Tiếng Việt | English

20/01/2021 - 09:01

Thanh long rớt giá, người trồng lo lắng

Những ngày qua, nhiều hộ trồng thanh long ở các huyện Châu Thành, Tân Trụ và Thủ Thừa, tỉnh Long An “đứng ngồi không yên” vì giá thanh long giảm. Hiện giá thanh long ruột đỏ trái vụ (xông đèn), thương lái thu mua tại vườn khoảng 10.000 đồng/kg, so với chi phí đầu tư thì người trồng lỗ nặng. Điều đáng nói, từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đến nay, giá thanh long liên tục giảm.

Một số nông dân huyện Châu Thành đã bỏ thanh long chuyển qua trồng loại cây khác

Một số nông dân huyện Châu Thành đã bỏ thanh long chuyển qua trồng loại cây khác

Giá thanh long giảm bởi dịch bệnh Covid-19

Ông Nguyễn Thanh Bình, ngụ ấp Bình Lợi, xã Đức Tân, huyện Tân Trụ, có 0,6ha thanh long, cho biết: “Gần đây, giá thanh long liên tục giảm, trong khi chi phí đầu tư ngày càng tăng. Nếu thanh long bán với giá 12.000 đồng/kg trở lên thì huề vốn. Còn thương lái thu mua với giá 9.000 đồng/kg như hiện nay thì người trồng lỗ nặng”.

Để có 0,6ha thanh long cho trái, ông Bình phải đầu tư tiền điện, phân, thuốc, thuê nhân công trung bình khoảng 50 triệu đồng/vụ. Riêng tiền điện, ông tốn gần 15 triệu đồng/vụ. Theo ông Bình, nếu giá thanh long cứ tiếp tục giảm thì ông đành phải chặt bỏ để chuyển sang trồng cây khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Hiện ở xã Đức Tân đã có nhiều hộ dân phá thanh long, chuyển sang trồng các loại cây khác. Chẳng hạn, ông Trần Thanh Bình đã phá bỏ 1ha thanh long để chuyển sang trồng ổi xen dừa. Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Đức Tân - Nguyễn Thanh Phong, toàn xã hiện có trên 150ha thanh long, đa số mới trồng được 2-3 vụ. Hiện có nhiều hộ đã phá bỏ thanh long để trồng các loại cây khác như mãng cầu (na) Thái, ổi, dừa,... Việc chuyển sang trồng cây khác cũng gặp không ít khó khăn vì vùng đất này nhiễm phèn, thường bị hạn, mặn,...

Ông Nguyễn Thanh Tùng, ngụ ấp 2, xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành, bộc bạch: “Tôi trồng 1.200 trụ thanh long ruột đỏ (khoảng hơn 1,1ha), hiện không còn khả năng duy trì vì giá ngày càng xuống thấp, trong khi thanh long hay nhiễm bệnh, phải vuốt ngoe, xịt thuốc với chi phí khá cao”. Hiện ông Tùng đã chuyển sang trồng 800 gốc na Thái, 555 gốc ổi Rubi; đồng thời, trồng xen canh đu đủ, hoa màu, trang kiểng đột biến để “lấy ngắn nuôi dài”.

Ông Nguyễn Ngọc Thịnh, ngụ ấp 2, xã Phước Tân Hưng, cho biết: “Gia đình tôi trồng 2.500 trụ thanh long ruột đỏ với diện tích 2,1ha. 3 năm nay, tôi lỗ gần 400 triệu đồng. Hiện tôi đã chặt 1.000 trụ (0,8ha) để trồng vú sữa Hoàng Kim, hoa màu, bí, bầu, quế, khổ qua,…”.

Toàn huyện Thủ Thừa có hơn 400ha trồng thanh long, một số nông dân ở các xã Mỹ An, Nhị Thành cũng phá bỏ thanh long, chuyển sang trồng cây khác. Công chức địa chính xã Nhị Thành - Nguyễn Văn Ngọc thông tin: “Toàn xã có khoảng 50ha thanh long. Hiện nông dân đã chuyển gần 1ha thanh long sang cây trồng khác vì thanh long không có lãi”.

Theo nhiều nông dân, đầu tư trồng thanh long tốn nhiều chi phí, vì vậy, chuyện phá bỏ thanh long là việc không ai muốn và không ai dám. Tuy nhiên, nếu giá bấp bênh mà cứ “đeo bám” cây thanh long thì nông dân dễ bị phá sản. Ông Nguyễn Thanh Bình chia sẻ thêm: “Không như con tôm, cây lúa, khi giá xuống thấp thì có thể bỏ rồi làm lại, còn thanh long nếu bỏ không đầu tư thì vườn cây sẽ hư ngay. Với 0,6ha thanh long, mỗi mùa vụ, tôi phải bỏ ra hơn 50 triệu đồng để duy trì độ sung cho cây”.

Tìm đầu ra ổn định cho trái thanh long

Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh - Ngô Thanh Tuyền, do dịch bệnh Covid-19, giá thu mua thanh long xuống thấp, người trồng gặp khó khăn. Hội Nông dân các cấp đã áp dụng nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác, xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao để tiêu thụ sản phẩm tốt hơn.

“Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều vườn thanh long đã già, năng suất thấp; đồng thời, việc tiêu thụ gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, giá cả xuống thấp nên nhiều hộ chuyển đổi cây trồng khác hoặc trồng mới thanh long” - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện thông tin.

Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ cho rằng: “Hiện nay, thu nhập của nông dân trồng thanh long bị ảnh hưởng do tình hình dịch bệnh. Việc tiêu thụ trái thanh long tại thị trường nội địa cũng gặp khó khăn do nhiều tỉnh đồng loạt trồng thanh long”.

Một vườn thanh long bị phá bỏ tại xã Đức Tân, huyện Tân Trụ

Một vườn thanh long bị phá bỏ tại xã Đức Tân, huyện Tân Trụ

Thông tin từ Sở Công Thương, một trong những tiêu chí để sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi là phải đạt tiêu chuẩn về chất lượng, phải sơ chế trước khi đưa ra thị trường lớn như TP.HCM. Hiện ngành Công Thương áp dụng nhiều biện pháp tìm đầu ra để trái thanh long vươn ra thị trường thế giới. Đặc biệt, ngành sẵn sàng hỗ trợ để quảng bá sản phẩm trái thanh long lên sàn giao dịch Amazon, góp phần giúp nông sản vươn ra thị trường thế giới.

Từ đầu năm 2021, Sở Công Thương đã áp dụng nhiều biện pháp để đưa sản phẩm thanh long ra thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, sản phẩm nông nghiệp khi xuất qua thị trường Trung Quốc bị kiểm soát rất gắt gao (do dịch bệnh). Đồng thời, Sở cũng kiến nghị Bộ Công Thương cho phép thành lập doanh nghiệp xuất, nhập khẩu của Việt Nam tại Trung Quốc để dễ dàng hơn cho sản phẩm thanh long khi xuất sang thị trường Trung Quốc.

“Trái thanh long cũng cần được chuyển đổi, giới thiệu đến nhiều thị trường khác nhau. Hiện thị trường Ấn Độ cũng rất tiềm năng, tuy nhiên chỉ mới quen tiêu thụ trái thanh long ruột trắng” - Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ cho biết thêm./.

Một trong những tiêu chí để sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi là phải đạt tiêu chuẩn về chất lượng, phải sơ chế trước khi đưa ra thị trường lớn như TP.HCM. Hiện ngành Công Thương áp dụng nhiều biện pháp tìm đầu ra để trái thanh long vươn ra thị trường thế giới. Đặc biệt, ngành sẵn sàng hỗ trợ để quảng bá sản phẩm trái thanh long lên sàn giao dịch Amazon, góp phần giúp nông sản vươn ra thị trường thế giới”.

Thông tin từ Sở Công thương

Đ.Lâm - Trần Thoa

Chia sẻ bài viết