Tiếng Việt | English

24/07/2022 - 16:30

Thanh niên xung phong - Ký ức một thời cống hiến tuổi xuân cho đất nước

Trong cả thời chiến lẫn thời bình, lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) đã có nhiều cống hiến, hy sinh cho đất nước. Với họ, những năm tháng tuổi trẻ tuy nhiều gian nan, vất vả nhưng là quãng thời gian có nhiều ký ức tươi đẹp với những kỷ niệm không thể nào quên.

Sẵn sàng hy sinh thời chiến

Khi quê hương còn chìm trong lửa khói chiến tranh, bên cạnh lực lượng vũ trang, TNXP chính là cánh tay đắc lực, góp sức cho các cán bộ, chiến sĩ đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc. Nhớ về những ngày tháng hào hùng ấy, ông Trần Văn Tỷ (SN 1943) - nguyên Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Thủ Thừa, không thể nào quên những lần “vào sinh, ra tử”. Năm 16 tuổi, ông tham gia công tác thanh niên tại địa phương, vận động người dân đấu tranh chính trị.

Năm 1963, ông là Phó Bí thư Huyện đoàn Bến Thủ và năm 1965 là Bí thư Huyện đoàn. Đến năm 1966, khi đơn vị TNXP Long An Hiệp Hòa anh dũng II được thành lập, ông cùng các đoàn viên, thanh niên chính thức phục vụ Sư đoàn 9 với nhiệm vụ hỗ trợ bộ đội trong các cuộc chống càn tại miền Đông, Campuchia như tải thương, tải đạn, vận chuyển thực phẩm, thuốc men,... và sẵn sàng tham gia chiến đấu. Trong quá trình hoạt động cách mạng, ông Tỷ nhiều lần bị thương như bị đạn xuyên xương hông hay bị mảnh pháo văng trúng đầu, có lúc thì B52 đánh sập hầm nôn ra máu, hiện tại, ông vẫn còn mảnh pháo văng trúng bả vai chưa được lấy ra. Tất cả đều là những hồi ức đau thương nhưng tràn đầy niềm tự hào về một thời tuổi trẻ. Với tinh thần dũng cảm, chiến đấu ngoan cường, năm 1960, tên quận trưởng lúc bấy giờ còn “treo giải” rất cao cho những ai bắt được ông.

Những huân, huy chương cao quý là niềm tự hào của ông Trần Văn Tỷ vì đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc

Là một trong số ít những người được công nhận là nhân chứng lịch sử TNXP qua các thời kỳ, ở tuổi 80, ông vẫn nhớ rõ từng sự việc, con người, tất cả như những thước phim chiếu chậm về quãng thời gian ông sát cánh cùng các đồng chí, đồng đội, trong đó, ông không thể nào quên được sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Văn Tình vào năm 1962.

“Khi đó, tôi cùng đồng chí Phan Văn Tình đi vận động nhân dân tham gia đấu tranh chính trị tại xã Bình Phong Thạnh (nay là xã Bình An, huyện Thủ Thừa), anh bị thương rồi bị địch bắt, dùng sợi niệt trâu choàng cổ lôi trên đường về chợ Thủ Thừa rồi tra tấn dã man. Tuy nhiên, anh vẫn không khai báo để bảo đảm an toàn cho đồng đội nên bị địch đâm lưỡi lê vào cổ và hy sinh” - ông Tỷ nhớ lại. Đến giờ, ông vẫn nhớ mãi về ký ức đau thương ấy và thường kể lại cho thế hệ hôm nay về sự hy sinh anh dũng của người đồng chí, đồng đội đã cùng sát cánh với mình thuở trước với niềm tự hào lẫn nỗi tiếc thương sâu sắc.

Khép lại những trang sử hào hùng của giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; thế hệ TNXP lại tiếp tục cống hiến trong chiến tranh biên giới Tây Nam. Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Thủ Thừa - Cao Văn Em (SN 1953) là một trong những TNXP phục vụ chiến đấu trong giai đoạn này. Khi vừa tròn 18 tuổi, ông thoát ly gia đình tham gia tải thương, tải đạn tại chiến trường Campuchia. Thời điểm năm 1978, Pol Pot phục kích, hoành hành rất ác liệt. Khi bộ đội ta chiến đấu thì các TNXP tham gia hỗ trợ, nếu ai bị thương thì TNXP phải nhanh chóng tải thương để cứu chữa kịp thời hoặc an táng những người hy sinh.

Ông Em hồi tưởng: “Có ngày phải an táng nhiều đồng chí, đồng đội, chúng tôi vô cùng đau xót. Tuy nhiên, nhiệm vụ vẫn phải làm, phải làm việc thật nhanh chóng, không được để địch phát hiện sẽ gây thiệt hại nhiều hơn. Nhiều người vừa trò chuyện với mình hôm trước thì hôm sau đã ngã xuống, chúng tôi còn mạnh khỏe đến hôm nay là điều vô cùng may mắn. Sau này, tôi cũng sẵn sàng tham gia hỗ trợ người thân tìm mộ các liệt sĩ. Đây là trách nhiệm, tình cảm của chúng tôi dành cho những người đã hy sinh vì hòa bình, độc lập”.

Nỗ lực cống hiến thời bình

Sau thời kỳ chiến tranh, TNXP tiếp tục cống hiến sức trẻ trong công cuộc khai hoang phục hóa, biến những vùng đất “chết” thành cánh đồng trù phú, màu mỡ, thu hút cư dân đến sinh sống, lao động, sản xuất, phát triển kinh tế. Ông Huỳnh Văn Huy (SN 1959) là cựu TNXP tham gia giai đoạn ấy. Ông tham gia lực lượng TNXP vào năm 1982 với nhiệm vụ cùng các đồng đội đào kênh, mương xả phèn cho người dân sản xuất tại khu vực kênh Bo Bo (huyện Thủ Thừa).

Thời điểm ấy, Bo Bo là vùng đất nhiễm phèn nặng, không thể trồng trọt gì ngoài những cánh đồng năn bạt ngàn và rừng tràm xanh tốt. Ngày ấy, tại khu vực này cũng chẳng có người dân sinh sống, TNXP phải tự dựng lán, trại, lọc nước bằng tro để nấu cơm. “Lúc bấy giờ, chúng tôi chỉ ăn ở tạm bợ trong khi khu vực này thường xảy ra lốc xoáy, lót dạ bằng cơm độn bo bo, độn khoai mà ai cũng hăng hái, nhiệt huyết lắm. Sau khi rời Bo Bo, chúng tôi lại tiếp tục tham gia đào tuyến kênh cặp biên giới Campuchia (nay thuộc xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường).

Tuyến kênh này có độ sâu tới 4m, bề ngang 16m, toàn đơn vị đều cố gắng, vượt khó hoàn thành nhiệm vụ vì lúc bấy giờ chẳng có máy móc, cơ giới như ngày nay mà chủ yếu dùng sức người. Vất vả là thế nhưng anh em luôn đoàn kết, động viên nhau nỗ lực vì khó khăn rồi cũng sẽ qua” - ông Huy nhớ lại.

Các cựu thanh niên xung phong huyện Thủ Thừa ôn lại kỷ niệm về quãng thời gian thanh xuân dũng cảm, cống hiến sức trẻ cho quê hương

Tham gia cùng giai đoạn này với ông Huy là ông Lưu Ngọc Lợi (SN 1964). Ông Lợi kể: “Thời điểm ấy, vất vả, gian nan lắm, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn nên anh em thường bị ghẻ ngứa, rất nhiều người trong đơn vị lở loét tay chân, rồi chưa kể bệnh sốt rét hoành hành. Ấy vậy mà chúng tôi đều quyết tâm, nỗ lực hết sức, đang thời kỳ tuổi trẻ, ai cũng tràn đầy nhiệt huyết cống hiến cho quê hương”.

Được biết, ông Lợi cũng tham gia đào kênh Bo Bo, kênh cặp biên giới, kênh Lợi Bình Nhơn, cống Bình Tâm, Cần Đốt,... nơi nào cần là ông và đồng đội có mặt. Ngày nay, những vùng đất chết xưa kia đã “thay da, đổi thịt” với những tuyến đường nhựa thẳng tắp, những ngôi nhà kiên cố, mái trường khang trang. Những cánh đồng năn, rừng tràm được thay bằng vườn chanh trĩu quả hay những vườn mai vàng “bạc tỉ”,... Tất cả đều được đánh đổi từ những giọt mồ hôi, tuổi xuân của các TNXP nhiều năm về trước. “Nhìn sự đổi thay của những vùng đất mà tôi cùng các đồng đội đã đóng góp một phần công sức, tôi không khỏi tự hào. Chúng tôi thực sự xúc động khi thấy quê hương phát triển, giàu đẹp từng ngày” - ông Lợi xúc động.

Thời gian qua đi, những chàng trai, cô gái TNXP trẻ trung ngày nào, giờ tóc đã bạc, da điểm mồi nhưng những ký ức hào hùng về quãng thời gian dành trọn thanh xuân cho Tổ quốc vẫn còn in sâu trong trí nhớ. Những kỷ niệm về tình đồng chí, đồng đội, tình quân - dân sẽ không thể phai mờ dù trải qua bao năm tháng. Dù gian khổ, hy sinh, dù có người còn, người mất nhưng những TNXP thuở nào vẫn không hề hối tiếc khi đã có một tuổi trẻ thật xứng đáng vì đã góp sức trẻ, cống hiến tuổi xuân cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu./.

Cát Tường

Chia sẻ bài viết