Tiếng Việt | English

18/09/2018 - 19:33

Thạnh Hóa khơi sức dân trong xây dựng nông thôn mới

Là huyện thuần nông, đời sống người dân còn nhiều khó khăn nhưng với sự cố gắng, nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân, diện mạo nông thôn Thạnh Hóa (tỉnh Long An) dần khởi sắc. Đến nay, toàn huyện có 2/10 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM). Riêng xã Thủy Đông cũng đang “chạy nước rút” hoàn thành 19/19 tiêu chí để được công nhận đạt chuẩn vào cuối năm 2018 (sớm hơn lộ trình 1 năm).

Huy động sức mạnh toàn dân

Cũng như những địa phương khác, để đạt kết quả như hôm nay, Thủy Đông trải qua không ít khó khăn. Với xuất phát điểm thấp, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất lúa nên sức đóng góp của người dân còn hạn chế. Mặt khác, những ngày đầu triển khai xây dựng NTM, một bộ phận người dân chưa nhận thức được ý nghĩa, lợi ích khi thực hiện chương trình. “Do đó, xã luôn chú trọng đổi mới về hình thức tuyên truyền, xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng NTM, vận động người dân cùng tham gia thực hiện. Từ những công trình mang lại hiệu quả thiết thực đã tạo sự lan tỏa sâu, rộng, huy động sức mạnh toàn dân chung sức xây dựng NTM” - Chủ tịch UBND xã Thủy Đông - Phan Vũ Cường cho biết.

Tham gia vào vùng lúa ứng dụng công nghệ cao giúp nông dân Thủy Đông giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận

Tham gia vào vùng lúa ứng dụng công nghệ cao giúp nông dân Thủy Đông giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận

Những năm qua, cùng với xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, Thủy Đông vận động người dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, thi đua làm giàu, nâng cao thu nhập. Năm 2016, xã xây dựng kế hoạch phát triển vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 với diện tích 443ha. “Tham gia mô hình, nông dân tăng cường áp dụng cơ giới hóa, sử dụng máy cấy trong sản xuất, ứng dụng phân bón lót hữu cơ, chế phẩm sinh học,... Kết quả cho thấy, chi phí sản xuất giảm từ 1-1,5 triệu đồng/ha, lợi nhuận cao hơn từ 2-3 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình, riêng vụ Đông Xuân 2017-2018, lợi nhuận cao hơn từ 5-7 triệu đồng/ha” - bà Võ Thị Kim Loan (SN 1962), ngụ ấp Nước Trong, phấn khởi cho hay.

Theo ông Phan Vũ Cường, hiện nay, xã triển khai vùng lúa ứng dụng công nghệ cao trên diện tích 197ha, bước đầu nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của nông dân. Nhằm tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong sản xuất, năm 2017, xã vận động thành lập mới 2 tổ hợp tác dịch vụ cấy lúa trong vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Qua 1 năm hoạt động, hiện 2 tổ hợp tác nâng lên thành lập hợp tác xã nông nghiệp chuyên cung ứng các dịch vụ phục vụ sản xuất trên địa bàn trong và ngoài xã. Kinh tế phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần, thu nhập được nâng lên, người dân càng tích cực đóng góp xây dựng NTM. Bộ mặt nông thôn không ngừng khởi sắc là minh chứng rõ nét nhất cho hiệu quả của công tác dân vận thời gian qua.

Phát huy dân chủ ở cơ sở

Nói về kinh nghiệm thực hiện công tác dân vận trong thời gian qua, Bí thư Đảng ủy xã Thuận Bình - Võ Văn Thức chia sẻ, để huy động sức mạnh nội lực của nhân dân cả về vật chất lẫn tinh thần trong xây dựng NTM, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở là rất quan trọng. Trước khi triển khai một mô hình hay công trình cần huy động sức dân, xã tổ chức họp, lấy ý kiến của nhân dân một cách dân chủ, công khai. Đồng thời quán triệt cán bộ, đảng viên làm công tác dân vận phải gần dân, sát dân, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của người dân để có biện pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở.

Đường giao thông nông thôn xã Thuận Bình được thực hiện với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”

Đường giao thông nông thôn xã Thuận Bình được thực hiện với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”

Với cách làm này, chương trình xây dựng nông thôn mới, xã văn hóa của Thuận Bình được nhân dân đồng tình hưởng ứng tích cực. Nổi bật là phong trào hiến đất, góp tiền để xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn. Từ năm 2016 đến nay, xã vận động người dân đóng góp trên 268 triệu đồng để xây dựng cầu kênh K1 (ấp Gãy) và đường kênh T5 (ấp Trà Cú). Bên cạnh đó, xã tiến hành nâng cấp, sửa chữa đường giao thông nông thôn T3, đường T4 - T5, đường kênh T5 - kênh 61, xây dựng 2 khu đê bao với diện tích 52ha ở ấp Gãy và ấp T3, nâng cấp giếng nước ấp Trà Cú và ấp 61,... với tổng nguồn vốn do dân đóng góp gần 1,2 tỉ đồng và 100 ngày công lao động.

Không chỉ góp công, góp của làm cầu, đường giao thông nông thôn, thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, người dân còn hiến đất để xây dựng nhà văn hóa ấp. Ông Lê Văn Mười (SN 1963), ngụ ấp Trà Cú, vui mừng bộc bạch: “Trước đây, mỗi khi hội họp hoặc sinh hoạt cộng đồng đều phải mượn nhà dân để tổ chức nên rất bất tiện. Được địa phương vận động và thấy được lợi ích của việc xây dựng nhà văn hóa, tôi và ông Châu Văn Hai (ngụ cùng ấp) tình nguyện hiến đất để thực hiện công trình. Là đảng viên, tôi thấy mình phải có trách nhiệm gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động, từ đó người dân trong ấp rất ủng hộ và thực hiện theo”.

Có thể thấy, nhờ làm tốt công tác vận động, tuyên truyền và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở đã tạo được sự đồng thuận, tích cực tham gia của nhân dân, cùng chung tay góp sức với cấp ủy, chính quyền các địa phương xây dựng thành công NTM theo lộ trình đề ra./.

 An Kỳ

Chia sẻ bài viết