Cái "tâm" người thầy
"Tâm" là một trong những yêu cầu cơ bản và đặc trưng của nghề giáo viên (GV). GV phải có lòng nhân ái, như cố Tổng Bí thư Lê Duẩn từng nói: "Càng yêu người bao nhiêu, càng yêu nghề bấy nhiêu". Đó chính là sự vị tha và hết lòng yêu thương, chăm sóc HS với tinh thần "Tất cả vì HS thân yêu".
Để nuôi dưỡng cái "tâm" ấy, thầy, cô giáo luôn ý thức trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng và nghề nghiệp bằng những việc làm cụ thể, trong đó chú trọng trách nhiệm của GV, luôn thương yêu và giúp đỡ HS.
Thầy Nguyễn Thanh Dũng luôn xem học sinh như người thân và làm tròn trách nhiệm người thầy. Trong quá trình dạy, thầy luôn theo sát học sinh, đặc biệt là học sinh yếu kém
Một trong những GV được biết đến với cái "tâm" sáng ngời, luôn dành tình yêu thương cho HS là thầy Nguyễn Thanh Dũng - GV môn Toán, Trường THCS Gò Đen (huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Hơn 30 năm gắn bó với nghề giáo, thầy Dũng luôn ý thức rèn luyện "trách nhiệm và tình thương" dành cho HS. Trong mỗi tiết giảng, thầy luôn quan tâm, động viên HS, đặc biệt là HS yếu kém và dành những phần thưởng nho nhỏ như quyển tập, cây viết khi các em ấy đạt kết quả học tập tốt. Đó là sự ghi nhận, động viên tinh thần giúp HS nỗ lực trong học tập. Ngoài ra, thầy cũng thường xuyên giúp đỡ HS có hoàn cảnh khó khăn.
Thầy Dũng bộc bạch: "Với tôi, trách nhiệm của người thầy là dạy HS kiến thức và những bài học bổ ích trong cuộc sống, giúp các em hoàn thiện về nhân cách. Ngoài ra, tôi cũng quan tâm và chia sẻ với những HS có hoàn cảnh khó khăn, đó là những bữa cơm trưa hay chiếc áo mới. Những món quà tôi tặng HS tuy giá trị vật chất không lớn nhưng nó chứa đựng tình cảm và cả cái "tâm" của người thầy trong đó. Mỗi ngày, tôi vẫn trui rèn về đạo đức, nhân cách để luôn là người thầy đáng kính của các em".
Ngoài ra, cái "tâm" người thầy còn thể hiện trong việc không quản ngại khó khăn, bám trường, bám lớp và tâm huyết với nghề. Cô Huỳnh Thị Tuyết Mai - GV môn Giáo dục công dân, Trường THPT Tân Hưng (huyện Tân Hưng), chia sẻ: "Thuở mới vào nghề, khó khăn đủ bề nhưng với tình yêu thương học trò, yêu nghề giáo, trong hoàn cảnh nào, thiếu thốn ra sao, tôi vẫn quyết tâm gắn bó với mảnh đất Tân Hưng. 20 năm bám nghề, tôi cảm thấy vui và tự hào khi nhìn từng thế hệ học trò của vùng đất khó lần lượt trưởng thành".
Tự học và sáng tạo
Cùng với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, các thầy, cô giáo còn tự học, tự rèn luyện về chuyên môn, nghiệp vụ, nhận thức chính trị, bổ sung cho mình những tri thức khoa học, kỹ năng để sáng tạo và thực hiện nhiệm vụ giảng dạy có hiệu quả. Theo đó, nhiều đơn vị cử GV đi học cũng như tạo điều kiện cho GV tự học.
Cô Võ Thị Ánh áp dụng nhiều phương pháp mới trong giảng dạy, giúp học sinh dễ tiếp thu bài hơn
Cô Võ Thị Ánh - GV môn Vật lý, Trường THPT Rạch Kiến (huyện Cần Đước), cho biết: "Muốn dạy tốt, GV phải biết học tập, trau dồi kiến thức hàng ngày. Đó là kinh nghiệm giảng dạy, kiến thức chuyên môn và cả kiến thức xã hội. Tôi đang học cao học nên được tiếp cận nhiều bài giảng, giáo trình hay, từ đó chọn lọc và áp dụng vào thực tế giảng dạy. Mỗi ngày, tôi dành một khoảng thời gian nhất định để đọc sách, tham khảo thông tin từ Internet nhằm trau dồi thêm kiến thức mới. Ngoài ra, tôi cũng tham gia các kỳ thi GV giỏi để thử sức mình và học hỏi kinh nghiệm từ các đồng nghiệp".
Các thầy, cô giáo còn sáng tạo và đổi mới trong công tác giảng dạy nhằm khơi dậy trong mỗi HS sự nhiệt tình, tính tự học, tự nghiên cứu và tích cực thảo luận. Cô Dương Kim Trọn - GV môn Vật lý, Trường THPT Đức Hòa (huyện Đức Hòa), trong công tác giảng dạy luôn gắn liền với đổi mới và sáng tạo. Cô Trọn áp dụng phương pháp đổi mới nghiên cứu bài học. Với phương pháp này, HS là người chủ động trong việc học. Các em tự tìm ra kiến thức mới và khám phá những điều thú vị trong các bài học. Qua đó, HS tự tin, năng động và hứng thú hơn trong học tập.
Trong những tiết áp dụng phương pháp đổi mới nghiên cứu bài học, học sinh tự tìm hiểu kiến thức, cô Dương Kim Trọn là người bổ sung, góp ý cho các em
Cô Trọn cho biết: "Ngoài đổi mới phương pháp dạy, tôi còn hỗ trợ HS tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học. Trong đó, tôi tư vấn, góp ý cho HS tham gia các cuộc thi khoa học - kỹ thuật; Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng; Tích hợp kiến thức liên môn,... và có nhiều sản phẩm của HS đoạt giải cao. Qua công việc này, tôi cũng học hỏi được rất nhiều điều hay".
Với cái tâm và sự nỗ lực trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, tự học nâng cao trình độ và sáng tạo trong hoạt động giáo dục của những thầy, cô giáo - họ xứng đáng là những tấm gương sáng cho HS noi theo./.
Ngọc Thạch