt quá trình sản xuất để bảo đảm vệ sinh.

Hiện nay, bánh mứt Vạn Long do chị Ánh Thơ làm ra có mặt ở nhiều đại lý, cửa hàng tạp hóa trên địa bàn huyện, tỉnh và một số địa phương khác. Chị cũng đang hoàn tất các thủ tục để sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP của địa phương.

“Tuy khiếm khuyết cơ thể nhưng chỉ cần còn sức khỏe, niềm tin, nghị lực thì nhất định thành công. Và làm bất cứ một công việc gì cũng vậy, tôi nghĩ rằng phải đặt cái tâm thì nghề sẽ không phụ mình” - chị Ánh Thơ nói.

Bằng niềm đam mê, sự nỗ lực, cố gắng không ngừng trong khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, những cá nhân như chị Ánh Thơ đang góp phần lan tỏa phong trào khởi nghiệp của huyện Tân Trụ. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, cơ sở của chị còn tạo việc làm thường xuyên cho 4-6 lao động địa phương. Nhận thấy hoạt động kinh doanh đạt hiệu quả và để phục vụ khách hàng được tốt hơn, vợ chồng chị tận dụng mạng xã hội, đăng bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee,... và ship hàng theo đơn dù khách chỉ mua 1 gói bánh.

Chị Dương Thị Ánh Thơ là 1 trong 50 phụ nữ khuyết tật vượt khó thành công, đại diện cho hàng trăm người khuyết tật trên địa bàn tỉnh, được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội biểu dương, khen thưởng./.

Như Nguyệt

Chia sẻ bài viết