Tiếng Việt | English

01/05/2025 - 13:45

Nuôi dưỡng tình yêu lịch sử trong học đường

Lịch sử (LS) không chỉ là những bài học kinh nghiệm quý báu mà còn là môn học giúp thế hệ trẻ nhận thức rõ hơn về cội nguồn và truyền thống dân tộc. Giáo dục LS không dừng lại ở ghi nhớ các sự kiện mà còn phải truyền tải những giá trị sâu sắc, giúp học sinh (HS) cảm nhận và ứng dụng được những bài học từ quá khứ. Với sự tâm huyết, sáng tạo trong phương pháp giảng dạy của đội ngũ giáo viên (GV), nhiều trường học đã mang đến những cách tiếp cận mới, giúp HS yêu thích và hiểu sâu về LS, truyền thống.

Lịch sử trong giáo dục hiện đại

Lòng yêu nước và những giá trị truyền thống cần được nuôi dưỡng và bồi đắp qua từng thế hệ. Để HS hiểu và cảm nhận sâu sắc về điều đó, việc dạy LS trong nhà trường cần phải thay đổi cách tiếp cận.

Thay vì học thuộc lòng những sự kiện, điều quan trọng là khơi gợi cho HS tình yêu và niềm tự hào dân tộc. Ngoài bảo vệ Tổ quốc, các em cần hiểu rằng yêu nước còn là góp phần xây dựng, phát triển đất nước mỗi ngày.

Từ định hướng đó, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã mở ra nhiều cơ hội để HS tiếp cận LS theo hướng trải nghiệm thực tế.

Thông qua các buổi tham quan di tích, tìm hiểu tư liệu hay các hoạt động ngoại khóa, bên cạnh học LS, các em còn được sống trong không gian LS.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Thông (huyện Châu Thành) tham gia hành trình tiếp nối truyền thống với chủ đề "Long An trung dũng kiên cường"

Đặc biệt, việc đưa LS địa phương vào giảng dạy giúp HS hiểu rõ hơn về vùng đất mình sinh sống, về những con người đã góp phần làm nên truyền thống quê hương. Những trải nghiệm này vừa giúp HS ghi nhớ sâu sắc kiến thức, vừa khơi dậy lòng tự hào, gắn kết các em với cội nguồn dân tộc.

Tại Trường THPT Nguyễn Thông (huyện Châu Thành, tỉnh Long An), giáo dục LS và truyền thống dân tộc cho HS được triển khai qua nhiều hoạt động đa dạng và sinh động. Nhằm khơi dậy niềm yêu thích môn học này, nhà trường có những đổi mới trong phương pháp giảng dạy, kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn để HS dễ tiếp thu và hứng thú hơn.

Cô Võ Thị Thu Hằng - Tổ trưởng Tổ Sử - Giáo dục kinh tế và pháp luật (Trường THPT Nguyễn Thông), cho biết: "Tôi cố gắng đổi mới phương pháp dạy học, áp dụng những cách tiếp cận hiện đại để HS thấy LS không phải là môn học khô khan mà là những câu chuyện gắn liền với cuộc sống, lòng tự hào dân tộc".

Theo cô Hằng, trường chú trọng kết hợp giảng dạy với trải nghiệm thực tế. HS được tham gia các chuyến tham quan di tích LS, bảo tàng, các cuộc thi tìm hiểu truyền thống, ngày hội văn hóa dân gian, hội trại,... Qua đó, các em không chỉ tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên mà còn nuôi dưỡng niềm yêu thích với LS.

Bên cạnh đó, giáo dục truyền thống cũng được lồng ghép vào các tiết sinh hoạt lớp, buổi chào cờ và những ngày lễ lớn. Thông qua những hoạt động này, HS dần hình thành tình yêu LS, trân trọng giá trị văn hóa dân tộc và niềm tự hào về cội nguồn.

Với những nỗ lực trên, Trường THPT Nguyễn Thông không chỉ giúp HS có thêm hiểu biết về LS mà còn nuôi dưỡng trong các em tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc, góp phần hình thành thế hệ trẻ có trách nhiệm và ý thức bảo vệ, gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của đất nước.

Lịch sử không chỉ là những cột mốc, con số mà còn là câu chuyện sống động về con người, những cuộc đấu tranh và sự thay đổi qua các thời kỳ. Nếu GV kể chuyện cuốn hút, đặt HS vào vị trí nhân vật, bối cảnh LS và liên hệ với thực tiễn sẽ giúp các em hứng thú và tiếp thu bài học tốt hơn.

Thắp lửa đam mê

Để HS yêu thích và tiếp thu LS một cách tự nhiên, vai trò của GV vô cùng quan trọng. Không chỉ truyền tải kiến thức, GV còn là những người giúp LS trở nên gần gũi, sống động. Từ đó, truyền cảm hứng và khơi dậy niềm đam mê LS trong HS.

Thầy Nguyễn Ngọc Hương - GV môn LS, Trường THPT Cần Giuộc (huyện Cần Giuộc), chia sẻ: “Để bài giảng sinh động, tôi sử dụng hình ảnh, video tư liệu, bản đồ tương tác và các phần mềm học tập trực tuyến. Tôi khuyến khích HS tổ chức đóng vai, thảo luận nhóm để các em tương tác nhiều hơn. Các chuyến đi thực tế cũng quan trọng, giúp các em hiểu rõ hơn về tinh thần chiến đấu kiên cường của cha ông”.

Học sinh Trường THPT Cần Giuộc (huyện Cần Giuộc) thuyết trình về sự kiện lịch sử từ tranh vẽ

Theo thầy Hương, LS không chỉ là những cột mốc, con số mà còn là câu chuyện sống động về con người, những cuộc đấu tranh và sự thay đổi qua các thời kỳ. Nếu GV kể chuyện cuốn hút, đặt HS vào vị trí nhân vật, bối cảnh LS và liên hệ với thực tiễn sẽ giúp các em hứng thú và tiếp thu bài học tốt hơn.

Là GV tiên phong trong đổi mới phương pháp giảng dạy, thầy Bùi Ba Tàu - GV môn LS, Trường THPT Gò Đen (huyện Bến Lức), không chỉ truyền đạt kiến thức qua sách vở mà còn kết hợp kể chuyện, sử dụng phim tư liệu và tổ chức các hoạt động thực tế cho HS trải nghiệm. Đặc biệt, thầy khuyến khích HS tranh luận theo nhóm, tìm hiểu tài liệu ngoài sách giáo khoa và thực hiện các dự án sáng tạo như vẽ tranh, dựng tiểu phẩm LS, xây dựng video clip.

Nhờ đó, HS không chỉ ghi nhớ sự kiện mà còn hiểu sâu hơn về LS. Thầy Tàu chia sẻ: “Nhằm phát huy tính chủ động của HS trong môn LS, tôi cố gắng tạo ra những giờ học sôi động và mang tính tương tác cao. Thay vì chỉ giảng giải, tôi thường đặt ra những câu hỏi mở, khuyến khích các em thảo luận, tranh biện theo cặp hoặc nhóm nhỏ. Điều này không chỉ giúp các em nắm vững kiến thức mà còn rèn luyện kỹ năng tư duy phản biện và làm việc nhóm”.

Với lòng yêu nghề và mong muốn khơi dậy niềm đam mê LS trong các em, thầy cô đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo, áp dụng những phương pháp giảng dạy tích cực và đa dạng.

Em Nguyễn Thanh Phương Mỹ - HS lớp 11A10, Trường THPT Gò Đen (huyện Bến Lức), bày tỏ: "Em rất yêu thích các tiết học LS, đặc biệt là khi được nghe thầy cô giảng bài. Những bài giảng sinh động kết hợp hình ảnh và câu chuyện hấp dẫn giúp em dễ dàng hình dung và ghi nhớ các sự kiện LS. Qua các buổi thảo luận nhóm, em cũng chủ động tìm hiểu và khám phá LS”.

Học sinh Trường THPT Gò Đen (huyện Bến Lức) thể hiện sự sáng tạo trong cách học lịch sử qua báo tường

Việc truyền đạt và khơi dậy niềm đam mê LS trong trường học là trách nhiệm của thầy cô và nhiệm vụ của toàn xã hội.

Những sáng tạo trong giảng dạy và sự đồng hành của GV sẽ là nền tảng vững chắc giúp thế hệ trẻ phát huy lòng tự hào, giữ gìn và phát triển những giá trị LS quý báu của dân tộc. Đó chính là bước đi quan trọng để LS trở thành một hành trang quý báu, đồng hành cùng HS trên con đường phía trước./.

Thi Mỹ

Chia sẻ bài viết