Tiếng Việt | English

20/07/2022 - 08:49

Tháng 7, về thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng

"Nước mắt mẹ không còn để khóc những đứa con, lần lượt ra đi... đi mãi mãi.../ Thời gian trôi qua, vết thương trên thịt da đã lành theo năm tháng/ Nhưng vết thương lòng mẹ vẫn còn nặng mang...’’.

Có người từng nói, thời gian là liều thuốc có thể chữa lành mọi vết thương nhưng có lẽ, với những người mẹ, người vợ, việc mất đi chính người thân yêu nhất đời mình vì chiến tranh là nỗi đau không thể nào nguôi ngoai. Mấy chục năm trôi qua, chiến tranh đã lùi xa, quê hương từng ngày đổi mới nhưng các mẹ vẫn không thôi mong ngóng chồng, con còn nằm lại đâu đó trên mảnh đất quê hương... Thấu hiểu và sẻ chia với những đau thương, mất mát của các gia đình, hàng năm, Đảng và Nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt đến gia đình chính sách, những người có công với cách mạng.

Cũng như bao Bà mẹ Việt Nam Anh hùng phải chịu nỗi đau do chiến tranh, mẹ Đào Thị Tư (SN 1921, ngụ ấp Hòa Thuận 1, thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) cả đời làm lụng vất vả, động viên chồng con tham gia kháng chiến. Mẹ Tư là 1 trong 109 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống trên địa bàn tỉnh. Mẹ năm nay đã ngoài 100 tuổi, sức khỏe suy yếu, phải nhờ đến sự chăm sóc của con cháu.

Ông Trịnh Hữu Thuấn (cháu ngoại mẹ Tư) bộc bạch: “Bà ngoại tôi được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng cách đây khoảng 6 năm. Lúc nhận được danh hiệu này, mấy đêm bà ngoại mất ngủ vì nhớ đến ông ngoại và cậu đã hy sinh... Suốt thời gian qua, các ban, ngành, đoàn thể ở thị trấn, huyện thường xuyên đến thăm hỏi sức khỏe, động viên tinh thần bà ngoại tôi”.

Lãnh đạo thị trấn Cần Giuộc đến thăm, tặng quà mẹ Đào Thị Tư

Mẹ Tư có tất cả 8 người con. Chồng mẹ là liệt sĩ Trần Văn Lộc tham gia cách mạng, hoạt động tại xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, TP.HCM, từ rất sớm. Ông nhiều lần bị địch bắt, đánh đập, tra tấn nhưng vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản. Không khai thác được gì, địch buộc phải thả ông. Khi về với gia đình, sức khỏe yếu đi, lưng bị khòm nhưng ông vẫn tiếp tục cùng đồng đội tham gia chiến đấu.

Tiếp nối truyền thống gia đình, anh Trần Văn Hồng (người con thứ 4 của mẹ) cũng lên đường tham gia cách mạng. Còn người con thứ 5 - chị Trần Thị Ngon làm giao liên tại địa phương. Mẹ Tư khi ấy vừa lao động sản xuất, vừa nuôi giấu cán bộ cách mạng. Tiễn con đi, mẹ mong ngày toàn thắng sẽ được sum họp nhưng ngày 24/11/1968 lại nhận được tin anh Trần Văn Hồng hy sinh trong một lần tham gia đánh đồn địch tại xã Tân Kim (nay là thị trấn Cần Giuộc) khi mới tròn 18 tuổi. Nỗi đau mất con chưa nguôi, đến ngày 13/02/1969, mẹ chứng kiến chồng hy sinh trong một lần bị địch truy quét. Chỉ vỏn vẹn chừng 3 tháng, mẹ vĩnh viễn mất đi 2 người thân yêu. Nỗi đau quá lớn, tưởng chừng như mẹ không thể vượt qua được nhưng với ý chí kiên cường, mẹ vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng tại địa phương, tần tảo nuôi dạy các con trưởng thành.

Ở tuổi ngoài 100, mẹ Tư an hưởng tuổi già trong tình thương yêu của con cháu. Hạnh phúc của mẹ là mỗi ngày được nhìn thấy con cháu khôn lớn nên người./.

Song Nhi

Chia sẻ bài viết