Những thông tin dồn dập về chậm trả nợ lãi và gốc trái phiếu của nhiều doanh nghiệp được đưa ra gần đây, càng làm lung lay niềm tin của nhà đầu tư sau những vụ việc sai phạm trong phát hành trái phiếu bị cơ quan chức năng xử lý hồi cuối năm ngoái.
Điều quan trọng bây giờ là cùng với việc làm trong sạch hoạt động phát hành, cần có những giải pháp hữu hiệu để ổn định tâm lý thị trường, thúc đẩy sự hồi phục và phát triển lành mạnh kênh huy động vốn quan trọng này của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Nhiều giải pháp đã được xác định để tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh, bền vững. Trong đó, cần sự nỗ lực chung tay của tất cả các bên: cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Trước hết, phải khẳng định rằng, trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, góp phần giảm áp lực cho kênh dẫn vốn từ tín dụng ngân hàng, là kênh đang chiếm tỷ trọng rất cao ở thị trường vốn Việt Nam. Do đó, theo thông lệ tốt trên thế giới, kênh trái phiếu doanh nghiệp cần được phát triển và đây là kênh dẫn vốn mà Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng nâng cao tỷ trọng phát triển nếu so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Ảnh minh họa: KT
Tuy nhiên, cũng cần nhận thức rằng, trái phiếu là hình thức doanh nghiệp tự vay, tự trả và tự chịu trách nhiệm, nên cần đề cao vai trò trách nhiệm của tổ chức phát hành và sự hiểu biết cũng như khả năng phân tích rủi ro của nhà đầu tư, mà theo quy định là phải đáp ứng các tiêu chí của nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Nhưng trong khi cơ quan quản lý chủ trương tạo điều kiện phát triển thị trường, thì thời gian, một số doanh nghiệp đã lợi dụng sự nới lỏng trong tiêu chí phát hành trái phiếu riêng lẻ để lừa dối khách hàng, nhà đầu tư cũng chỉ quan tâm đến lãi suất cao mà bỏ qua những cảnh báo về rủi ro có thể xảy ra, dẫn đến thị trường gặp những chấn động mạnh.
Chuyên gia tài chính TS. Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận: "Ngành ngân hàng có thể có trách nhiệm trong các vấn đề khó khăn của hệ thống tài chính năm 2022, mặc dầu ngân hàng có đóng góp lớn, rất tốt đóng góp cho xã hội, nhưng những vấn đề như của Vạn thịnh phát, ngân hàng tiếp tay trái phiếu được phát hành có hiện tượng lừa đảo, trách nhiệm ngân hàng ở đâu? Tôi nghĩ ngành ngân hàng cần sự điều chỉnh rất lớn".
Để tăng tính lành mạnh cho thị trường trong thời gian đầu phát triển như ở nước ta, Bộ Tài chính chủ động tham mưu Chính phủ hoàn thiện pháp luật bằng giải pháp là ban hành Nghị định 65 năm 2022 để làm minh bạch hơn về thông tin và phân định trách nhiệm các bên tham gia một cách rõ ràng hơn.
Vậy nên, trong bối cảnh chính sách tiền tệ thắt chặt, chi phí tài chính gia tăng và thắt chặt phát hành trái phiếu, một số tổ chức phát hành giảm cơ hội tiếp cận nguồn vốn nhằm tái cơ cấu tài chính và đáp ứng nghĩa vụ nợ ngắn hạn. Rủi ro về khả năng thanh toán tập trung ở một số lĩnh vực có tỷ lệ đòn bẩy cao và hay biến động theo chu kỳ như lĩnh vực bất động sản, và những quy định nghiêm minh tại Nghị định 65 lại được cho là nguyên nhân là suy giảm thị trường.
Ở góc độ hỗ trợ thị trường vượt qua khó khăn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: "Khi nghị định 65 ban hành thì thực hiện có một số khó khăn vướng mắc trong thực tiễn và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thì Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành lấy ý kiến của các bộ, ngành đã tham mưu Chính phủ để ban hành Nghị định sửa Nghị định số 5 nhằm mục tiêu để đảm bảo cho thị trường trái phiếu được hoạt động một cách bình thường, hiệu quả và đảm bảo minh bạch và đúng đắn bền vững".
Cụ thể, tại Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 65 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được Bộ Tài chính trình Chính phủ, có 3 nội dung chính.
Một là cho phép thanh toán nợ trái phiếu bằng tài sản khác. Tức là trường hợp doanh nghiệp không thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tiền thì có thể đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán bằng tài sản khác theo nguyên tắc tuân thủ quy định của pháp luật.
Hai là cho phép gia hạn nợ trái phiếu thêm 2 năm để hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và cơ cấu lại các khoản nợ, tất nhiên là vẫn dựa trên việc đàm phán và được sự chấp nhận của trái chủ. Ba là Ngưng hiệu lực thi hành đối với quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp và xếp hạng tín nhiệm cho đến hết năm nay, để doanh nghiệp giải quyết các khó khăn trước mắt về thanh khoản và thanh toán các trái phiếu đến hạn năm 2023-2024.
Ở góc độ nhà đầu tư, ông Vũ Hữu Điền, Giám đốc phụ trách Danh mục đầu tư của Công ty quản lý quỹ Dragon Capital nhận định, trong thách thức khó khăn luôn có cơ hội cho nhà đầu tư, nên 2023 là năm mà các nhà đầu tư có thể kiếm được lợi nhuận nếu biết phân tích thị trường và có đủ tự tin.
Theo ông Điền: "Trái phiếu mọi người sợ, nhưng nếu tìm được những cơ hội đầu tư vào trái phiếu với thời hạn còn lại ngắn, 6 tháng, 8 tháng hoặc 1 năm ở công ty tốt, không thể phá sản vài năm tới, được lợi 15-16% thì là cơ hội tốt nắm giữ đến đáo hạn".
Bên cạnh giải pháp của cơ quan quản lý Nhà nước, sự bình tĩnh của nhà đầu tư, thì trách nhiệm của nhà phát hành chắc chắn vẫn phải đặt lên hàng đầu. Cơ chế giãn hoãn đã có, nhưng để đạt được sự chấp thuận của trái chủ, thì doanh nghiệp phát hành phải hết sức minh bạch với nhà đầu tư để chứng tỏ thiện chí trả nợ của mình.
Chuyên gia khuyến nghị, nếu doanh nghiệp phát hành thực sự mất khả năng trả nợ mà trái chủ vẫn khăng khăng đòi thanh toán, thì chỉ còn cách khởi kiện ra tòa và xử lý theo Luật Phá sản, sẽ thiệt hại cho cả hai bên. Nói như vậy không phải ủng hộ doanh nghiệp giãn nợ, mà phải tỉnh táo nhìn vào từng trường hợp khác nhau, linh hoạt xử lý để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
Tất nhiên, việc giãn, hoãn nợ trái phiếu cũng chỉ cho doanh nghiệp thêm chút thời gian, còn núi nợ trái phiếu vẫn sẽ còn nằm đó, nên doanh nghiệp cần tận dụng thời gian vàng giãn nợ để xoay xở dòng tiền, phải cắt giảm, chuyển nhượng, bán bớt dự án để cơ cấu lại. Chắc chắn, tái cơ cấu cần chịu đau, làm mạnh mẽ, quyết liệt, chứ không được lấy lý do khó khăn chung của thị trường để chây ỳ bán tài sản trả nợ cho nhà đầu tư.
Ông Quan Đức Hoàng, Chủ tịch Quỹ đầu tư tư nhân A+ cho biết, cơ hội mua bán sáp nhập đang hiện hữu. "Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm thị trường Việt Nam, nguồn tiền vài trăm tỷ chuẩn bị đổ vào, nhưng nghịch lý là nhà đầu tư hồ sơ sạch rồi không nghịch lý nào doanh nghiệp Việt Nam muốn bán, vì bán trong nước tốt hơn, vì có vốn có thị trường, thì nhà đầu tư nước ngoài tính toán quản trị rủi ro, câu chuyện này sẽ thông, điểm duy nhất chưa đầu tư là quản trị, cấu trúc quản trị chưa đạt tiêu chí là lý do chưa vào được dự án".
Như vậy, phải ổn định và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp công khai, minh bạch, an toàn, bền vững, nhằm khơi thông nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế. Muốn vậy, cần sự chung tay của tất cả các bên tham gia thị trường.
Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị chức năng tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm tại các doanh nghiệp phát hành và các công ty cung cấp dịch vụ phát hành, để nâng cao chất lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp, củng cố niềm tin nhà đầu tư.
Về phía doanh nghiệp phát hành, phải bố trí mọi nguồn lực để thanh toán gốc và lãi trái phiếu đến hạn theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, nếu có khó khăn không thể xử lý trong thanh toán thì phải đàm phán với các nhà đầu tư để thống nhất phương án cơ cấu lại trái phiếu.
Về phía nhà đầu tư, cần ổn định tâm lý, xác định đúng “khẩu vị rủi ro” để “chọn mặt gửi vàng”. Tức là không phải quay lưng với thị trường khi khó khăn, mà cần đầu tư một cách chuyên nghiệp. Chỉ khi có sự chung tay như thế của tất cả các bên tham gia, mới có thể giúp thị trường vượt qua thời kỳ “đỉnh nợ trái phiếu” hiện nay, và từng bước hồi phục chắc chắn. Do đó, đây cũng là giai đoạn tiền đề quan trọng để thị trường chuyển biến và bước vào giai đoạn phát triển mới, phát triển theo chiều sâu, lành mạnh và bền vững./.
Trung Hiếu/VOV1