Có thể bảo quản sữa mẹ vắt ra trong túi đá giữ nhiệt tối đa 24 giờ. Ghi thời gian vắt trên bịt sữa để bảo đảm không dùng quá hạn
Nghị định số 145/2020/NĐ-CP, ngày 14/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động, trong đó, có việc thành lập phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc. Điều này sẽ giúp lao động nữ có thể trữ sữa nhằm giúp con nhỏ luôn đủ sữa mẹ dù mẹ đi làm xa.
Chị Ngô Thị Trước (TP.Tân An, tỉnh Long An), có con nhỏ 6 tháng tuổi và đã đi làm trở lại được 2 tháng. Chị làm công nhân cho một công ty tại Khu công nghiệp Tân Hương, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Thời gian nghỉ giữa hai buổi làm không nhiều nên chị không thể về cho con bú.
Chị Trước cho biết: “Sáng, tôi vắt sữa để ở nhà nhưng vẫn không đủ cho bé, mà phải cho bú thêm sữa ngoài. Nếu công ty bố trí được chỗ vắt, trữ sữa, không chỉ tôi mà nhiều chị em đang nuôi con nhỏ cũng rất mừng. Giờ nghỉ tôi có thể vắt, trữ sữa lại cho con, vừa tốt cho sức khỏe của mẹ và bé, tiết kiệm được tiền mua sữa ngoài, vừa bảo đảm an toàn thực phẩm cho con”.
Trưởng khoa Dinh dưỡng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Long An - Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Loan khuyến cáo về việc lưu giữ sữa mẹ sau khi vắt như sau: Nếu sữa mẹ vắt ra để ở nhiệt độ phòng từ 19 độ C đến 26 độ C sẽ giữ tốt nhất được 4 giờ, tối đa từ 6-8 giờ; nếu để ngăn mát tủ lạnh nhiệt độ dưới 4 độ C giữ được từ 4 đến 8 ngày, nếu để ngăn đá tủ lạnh -18 đến -20 độ C sẽ giữ được 6 đến 12 tháng.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Loan cũng khuyến cáo sử dụng túi trữ sữa mẹ hoặc hộp đựng thực phẩm sạch để đựng sữa mẹ đã vắt ra; nên dùng hộp được làm bằng thủy tinh hoặc nhựa và có nắp đậy kín; tránh các loại chai hoặc túi có ký hiệu tái chế số 7 (Bisphenol-A); chỉ bảo quản sữa mẹ trong túi nhựa dùng 1 lần để đựng sữa mẹ.
Sữa mẹ không cần hâm nóng. Nếu muốn rã đông sữa mẹ, nên để sữa trong ngăn mát tủ lạnh cho đỡ đông, sau đó để ở nhiệt độ thường cho tan hết đá, lắc đều sữa, rồi đặt sữa trong một ly hay thau nước ấm hoặc để dưới vòi nước ấm. Tuyệt đối không đun sôi sữa, không rã đông hoặc hâm nóng sữa mẹ trong lò vi sóng vì lò vi sóng có thể phá hủy các chất dinh dưỡng trong sữa mẹ và tạo ra các điểm nóng, có thể làm bỏng miệng trẻ.
Nếu rã đông sữa mẹ trong tủ lạnh, hãy sử dụng nó trong vòng 24 giờ (tính từ lúc sữa mẹ được rã đông hoàn toàn, không phải từ khi lấy sữa ra khỏi tủ lạnh). Sau khi sữa mẹ được rã đông và làm ấm, chỉ sử dụng trong vòng 2 giờ, nếu còn dư thì bỏ đi. Không nên đông lạnh lại sữa mẹ đã rã đông./.
Thanh Bình