Tiếng Việt | English

15/01/2025 - 15:49

Bôn ba cuộc sống về đêm

Khi màn đêm dần buông xuống, thay cho ánh nắng ban ngày là ánh đèn đường trên khắp các nẻo đường. Và cũng dưới ánh đèn ấy, cuộc sống lại tiếp diễn với những nhịp điệu riêng. Bên cạnh những hoạt động vui chơi, giải trí cũng là lúc cuộc mưu sinh về đêm của những người lao động lại bắt đầu.

1. Dưới ánh đèn đường vàng vọt của TP. Tân An về đêm, hình ảnh ông Trương Duy Cẩn (phường 1) dáng vẻ lam lũ, tay cầm xấp vé số cùng với chiếc xe đạp cũ kỹ len lỏi qua những quán ăn, tụ điểm vui chơi, đã trở nên quen thuộc với nhiều người.

Mỗi ngày, ông âm thầm với cuộc mưu sinh, bán niềm hy vọng và sự may mắn qua từng tờ vé số.

Sinh ra trong một gia đình nghèo, ông là con trai út, từng có một cơ thể lành lặn. Thế nhưng, năm lên 2 tuổi, cơn sốt bại liệt đã để lại trên cơ thể ông những di chứng suốt đời.

Những năm tháng tuổi thơ của ông Cẩn là chuỗi ngày chạy chữa khắp nơi dưới sự đùm bọc của cha mẹ và người chị gái. Và chính tình thương của gia đình là nguồn động lực để ông vượt qua tất cả.

Ông Trương Duy Cẩn (phường 1, TP.Tân An, tỉnh Long An) bán vé số kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình

Năm 15 tuổi, chứng kiến cảnh gia đình ngày càng khó khăn, ông quyết định xin đi làm thợ hồ, dẫu công việc ấy chẳng dễ dàng gì với một người khuyết tật. Gắn bó với nghề gần 20 năm nhưng cuộc sống bấp bênh nên ông quyết định chuyển sang bán vé số.

Thế là hơn 2 năm qua, ông rong ruổi trên khắp các con đường để mưu sinh. Cứ vậy đều đặn mỗi ngày, ông bắt đầu công việc từ cuối buổi chiều khi nhận vé số mới từ đại lý.

Sau khi lấy vé số mới, ông lại lạch cạch trên chiếc xe đạp cũ kỹ đến từng quán ăn, góc chợ, tụ điểm đông người để “bán may mắn”. Đến khuya, khi mọi người đã vào giấc ngủ, ông Cẩn cũng trở về nhà, ăn vội bữa cơm cuối ngày.

Sau vài giờ chợp mắt, 3 giờ sáng, ông lại bắt đầu một ngày mới, tiếp tục bán những từ vé số lấy từ chiều hôm trước.

Ông Cẩn tâm sự: “Tôi đi bán từ 3 giờ sáng vì sợ bán không hết. Người ta khỏe mạnh đi lại nhanh nhẹn, còn tôi chậm chạp, đi đứng khó khăn nên tranh thủ đi bán sớm. Tầm giờ đó, các chợ đầu mối, quán cà phê hay quán ăn sáng bắt đầu đông khách, tôi phải đến kịp lúc để bán được nhiều hơn”. Với ông, từng tấm vé số bán đi không chỉ là công việc mà còn là niềm hy vọng nhỏ nhoi để tiếp tục lo cho mẹ già và chị gái.

Nhắc đến gia đình, đôi mắt ông đỏ hoe: “Mẹ tôi năm nay 78 tuổi, sức khỏe yếu lắm. Tôi chỉ mong mình đủ sức khỏe để lo cho mẹ và chị. Chị tôi vì thương mẹ và tôi mà chưa lập gia đình. Nghĩ đến họ, tôi thấy mình cần cố gắng hơn. Hơn 2 năm qua, nghề bán vé số đã giúp tôi trang trải cuộc sống. Thu nhập tuy không nhiều nhưng cũng đủ sống qua ngày. Nghề nào cũng có cái khó, nhiều lần tôi cũng bị gạt vé số, có nhiều người mua thiếu rồi không trả tiền...".

Dù cuộc sống còn lắm bộn bề nhưng trong ánh mắt và giọng nói của ông vẫn ánh lên niềm tin, tình yêu thương dành cho gia đình. Ông bảo, chỉ cần còn đủ sức khỏe sẽ cố gắng tiếp tục để lo cho mẹ và chị, những người quan trọng nhất trong cuộc đời ông.

2. Khi đồng hồ điểm gần 22 giờ, cái lạnh của những ngày cuối năm tràn về, dòng người, xe cộ thưa dần nhưng đâu đó giữa màn đêm tĩnh lặng ấy vẫn còn bóng dáng của những người công nhân trong bộ trang phục bảo hộ lao động đang cặm cụi quét dọn, thu gom rác làm sạch đường phố.

Hơn 5 năm gắn bó với công việc thu gom rác vào ban đêm, ông Nguyễn Hoài Thương (xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức) - nhân viên Công ty Cổ phần Đô thị Tân An đã nếm trải bao cung bậc vui buồn với cái nghề đã chọn.

Trong ít phút nghỉ ngơi sau vài giờ mệt nhoài với công việc, chúng tôi có dịp trò chuyện và nghe ông Thương trải lòng: Vì cuộc sống mưu sinh nên tôi chọn nghề này. Đôi khi cũng chạnh lòng khi nghề của mình ít được coi trọng nhưng tôi tự nhủ chỉ cần làm việc chân chính, không vi phạm pháp luật và kiếm được tiền lo cho gia đình là đủ.

Làm nghề này, “ngán” nhất là những ngày trời mưa, nước ngập, rác trôi tứ tung, lá cây, cành cây gãy rụng nằm ngổn ngang, việc đi lại, thu gom rác rất vất vả. Thế nhưng cũng phải ráng chứ không dám chậm trễ vì đến sáng phải bảo đảm mọi tuyến đường, gốc phố đều sạch sẽ.

Ông Nguyễn Hoài Thương (xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức) quét dọn rác mỗi đêm để phố phường sạch đẹp

Cứ đều đặn mỗi tối từ 18 giờ 30 phút, ông Thương bắt đầu hành trình “trang điểm” cho một vài tuyến đường thuộc phường 3 (TP. Tân An).

Ông len lỏi qua từng ngõ phố, từng khu dân cư, từ khi phố phường còn nhộn nhịp đến lúc mọi nhà quây quần bên mâm cơm gia đình hay khi nhà nhà đã ngon giấc, ông Thương vẫn miệt mài thu gom từng bao rác chở đến nơi tập kết chờ xe chuyên dụng đến lấy. Mãi đến 1 giờ sáng, khi hoàn tất công việc, ông mới trở về nhà.

Vợ ông Thương là đồng nghiệp và cả hai có một người con trai. Thời gian làm việc của gia đình gần như trái ngược nhau. Mỗi ngày, con trai ông đi làm từ sáng sớm. Đến chiều, khi con trai trở về cũng là lúc ông bắt đầu ca đêm kéo dài đến hơn 1 giờ sáng. Sau đó, vợ ông tiếp tục ca làm việc từ 2 giờ sáng đến hơn 10 giờ. Những bữa cơm gia đình có đủ các thành viên hầu như chủ yếu vào các dịp lễ, tết.

“Nghề nào cũng có vất vả riêng. Công việc của chúng tôi hầu như không có ngày nghỉ, chỉ cần nghỉ một buổi, rác sẽ ùn ứ nên khi chọn nghề phải có trách nhiệm với nghề.

Ngày thường công việc đã nặng nhọc, vất vả, đến dịp lễ, tết, công nhân quét rác phải làm việc gấp vài lần ngày thường bởi lượng người khắp nơi đổ về vui chơi, tụ tập đông hơn, kéo theo đó, lượng rác thải ra cũng nhiều hơn.

Tuy nhiên, ai nấy đều thấy vui với công việc của mình, bởi không chỉ là kế mưu sinh mà còn có ý nghĩa thiết thực, giúp cho môi trường sạch hơn, đường phố đẹp hơn” - ông Thương chia sẻ.

Trời càng dần về khuya, đường phố trở nên thưa người, vắng lặng. Những người mưu sinh về đêm vẫn cứ lặng thầm với công việc. Họ nép mình bên những góc phố, con đường, lặng lẽ đếm nhịp thời gian, tiếp tục mưu sinh để dệt những ước mơ khi màn đêm buông xuống./.

Khánh Duy - Thu Thảo

Chia sẻ bài viết