Tiếng Việt | English

03/06/2022 - 08:40

Tập trung bồi thường, giải phóng mặt bằng

Tỉnh Long An tập trung thực hiện nhiều giải pháp trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (BTGPMB), tái định cư (TĐC) nhằm tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy KT - XH phát triển.

Tỉnh long An phấn đấu trong năm 2022 bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 1.700ha đất theo kế hoạchTỉnh long An phấn đấu trong năm 2022 bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 1.700ha đất theo kế hoạch

Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh về KT - XH, nhu cầu chỉnh trang đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, công trình phục vụ sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư, khu đô thị mới,... cũng ngày càng nhiều. Để các dự án (DA) này được thực hiện, Nhà nước phải thu hồi đất, điều này sẽ ảnh hưởng đến một bộ phận người dân đang sử dụng đất. Vì vậy, trong quá trình thực hiện các dự án, tỉnh xác định công tác BTGPMB, TĐC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, đóng vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH, qua đó tập trung lãnh, chỉ đạo triển khai, thực hiện, nhất là các DA trọng điểm và các DA kéo dài nhiều năm. Ban Thường vụ Thành ủy, Huyện ủy, Thị ủy và UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch để triển khai, thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TU, ngày 04/11/2021; UBMTTQ và tổ chức chính trị - xã hội có sự chủ động, tích cực phối hợp chính quyền trong công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân tự nguyện chấp hành quyết định thu hồi đất.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Lê Thành Phong, công tác BTGPMB, TĐC được huyện tập trung quyết liệt và đạt một số kết quả nhất định. Địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp, phối hợp, từng bước khắc phục các tồn tại, tháo gỡ khó khăn, tạo sự đồng thuận trong nhân dân để nâng cao hiệu quả trong công tác này. Đặc biệt, từ khi triển khai Nghị quyết số 25-NQ/TU, ngày 04/11/2021 của Tỉnh ủy, nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về BTGPMB được nâng lên rõ rệt. Hiện nay, trên địa bàn huyện thực hiện công tác GPMB đối với 97 DA. Tất cả DA đang triển khai, thực hiện. Trong đó, 17 DA đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước, 80 DA vốn ngoài ngân sách, gồm: 12 DA khu công nghiệp, 12 DA cụm công nghiệp, 48 DA khu dân cư, TĐC, nhà ở công nhân, 25 DA đầu tư khác (trường học, đường dây điện, trạm điện, đường giao thông...). Tổng diện tích đất thu hồi 6.112,87ha, 18.907 hộ gia đình/cá nhân bị ảnh hưởng.

Phó Chủ tịch UBND TP.Tân An - Võ Hồng Thảo cho biết: Địa phương xác định công tác BTGPMB, tái định cư là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 25 của Tỉnh ủy, toàn hệ thống chính trị thành phố đều tập trung, ban hành chương trình, kế hoạch hành động để cụ thể hóa nhiệm vụ, công việc theo chỉ đạo chung. Dưới sự lãnh đạo toàn diện của Ban Thường vụ Thành ủy, vai trò lãnh, chỉ đạo kịp thời của UBND thành phố, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường vận động, tuyên truyền cùng chính quyền địa phương hoàn thành các nhiệm vụ về BTGPM. Kết quả, nhiều DA, công trình quan trọng trong giai đoạn vừa qua được triển khai và hoàn thành.

Tháo gỡ khó khăn, tập trung thực hiện

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.Tân An - Võ Hồng Thảo, công tác BTGPMB trên địa bàn vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định. Thời gian tới, thành phố tập trung một số giải pháp trọng tâm. Về quan điểm, thành phố tiếp tục triển khai và cụ thể hóa đầy đủ nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, Thành ủy, ngành cấp trên về công tác GPMB, TĐC; tiếp tục lãnh đạo, triển khai, thực hiện “đầy đủ, toàn diện, trách nhiệm” đối với công tác bồi thường, hỗ trợ, TĐC khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn. Các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội trong toàn thành phố phải đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền, vận động về ý nghĩa, tầm quan trọng của các DA GPMB để người dân hiểu, đồng thuận và tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai, thực hiện. Thành phố triển khai thành lập Ban Chỉ đạo GPMB trên địa bàn và thành lập các tổ vận động, tuyên truyền; tổ xử lý, tháo gỡ các vướng mắc; tổ tham mưu đề xuất cơ chế, huy động nguồn lực bảo đảm bộ máy thật sự ổn định, hoạt động chất lượng, hiệu quả.

Trong quá trình thực hiện, địa phương bảo đảm triển khai DA, công trình đúng tiến độ, đúng pháp luật và phù hợp với tình hình thực tiễn, thực hiện tốt chủ trương “An dân, an toàn và an sinh”, ổn định an ninh, trật tự xã hội, hạn chế thấp nhất khiếu nại, khiếu kiện, không để xảy ra “điểm nóng” trên địa bàn.

Bên cạnh đó, thành phố đẩy mạnh triển khai, thực hiện 2 chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố, trong đó quan tâm tạo quỹ đất sạch phục vụ TĐC trước khi thực hiện các DA đầu tư; đẩy mạnh xúc tiến, mời gọi các tập đoàn, nhà đầu tư thật sự có tiềm lực, quy mô đầu tư lớn để đầu tư, phát triển thành phố.

Địa phương tập trung thực hiện có hiệu quả BTGPMBĐịa phương tập trung thực hiện có hiệu quả BTGPMB

Tương tự, công tác BTGPMB trên địa bàn huyện Đức Hòa vẫn còn một số tồn tại nhất định. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Lê Thành Phong, để công tác BTGPMB, TĐC đạt hiệu quả, thời gian tới, huyện kiến nghị sở, ngành tỉnh dự họp với hội đồng huyện, thẩm định hồ sơ, rút ngắn thời gian trình UBND tỉnh phê duyệt; sớm sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách mà huyện đã có văn bản báo cáo.

Địa phương tập trung chỉ đạo đơn vị kê biên, bồi thường tăng cường giải pháp củng cố thêm nhân sự bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ liên quan. Hàng tuần, hàng tháng xây dựng kế hoạch cụ thể theo từng DA để thực hiện. Đơn vị phải báo cáo tiến độ, kế hoạch, nắm bắt các thông tin, rà soát cơ chế, chính sách để tham mưu UBND huyện có đề xuất UBND tỉnh tháo gỡ vướng mắc liên quan đến chính sách bồi thường, TĐC.

Địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền, vận động người dân trong vùng DA thực hiện tốt chính sách, pháp luật; thông tin công khai DA kịp thời, đúng quy định, bảo đảm khách quan, công bằng, trung thực để người dân hợp tác,... Bên cạnh đó, huyện tập trung giải quyết ngay các trường hợp khiếu nại của người dân liên quan đến việc thu hồi đất./.

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Võ Minh Thành, công tác BTGPMB trên địa bàn tỉnh thời gian qua đạt một số kết quả nhất định. Kết quả này là nhờ sự quan tâm lãnh đạo sâu sát của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh. Cấp ủy, chính quyền địa phương, thủ trưởng các sở, ngành nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác này đối với sự phát triển KT - XH, qua đó tập trung lãnh, chỉ đạo triển khai, thực hiện, nhất là các DA trọng điểm và các DA kéo dài nhiều năm; bước đầu đã hoàn thiện cơ bản thể chế, chính sách về bồi thường, hỗ trợ TĐC phù hợp tình hình thực tế của tỉnh. Tổ chức bộ máy làm công tác BTGPMB được kiện toàn, nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng. Các vướng mắc đối với một số DA cụ thể bước đầu được tháo gỡ, từ đó tiến độ bồi thường có chuyển biến tích cực.

Phối hợp rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về bồi thường, giải phóng mặt bằng

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Võ Minh Thành thông tin: Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (BTGPMB), tái định cư (TĐC) vẫn còn những vướng mắc, tồn tại. Sở phối hợp các sở, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về BTGPMB được quy định tại Quyết định số 09/2018/QĐ-UBND, ngày 20/3/2018 và Quyết định số 40/2020/QĐ-UBND, ngày 24/9/2020 của UBND tỉnh.

Trong đó, tập trung chú ý chính sách hỗ trợ và TĐC cho những người trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp và thường trú trên địa bàn tỉnh theo hướng xây dựng nâng mức hỗ trợ; đồng thời, phải bố trí TĐC thật sự tốt hơn chỗ ở cũ, phải tạo được tâm lý cho người sử dụng đất là “được thu hồi đất” và “được TĐC”, những vị trí đẹp nhất, tốt nhất phải ưu tiên bố trí TĐC để người dân có đất thu hồi được hưởng lợi từ chính việc thu hồi đất; chính sách thưởng tiến độ bàn giao mặt bằng; thuê nhà tạm cư; hệ số chuyển đổi nghề.

Chấn chỉnh lại công tác định giá đất theo hướng: (1) Có quy trình thống nhất và rút ngắn thời gian xác định giá đất; (2) Định giá đất đảm bảo theo giá thị trường của loại đất được công nhận, không theo quy hoạch, không để xảy ra tình trạng thu thập thông tin giá đất theo giá “ảo” của các đối tượng đầu cơ đất đai; (3) Công tác thẩm định giá phải tính trên mặt bằng chung của điều kiện phát triển KT - XH và tiếp nhận đầu tư của tỉnh.

Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các Sở: Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục rà soát để tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung quy định về suất đầu tư hạ tầng trên địa bàn tỉnh; đơn giá bồi thường thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi để phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, TĐC trên địa bàn tỉnh theo hướng phù hợp với quy định và tình hình thực tế của địa phương. Đồng thời, phối hợp tốt Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo GPMB tỉnh làm việc với các địa phương để kịp thời phát hiện và chủ động giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các chính sách về công tác BTGPMB để kịp thời tham mưu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Sơn Quê

Chia sẻ bài viết