Tiếng Việt | English

03/07/2023 - 09:53

Tạo đột phá cho phát triển nông nghiệp bền vững

Sự kiện Diễn đàn Phát triển nông nghiệp Việt Nam năm 2023 vừa được UBND tỉnh phối hợp Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức với chủ đề “Thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp bền vững”, đã và đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp lẫn nhà nông. Đây là vấn đề lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển KT-XH của tỉnh nói riêng, cuộc sống của hàng chục triệu nông dân Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung. Giải quyết nút thắt “được mùa, mất giá” là cơ bản giải phóng được nỗi suy tư, trăn trở của các cấp chính quyền và nhà nông về điệp khúc “mùa - giá - đời sống”; đưa nông nghiệp vào quỹ đạo phát triển kinh tế hàng hóa chứ không chỉ là giải quyết cái ăn, cái mặc hàng ngày và sống nhờ “ông trời”;…

Long An có diện tích tự nhiên gần 4.500km2, dân số trên 1,7 triệu người, là cửa ngõ kết nối Vùng ĐBSCL với miền Đông Nam bộ, trong đó, có TP.HCM - trung tâm kinh tế năng động nhất nước. Sở hữu vị trí địa lý khá đặc biệt, Long An được xác định là vùng kinh tế động lực, có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của đất nước.

Bên cạnh tập trung phát triển công nghiệp, thương mại, tỉnh cũng có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp bền vững. Và trong suốt quá trình phát triển, tỉnh luôn xác định xác định nông nghiệp là “bệ đỡ” của nền kinh tế. Hiện nay, cơ cấu kinh tế của tỉnh đã có sự thay đổi rõ nét, từ nông nghiệp - thương mại, dịch vụ - công nghiệp đã chuyển sang công nghiệp - đô thị, thương mại, dịch vụ - nông nghiệp.

Những nhiệm kỳ gần đây, lãnh đạo tỉnh tập trung chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt và đồng bộ các giải pháp nhằm triển khai đạt hiệu quả Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp (Chương trình đột phá của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, XI), đã tạo một bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, góp phần từng bước xây dựng vùng nguyên liệu, hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản sạch, an toàn, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thị trường.

Hiện nay, các cấp chính quyền đang trăn trở với thực trạng: Thu hút đầu tư lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh đã có sự phát triển, tuy nhiên, sự tăng trưởng còn thiếu bền vững, chủ yếu vẫn theo chiều rộng, tăng vụ và nhờ các yếu tố đầu vào truyền thống như lao động, vốn, vật tư, nguồn lực tự nhiên,... Mô hình tăng trưởng nông nghiệp như hiện nay mới chỉ tạo ra được số lượng nhiều nhưng giá trị chưa cao, hiệu quả sử dụng đất và tài nguyên chưa cao. Việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp dù có chuyển biến nhưng vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ, chưa tương xứng so với tiềm năng phát triển. Đây cũng là thực trạng chung của cả Vùng ĐBSCL.

Quy hoạch Vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã khẳng định phát triển nông nghiệp là thế mạnh, sứ mệnh của Vùng ĐBSCL. Tập trung phát triển sản phẩm chiến lược theo 3 trọng tâm: Thủy sản, trái cây và lúa gạo theo hướng tăng trưởng tỷ trọng thủy sản, trái cây và giảm tỷ trọng lúa gạo. Phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với thương mại, dịch vụ logistic, du lịch sinh thái; phát triển công nghiệp trọng tâm là công nghiệp chế biến nâng cao giá trị và sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp.

Qua Diễn đàn Phát triển nông nghiệp Việt Nam 2023 với chủ đề: “Thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp bền vững” sẽ gợi mở những nghiên cứu, giải pháp, các cơ chế, chính sách đột phá để thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tiếp cận các thị trường tiềm năng, tạo sự bứt phá cho phát triển nông nghiệp bền vững.

Diễn đàn này cũng là dịp để tăng cường liên kết các nhà đầu tư, doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội, hợp tác đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tái tạo, nông nghiệp xanh bền vững và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp chế biến nông sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, kết hợp phát triển nông nghiệp với du lịch. Từ đó, tạo sinh kế, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh./.

Tân An

Chia sẻ bài viết