Tiếng Việt | English

08/02/2022 - 13:30

Tập trung sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2021 - 2022

Theo dự báo của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Long An, năm nay, tình hình sâu, bệnh, hạn và xâm nhập mặn có khả năng diễn biến phức tạp. Do đó, Sở NN&PTNT chủ động phối hợp các địa phương tập trung thực hiện các giải pháp ứng phó để bảo đảm sản xuất vụ Đông Xuân (ĐX) 2021 - 2022 đạt hiệu quả.

Nông dân cần tập trung phòng trừ sâu, bệnh trên lúa Đông Xuân 2021-2022

Đến nay, toàn tỉnh gieo sạ 223.988ha lúa ĐX 2021 - 2022 (đạt 100,4% kế hoạch, bằng 99,7% so cùng kỳ năm 2021); trong đó, thu hoạch 53.789ha, năng suất khô ước đạt 64,2 tạ/ha, sản lượng ước đạt 342.192 tấn; giai đoạn mạ khoảng 4.950ha; giai đoạn đẻ nhánh trên 101.000ha; giai đoạn đòng trổ trên 48.700ha và giai đoạn chín trên 15.400ha.

Tại huyện Thạnh Hóa, đến nay, nông dân gieo sạ được 19.445ha, gồm các giống lúa: IR 4625, Đài thơm 8, RVT, Nàng Hoa 9, OM 6976,... Nhìn chung, vụ ĐX 2021-2022, việc triển khai gieo sạ lúa trên địa bàn bảo đảm khung lịch thời vụ của ngành chức năng khuyến cáo, cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt.

Anh Nguyễn Văn Hạnh (xã Thủy Tây) cho biết: “Vụ ĐX 2021 - 2022, do tuân thủ gieo sạ theo lịch thời vụ nên lúa ít sâu, bệnh, đang sinh trưởng và phát triển tốt. Tình hình chất lượng nước được bảo đảm, độ mặn chưa cao nên tôi cũng yên tâm. Hy vọng, vụ này năng suất và lợi nhuận sẽ cao hơn năm trước”.

Theo kết quả kiểm tra đồng ruộng của Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh, các đối tượng sinh vật gây hại tăng do đa số lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh - đòng trổ kết hợp với thời tiết hiện nay thuận lợi cho sự phát triển của các đối tượng gây hại như bệnh đạo ôn lá, sâu cuốn lá nhỏ,...

Ngoài ra, trên lúa ĐX có các đối tượng sinh vật gây hại khác như rầy nâu (820ha), chuột (636ha), bệnh đạo ôn cổ bông (250ha), bệnh lem lép hạt (245ha), sâu phao (200ha), bọ trĩ (90ha), bệnh cháy bìa lá (50ha), ốc bươu vàng (8ha),... gây hại trên trà lúa giai đoạn mạ - đẻ nhánh - đòng trổ - chín ở hầu hết các huyện và thị xã Kiến Tường. Đối với các cây trồng khác như thanh long, chanh, rau màu,... sâu, bệnh hại chỉ phát sinh ở mức thấp.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Nhìn chung, các đối tượng sinh vật gây hại trên lúa và các cây trồng khác không tăng so cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, cần đặc biệt chú ý theo dõi tình hình sâu năn trên lúa ĐX 2021 - 2022, hiện đã ghi nhận diện tích nhiễm tại huyện Tân Hưng (80ha), tỷ lệ 5%; tại thị xã Kiến Tường (90ha), tỷ lệ 2 - 5% và ghi nhận sâu năn xuất hiện rải rác tại huyện Thạnh Hóa. Hiện nay, điều kiện thời tiết rất thích hợp cho sự phát sinh và phát triển của đối tượng này”./.

Minh Tuệ

Chia sẻ bài viết