Tiếng Việt | English

28/05/2022 - 10:20

Thay đổi tư duy trong cải cách giáo dục để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo 

Ngày 27/5, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Long An do Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh - Mai Văn Nhiều làm Trưởng đoàn đến làm việc với UBND tỉnh về công tác cải cách giáo dục. Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa tiếp và làm việc với đoàn.

Hiện toàn tỉnh có 591 trường học với 311 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 52,62%. Trong năm 2021, Trường THPT Thiên Hộ Dương (thị xã Kiến Tường) được đưa vào hoạt động; đồng thời tỉnh lập đề án xây dựng Trường THCS&THPT Võ Văn Tần (Đức Hòa) và Trường THPT Nguyễn Trung Trực (huyện Bến Lức). Thời gian qua, mạng lưới cơ sở giáo dục công lập sắp xếp theo hướng sáp nhập, tinh gọn nên có giảm so với trước; trường học trên địa bàn có khu, cụm công nghiệp chưa đáp ứng đủ nhu cầu của học sinh.

Toàn ngành hiện có hơn 16.400 cán bộ quản lý, giáo viên. Đa số giáo viên có trình độ đạt chuẩn, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả giảng dạy. Tỉnh đã và đang thực hiện lộ trình nâng cao trình độ đào tạo giáo viên và đào tạo giáo viên sau đại học. Ngoài ra, tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ vẫn còn tồn tại nhiều năm nay.

Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, chú trọng nhân cách, đạo đức lối sống, kiến thức pháp luật và ý thức công dân trong hệ thống giáo dục quốc dân được quan tâm thực hiện. Trong đó, việc giảng dạy tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được thực hiện từ lớp 2 đến lớp 12 trong các trường phổ thổng; các trường lựa chọn nội dung giáo dục kỹ năng sống phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng có ban hành công văn về việc tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.

Công tác giáo dục hướng nghiệp, giáo dục nghề nghiệp và phân luồng học sinh còn nhiều khó khăn, học sinh vẫn còn tâm lý thích làm “thầy” hơn làm “thợ”. Công tác phổ cập, xóa mù chữ, xây dựng mô hình học tập được giữ vững và nâng cao chất lượng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa chủ trì tiếp và làm việc với Đoàn giám sát của HĐNĐ tỉnh

Về việc bảo đảm các điều kiện cơ bản thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa  mới, các cơ sở giáo dục cơ bản bảo đảm về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, tài liệu giáo dục địa phương theo đúng quy định. Tuy nhiên, ở cấp tiểu học tại địa bàn có khu, cụm công nghiệp, cơ sở vật chất chưa đáp ứng đủ nhu cầu do số lượng học sinh tăng đột biến dẫn đến sĩ số học sinh trên lớp vượt quy định.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn Quang Thái làm rõ một số nội dung theo yêu cầu của Đoàn giám sát

Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Tấn Hòa chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác phân luồng học sinh. Trong đó, ngành Giáo dục chú trọng nắm bắt tình hình học sinh sau phân luồng khi không vào các trường THPT; Sở Lao động – Thương binh và Xã hội duy trì phối hợp với doanh nghiệp trong đào tạo nghề cho học sinh, sinh viên; đồng thời liên kết với trường cao đẳng, đại học trong thực hiện chương trình đào tạo các ngành nghề đang là nhu cầu của xã hội hiện nay.

Trưởng đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh - Mai Văn Nhiều nhấn mạnh một số nội dung trong cuộc giám sát

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh – Mai Văn Nhiều nhấn mạnh một số nội dung cần chú trọng để thực hiện cải cách giáo dục tốt hơn như các cấp, các ngành, đặc biệt ngành Giáo dục cần thay đổi tư duy về thực hiện cải cách giáo dục để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo; có những giải pháp mới trong xử lý tình trạng thừa thiếu giáo viên; tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, truyền thống lịch sử, lý tưởng cho học sinh; xác định phân luồng học sinh cụ thể cho từng địa phương phù hợp; chú trọng bồi dưỡng trình độ chính trị cho đội ngũ giáo viên;…/.

An Nhiên

Chia sẻ bài viết