Tiếng Việt | English

22/03/2022 - 18:04

Thạnh Hóa chủ động ứng phó với xâm nhập mặn

Thạnh Hóa là huyện cửa ngõ vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An, có diện tích rừng và đất sản xuất nông nghiệp rộng lớn. Do được bao bọc bởi hệ thống sông Vàm Cỏ Tây, kênh Bắc Đông và hệ thống kênh, rạch phụ nên vào mùa khô, công tác bảo vệ đê điều, trữ nước, ngăn mặn được cấp lãnh đạo và người dân đặc biệt quan tâm.

Cống Bà Định trên Quốc lộ 62 giúp ngăn mặn, phục vụ sản xuất

Cống Bà Định trên Quốc lộ 62 giúp ngăn mặn, phục vụ sản xuất

Theo UBND huyện Thạnh Hóa, mùa khô năm nay, mặc dù tình hình xâm nhập mặn ít nghiêm trọng hơn năm 2019-2020 nhưng dự báo, mặn xâm nhập sớm và cao hơn so với trung bình nhiều năm trước. Chính vì vậy, huyện cùng các ngành chức năng chủ động thực hiện biện pháp bảo đảm ngăn mặn hiệu quả, phục vụ sản xuất.

Hệ thống đê bao và cống ngăn mặn dọc Quốc lộ (QL) 62, đoạn qua địa bàn huyện Thạnh Hóa đã được Ban Quản lý dự án và xây dựng thủy lợi 10 đầu tư hoàn chỉnh 5 cống (cống kênh Bà Hai Màng, Ông Nhượng, Bà Định, Thủ Cồn và La Khoa) bảo đảm ngăn mặn hiệu quả. Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang phối hợp các ngành và địa phương đầu tư các cống ngăn mặn còn lại trên tuyến như hệ thống ngăn mặn kênh Bến Kè, gồm: Cống Bến Kè, Trần Lệ Xuân và cống Rạch Chùa. Hệ thống ngăn mặn kênh Bún Bà Của, gồm: Cống Bún Bà Của, cống Kênh 1, cống Kênh 2 và cống Kênh Cái Tôm (giáp ranh huyện Tân Thạnh - Thạnh Hóa). Ngoài ra, trên QL62 và Đường tỉnh 836 có 18 vị trí cống ngầm được đặt ngang qua đường do Sở Giao thông Vận Tải (GTVT) quản lý, hiện Sở NN&PTNT phối hợp Sở GTVT và các xã của huyện Thạnh Hóa triển khai một số cống từ cống Rạch Chùa đến cống Thầy Pháp (giáp ranh huyện Thủ Thừa - Thạnh Hóa).

Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Kinh Kha, toàn huyện có khoảng 6.356ha đất sản xuất nông nghiệp có thể bị ảnh hưởng bởi hạn, thiếu nước và xâm nhập mặn, trong đó, nhiều nhất là diện tích trồng lúa, khoai mỡ và cây ăn trái trên địa bàn các xã: Tân Đông, Tân Tây, Tân Hiệp, Thủy Đông, Thuận Bình, Thạnh Phú, Thạnh Phước, Thuận Nghĩa Hòa,... Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, mặn chưa xâm nhập đến địa bàn huyện. Công tác ứng phó với hạn, mặn xâm nhập đã được chuẩn bị; Phòng phối hợp các xã tiến hành nạo vét tuyến kênh trọng điểm, kiểm tra hệ thống đê bao lửng, kịp thời gia cố bảo vệ đê điều và vận hành cống ngăn mặn khi mặn xâm nhập sâu”.

Được biết, UBND huyện Thạnh Hóa chỉ đạo ngành chuyên môn thường xuyên theo dõi, kiểm tra tình hình hạn, mặn để kịp thời thông báo cho người dân và ngành quản lý để chủ động ứng phó. Phòng NN&PTNT chủ động phối hợp các ngành, UBND các xã có kế hoạch bố trí vốn để nạo vét kênh, mương để không bị bồi lắng, khai thác vận hành các công trình thủy lợi hiệu quả; vận động người dân chủ động ứng phó hiệu quả với hạn, mặn; xây dựng và bảo vệ phát triển diện tích rừng trên địa bàn huyện để tăng độ che phủ, giảm bốc hơi nước.

Các giải pháp trữ nước ngăn mặn, nạo vét kênh mương, gia cố đê bao được các cấp, các ngành và nông dân huyện Thạnh Hóa thực hiện, bảo đảm sản xuất vụ hè thu hiệu quả

Các giải pháp trữ nước ngăn mặn, nạo vét kênh mương, gia cố đê bao được các cấp, các ngành và nông dân huyện Thạnh Hóa thực hiện, bảo đảm sản xuất vụ hè thu hiệu quả

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Thanh Hải cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của huyện, UBND xã cử cán bộ chuyên môn phối hợp ngành chức năng, các ấp và các hộ dân sinh sống dọc QL62 chuẩn bị sẵn các tấm thép để ngăn mặn tại các cống ngầm (xuyên qua QL62). Khi mặn xâm nhập thì lập tức cho đóng cống ngăn mặn, bảo vệ sản xuất”. Được biết, trên địa bàn xã Tân Tây có 8 cống ngầm dọc QL62, tất cả được chuẩn bị chu đáo để ứng phó với mặn xâm nhập. Ngoài ra, các vùng sản xuất nông nghiệp lớn ven sông Vàm Cỏ Tây và hơn 300ha mai, 300ha khóm, khoai mỡ cũng đã có hệ thống đê bao và trạm bơm điện đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất trong mùa khô, hạn.

Để thực hiện giải pháp cụ thể, UBND huyện Thạnh Hóa thống nhất với Sở NN&PTNT và các ngành sẽ triển khai xây dựng các đập tạm ngăn mặn trên tuyến QL62 (cầu Bến Kè đến cầu Kênh 12) khi độ mặn tăng cao (1g/l). Đối với các cống ngầm trên QL62 và Đường tỉnh 836, đề nghị Sở GTVT phối hợp huyện để có biện pháp đóng cống khi độ mặn tăng cao. Hiện 2 hệ thống thủy lợi chính ảnh hưởng tới huyện Thạnh Hóa là kênh Bắc Đông (giáp tỉnh Tiền Giang) và sông Vàm Cỏ Tây đều đã có các biện pháp ngăn mặn hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sản xuất của nông dân trên địa bàn huyện/.

Mộc Lâm

Chia sẻ bài viết