Tiếng Việt | English

19/10/2022 - 15:05

Tháo gỡ khó khăn để thu hút đầu tư vào khu, cụm công nghiệp

Sau đợt giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh về chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp (K,CCN) trên địa bàn các huyện, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, giai đoạn 2016-2021”, phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc trao đổi với Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh - Lê Thị Song An xoay quanh kết quả giám sát.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh - Lê Thị Song An phát biểu tại buổi giám sát Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh

PV: Bà đánh giá thế nào về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong thu hút đầu tư vào các K,CCN trên địa bàn các huyện, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, giai đoạn 2016-2021?

Bà Lê Thị Song An: Qua giám sát, làm việc của Đoàn ĐBQH tỉnh với UBND tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế (KKT) tỉnh, Sở Công Thương, khảo sát tại UBND và một số K,CCN trên địa bàn các huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc và TP.Tân An, cho thấy các sở, ngành và địa phương đã có nhiều nỗ lực, triển khai, thực hiện khá đồng bộ các chính sách, pháp luật trong thu hút đầu tư vào các K,CCN trên địa bàn tỉnh nói chung, trong đó tập trung tại các huyện, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, góp phần rất lớn vào quá trình phát triển KT-XH theo đúng chủ trương và định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh có 37 KCN với tổng diện tích trên 12.285ha. Trong đó có 35 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam, với tổng diện tích trên 11.944ha và 2 KCN nằm trong KKT Cửa khẩu Long An với tổng diện tích 340,5ha; đã lấp đầy 62,24% đối với các KCN đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư và lấp đầy 85,65% đối với các KCN đang hoạt động; có 176.724 lao động đang làm việc tại 1.567 doanh nghiệp (DN) trong KCN, với gần 3.000 lao động nước ngoài. Trong đó có 629 DN/dự án nước ngoài (FDI) và 938 DN trong nước.

Về CCN, toàn tỉnh hiện có 55 CCN/62 CCN được quy hoạch, với tổng diện tích trên 2.842ha (8 CCN có chủ trương đầu tư và 47 CCN có quyết định thành lập). Các CCN đang hoạt động đã lấp đầy 90,63% (tính trên diện tích đất công nghiệp hoàn chỉnh hạ tầng) và 78,78% (tính trên diện tích đất công nghiệp theo quy hoạch xây dựng được phê duyệt). Đây là những kết quả rất đáng phấn khởi, góp phần quan trọng vào tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh thời gian qua.

PV: Bên cạnh những kết quả đã đạt thì việc thực hiện chính sách, pháp luật trong thu hút đầu tư vào các K,CCN trên địa bàn tỉnh còn những khó khăn, vướng mắc gì, thưa bà?

Bà Lê Thị Song An: Một trong những khó khăn, vướng mắc hiện nay là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) còn chậm, mất nhiều thời gian, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và hiệu quả đầu tư của các dự án.

Các khó khăn, vướng mắc trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc phê duyệt giá bồi thường, GPMB mất nhiều thời gian do thủ tục theo quy định khá phức tạp, có trường hợp tình hình giá đất liên tục biến động tăng cao, nhiều dự án phải xây dựng lại giá bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Hay có trường hợp khi đã được phê duyệt đơn giá bồi thường thì việc triển khai công tác bồi thường, GPMB đến người dân trong vùng dự án lại phát sinh khiếu nại về giá bồi thường, không đồng ý di dời, gây trở ngại trong thực hiện thủ tục giao đất, san lấp mặt bằng để xây dựng kết cấu hạ tầng. Bên cạnh đó, việc chuyển đất lúa sang đất phi nông nghiệp tại phần lớn dự án KCN, CCN trên địa bàn tỉnh có sử dụng diện tích đất lúa lớn hơn 10ha nên việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của dự án mất nhiều thời gian vì phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 58 Luật Đất đai năm 2013.

Ngoài ra, tỷ lệ lấp đầy các KCN còn thấp. Cụ thể, chỉ lấp đầy 40,39% đối với 32 KCN đã được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư; lấp đầy 62,24% đối với 23 KCN đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư. Nguyên nhân là một số nhà đầu tư hạ tầng KCN thiếu kinh nghiệm và năng lực trong việc đầu tư KCN như KCN Việt Phát, KCN An Nhựt Tân,... Giá cho thuê lại đất cao cũng gây khó khăn cho việc thu hút đầu tư, nhất là các dự án lớn của nhà đầu tư nước ngoài.

Sự phối hợp giữa các sở, ngành tỉnh với các địa phương trong quản lý các K,CCN có lúc chưa chặt chẽ, nhất là định kỳ kiểm tra, giám sát tiến độ triển khai các dự án, xử lý các vấn đề liên quan đến môi trường, an ninh, trật tự, quản lý công nhân, đào tạo nghề,... trong các K,CCN. Thời gian qua, UBND tỉnh ban hành các quy chế phối hợp để quản lý nhà nước đối với các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh (Quyết định số 51/2016/QĐ-UBND, ngày 29/9/2016; Quyết định số 42/QĐ-UBND, ngày 08/01/2020) và nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trong việc quản lý các KCN, KKT, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, qua khảo sát, Đoàn nhận thấy việc thực hiện cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố còn chưa chặt chẽ và thường xuyên, nhất là trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến môi trường, xây dựng, cung cấp thông tin về tiến độ triển khai các dự án trong KCN.

Công tác quản lý nhà nước về CCN hiện nay được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 68/2017/NĐ-CP, Nghị định số 66/2020/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 28/2020/TT-BCT của Bộ Công Thương và các quy chế quản lý CCN được ban hành kèm theo các Quyết định số 06/2018/QĐ-UBND, ngày 24/01/2018 và Quyết định số 05/2022/QĐ-UBND, ngày 11/01/2022 của UBND tỉnh. Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy Nghị định số 68/2017/NĐ-CP lại chưa quy định rõ vai trò của cơ quan đầu mối để có đủ thẩm quyền giúp UBND tỉnh quản lý các CCN trong suốt quá trình trước, trong và sau đầu tư. Hiện nay vẫn thực hiện việc quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ của từng ngành và địa phương theo các văn bản quy định khác nên công tác quản lý nhà nước đối với các CCN vẫn còn nhiều đầu mối, hiệu quả chưa cao.

PV: Xin bà cho biết, Đoàn ĐBQH tỉnh có những kiến nghị gì đối với Trung ương và địa phương nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật để tăng cường thu hút đầu tư vào các K,CCN trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới?

Bà Lê Thị Song An: Từ kết quả giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị Quốc hội và Chính phủ sớm bổ sung vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội Luật về KCN, KKT, nhằm bảo đảm sự thống nhất trong quản lý nhà nước đối với KCN, KKT, nhất là thực hiện cơ chế “một cửa, tại chỗ” trong cả nước. Đẩy mạnh phân cấp để địa phương được chủ động hơn trong việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp trên cơ sở phù hợp kế hoạch sử dụng đất của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo điều kiện cho nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Đoàn sẽ có những đóng góp cụ thể đối với các dự án luật, trong đó có dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khảo sát tại Khu công nghiệp Phúc Long tại xã Long Hiệp (huyện Bến Lức)

Đoàn cũng sẽ kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương xem xét, điều chỉnh thời gian thực hiện đối với các dự án KCN mở rộng theo khoản 2, Điều 44 Luật Đầu tư là 50 năm và sớm trình Chính phủ ban hành quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong lĩnh vực quản lý nhà nước về KCN, KKT để bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong thực thi chiến lược, chính sách phát triển KCN, KKT thời gian tới. Kiến nghị sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP của Chính phủ theo hướng giao thẩm quyền cho UBND tỉnh quyết định đối với các thay đổi nhỏ, thường xuyên của CCN; các thay đổi làm tăng diện tích thì cho phép UBND tỉnh quyết định đối với trường hợp thay đổi làm tăng diện tích CCN không quá 10% và phù hợp quy hoạch sử dụng đất của tỉnh.

Đối với địa phương, Đoàn kiến nghị UBND tỉnh tập trung chỉ đạo công tác bồi thường, GPMB để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các K,CCN. Dành nguồn lực đầu tư hạ tầng bên ngoài hàng rào KCN bảo đảm tính kết nối, đồng bộ với hệ thống hạ tầng bên trong và phù hợp với các quy hoạch có liên quan được duyệt. Rà soát, kiểm tra hệ thống thu gom, xử lý nước thải, đường giao thông xung quanh K,CCN đã hoạt động để có giải pháp khắc phục những bất cập, hạn chế tại các khu vực này. Việc bố trí tái định cư phải thực hiện trước khi thu hồi đất theo đúng quy định của Luật Đất đai; dành quỹ đất để xây dựng các khu tái định cư tại vị trí hợp lý, đồng bộ về hạ tầng, công trình phúc lợi, bảo đảm người dân được tiếp cận một cách dễ dàng các dịch vụ tiện ích, phù hợp với từng dự án, từng khu vực giải toả.

Tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành rà soát, tích hợp quy hoạch phát triển K,CCN trên địa bàn tỉnh cùng thời kỳ; có lộ trình đưa ra khỏi quy hoạch các CCN không bảo đảm quy định, không phù hợp với quy hoạch, làm cơ sở để quản lý và tiếp nhận các dự án đầu tư theo quy định. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, chỉ đạo các sở, ngành hỗ trợ các địa phương giải quyết nhanh các thủ tục về K,CCN nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư các thủ tục liên quan đến đất đai. Tập trung công tác bồi thường, GPMB, đẩy nhanh tiến độ đầu tư tại các K,CCN, sớm đưa vào hoạt động, tránh gây lãng phí về tài nguyên đất và ảnh hưởng đến nhu cầu của người dân trong việc sang nhượng quyền sử dụng đất trong vùng dự án.

Thời gian tới, Đoàn sẽ theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị qua giám sát này, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giám sát của Đoàn ĐBQH khóa XV tại địa phương.

PV: Cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

Kiến Quốc(thực hiện)

Chia sẻ bài viết