Tiếng Việt | English

04/07/2022 - 19:32

Tăng lương tối thiểu: Bài toán về 'lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ'

Việc Chính phủ đồng ý tăng lương tối thiểu vùng đã mang đến niềm vui lớn đối với người lao động. Thế nhưng niềm vui này có thể sẽ không trọn vẹn, thậm chí gây thất vọng khi thực tế không như mong đợi.

(Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

(Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Sau gần 2 năm, ngày 12/6 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/2022/NĐ-CP điều chỉnh tiền lương tối thiểu từ 1/7, với mức tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000 đồng-260.000 đồng). 

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nghị định mới này chỉ quy định về mức lương tối thiểu nên khi vào thực thế nếu không có sự đối thoại, thương lượng tốt giữa người lao động và doanh nghiệp thì sẽ không dễ dàng để người lao động được điều chỉnh tăng lương.

Nhiều chi phí gián tiếp tăng

Lương tối thiểu là tiền lương thấp nhất làm căn cứ đóng các loại bảo hiểm như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn. Theo quy định, từ 1/7 đến 30/9, trong 31% tiền lương trích nộp các loại bảo hiểm, người sử dụng lao động đóng 20,5% và người lao động đóng 10,5%. Từ 1/10 trở đi, khi chính sách giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp hết hiệu lực thì tỷ lệ trích nộp bảo hiểm của doanh nghiệp sẽ tăng lên 21,5% và tổng tỷ lệ trích nộp sẽ tăng lên 32%.

Đối với những doanh nghiệp đang đóng bảo hiểm cao hơn mức lương tối thiểu vùng thì việc tăng lương sẽ không ảnh hưởng đến kinh phí, nhưng đối với những doanh nghiệp đóng bằng với mức lương tối thiểu vùng thì quy định mới sẽ làm tăng chi phí đóng bảo hiểm của cả doanh nghiệp và người lao động. Nhìn chung, việc tăng lương tối thiểu vùng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chi phí hoạt động của doanh nghiệp.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết hiện công ty có hơn 7.500 lao động, quỹ lương mỗi tháng từ 75-80 tỷ đồng. Mức lương bình quân doanh nghiệp đang trả cho người lao động hiện là 8,4 triệu đồng/tháng và trả lương theo sản phẩm. Khi tăng lương tối thiểu vùng thì doanh nghiệp sẽ điều chỉnh tăng đối với một bộ phận người lao động thâm niên làm việc lâu, hưởng lương theo hệ số.

Tiền lương tối thiểu đã chính thức tăng từ 1/7 với mức tăng bình quân 6%, tương ứng tăng từ 180.000 đồng-260.000 đồng (Ảnh minh hoạ: PV/Vietnam+)

Tiền lương tối thiểu đã chính thức tăng từ 1/7 với mức tăng bình quân 6%, tương ứng tăng từ 180.000 đồng-260.000 đồng (Ảnh minh hoạ: PV/Vietnam+)

Tuy nhiên, theo ông Thân Đức Việt, các chi phí gián tiếp khác sẽ tăng theo lương tối thiểu vùng, như kinh phí công đoàn, khoản đóng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... các khoản này sẽ tăng thêm khoảng 6 tỷ đồng/năm (hiện 100 tỷ đồng mỗi năm cho các khoản này).

Lương tối thiểu vùng tăng sẽ tác động nhiều nhất tới nhóm doanh nghiệp tính lương theo giờ làm việc. Ngay cả ở các doanh nghiệp có mức lương hiện tại đã cao hơn lương tối thiểu nhưng người lao động vẫn có thể yêu cầu tăng lương do chi phí sinh hoạt, giá cả liên tục tăng thời gian gần đây. Việc cân đối chi phí tăng lương sẽ là một khoản lớn đối với những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.

"Lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ"

Trong cơn “bão giá,” quyết định tăng lương tối thiểu đã khiến không ít người lao động rất vui mừng và hy vọng. Thế nên, nếu triển khai trong thực tế mà thu nhập của người lao động không tăng sẽ tạo nên sự hụt hẫng không nhỏ. Bài toán giữa lợi ích của doanh nghiệp và khó khăn của người lao động sẽ cần cả hai bên cùng chia sẻ.

Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty trách nhiệm hữu hạn Nidec Việt Nam (Thành phố Hồ Chí Minh) trong lá thư gửi Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động đã bày tỏ những băn khoăn về việc liệu người lao động có thực sự được tăng lương như kỳ vọng.

Theo ông Lưu Kim Hồng, sau gần 2 năm, Chính phủ đồng ý tăng lương tối thiểu vùng đã mang đến cho mọi người niềm vui lớn. Tuy nhiên, niềm vui này sẽ không thật sự trọn vẹn vì mức tăng áp dụng đến hết năm 2023. Ông Hồng chỉ ra rằng người lao động thậm chí còn phải đối mặt với sự thất vọng vì thực tế là mức lương mới thấp hơn mức các doanh nghiệp đang áp dụng.

Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Chính sách-Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng mức tăng 6% là mức phù hợp để đảm bảo hài hòa cho các bên vào thời điểm đề xuất tăng lương. Tuy nhiên, đến nay giá cả tăng cao khiến người lao động tiếp tục khó khăn. Vì vậy, bên cạnh việc các doanh nghiệp triển khai đầy đủ, đúng tinh thần Nghị định 38, Chính phủ cần có các chính sách kiềm chế lạm phát giá cả, bởi lẽ khi giá cả tăng cao như hiện nay thì thu nhập thực tế của người lao động bị giảm sút.

Ông Lưu Kim Hồng nhận định hiện tại chủ doanh nghiệp chịu áp lực lớn về chi phí khi vật giá leo thang theo giá xăng dầu, còn người lao động gặp khó khi giá cả sinh hoạt tăng cao mà lương không tăng.

“Trong cái khó đó, tôi chợt nhớ Thủ tướng có một câu nói kinh điển ‘lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ’ khi Thủ tướng nói chuyện với cộng đồng nhà đầu tư. Tôi hy vọng bây giờ Thủ tướng hãy nói tiếp với doanh nghiệp ‘lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ’ để vận động họ tăng lương cho công nhân, họ dù có khó khăn nhưng vẫn còn lợi nhuận. Một công nhân khó khăn kéo theo cả gia đình khó khăn, con cái thiếu sữa, phần ăn thiếu chất dẫn đến một thế hệ trẻ em thiếu nhiều thứ khác và tương lai của thế hệ trẻ Việt Nam bị ảnh hưởng bởi những việc này thì đất nước này sẽ đi về đâu?” ông Lưu Kim Hồng băn khoăn.

Trong bối cảnh cả doanh nghiệp và người lao động đều đang gặp khó khăn, việc điều chỉnh tăng lương sẽ phụ thuộc vào khả năng thương lượng, đối thoại; đặc biệt là khi các quy định về pháp luật lao động hiện nay đã được điều chỉnh theo hướng do hai bên tự thoả thuận theo nguyên tắc thị trường, Nhà nước chỉ quy định mức tối thiểu không được trả thấp hơn.

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng với những quy định mới, việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào khả năng thương lượng, đối thoại của tổ chức công đoàn cơ sở để cân đối lợi ích của doanh nghiệp và người lao động.

"Cán bộ công đoàn phải là người có kinh nghiệm thương lượng, có kiến thức, hiểu biết về các quy định pháp luật về lao động… Điều này đòi hỏi tổ chức công đoàn sẽ phải tập huấn, nâng cao năng lực cho hệ thống công đoàn cơ sở," ông Phạm Minh Huân nói./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích