Tiếng Việt | English

18/12/2015 - 15:39

Thầy, cô giáo phải gương mẫu về đạo đức, lối sống

5 tập thể, 8 cá nhân được khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục đạo đức lối sống, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, lịch sử và truyền thống văn hóa dân tộc cho học sinh.

Sáng nay, 18-12-2015, tại Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.Tân An, tỉnh Long An, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức sơ kết giai đoạn thực hiện Chỉ thị 17/2013/CT-UBND, ngày 18-7-2013 của UBND tỉnh về việc tăng cường giáo dục đạo đức lối sống, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, lịch sử và truyền thống văn hóa dân tộc cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Long An (Chỉ thị 17). Lãnh đạo ngành hữu quan, các phòng giáo dục, trường THPT, các trung tâm trực thuộc sở đã tham dự.

Trước thực trạng ngày càng có nhiều học sinh vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật, Chỉ thị 17 đã có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong giáo dục đạo đức lối sống, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, lịch sử và truyền thống văn hóa dân tộc cho học sinh. Các cấp lãnh đạo, các trường học hết sức quan tâm, quán triệt, chỉ đạo, tăng cường phối hợp 3 môi trường giáo dục, kết hợp dạy chữ với dạy làm người cho học sinh.

Ngành GD&ĐT đã đưa nội dung giáo dục đạo đức lối sống, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, lịch sử và truyền thống văn hóa dân tộc vào chương trình dạy chính khóa.

Các tập thể, cá nhân được khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong giáo dục đạo đức lối sống, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, lịch sử và truyền thống văn hóa dân tộc cho học sinh

Việc giáo dục đạo đức học sinh được thực hiện đa dạng, bằng nhiều hình thức như: Thi kể chuyện, chương trình phát thanh măng non, sinh hoạt dưới cờ, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp; tích hợp nội dung giảng dạy vào các môn học theo quy định chuyên môn của các cấp học, tổ chức về nguồn, thăm di tích lịch sử,…
Một số đơn vị còn mời các chuyên gia tâm lý hoặc phối hợp Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên để giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống; thường xuyên thông tin, tuyên truyền gương “người tốt việc tốt” trong học sinh.

Qua đó, làm chuyển biến trong nhận thức, thực hiện nếp sống văn minh và kỹ năng ứng xử có văn hóa, bảo đảm tính chuẩn mực, thân thiện trong hoạt động giao tiếp xã hội và đời sống sinh hoạt hằng ngày.
Kết quả xếp loại hạnh kiểm, năm học 2013-2014 hạnh kiểm khá trở lên đạt 97,70%, năm học 2014-2015 nâng lên 97,83%. Trong 2 năm 2014 và 2015, toàn ngành giáo dục có 626 học sinh vi phạm, ngành đã xử lý kỷ luật 83 em; 14 giáo viên vi phạm về quy định dạy thêm-học thêm; công tác tài chính, pháp lệnh dân số, vi phạm luật giao thông 14 người.

Chủ trì hội nghị, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT - Nguyễn Hồng Mai đề nghị các trường tiếp tục quán triệt Chỉ thị 17, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên trong giáo dục đạo đức, tư tưởng, tình cảm, văn hóa cho học sinh. Việc giáo dục đạo đức, truyền thống gắn liền với nhiệm vụ của nhà trường, tổ chức Đoàn, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn,… trong đó, thầy, cô giáo phải gương mẫu đi đầu. Bên cạnh biểu dương, nhân rộng gương người tốt, việc tốt, phải xử lý nghiêm hành vi vi phạm đạo đức./.

Tấn Lộc 

Chia sẻ bài viết