Tiếng Việt | English

02/10/2023 - 15:20

Thêm nhiều cống ngăn mặn dọc sông Tiền, dân trồng sầu riêng phấn khởi

Hàng loạt cống ngăn mặn, trữ ngọt dọc theo sông Tiền, đoạn qua tỉnh Tiền Giang đã hoàn thành, sẵn sàng đưa vào hoạt động trong mùa khô sắp tới nhằm đảm bảo mùa màng, nguồn nước cho hàng chục ngàn hộ dân phía trong.

Một trong 6 cống ngăn mặn do tỉnh Tiền Giang đầu tư dọc theo sông Tiền đã hoàn thành và sẽ đưa vào vận hành từ tháng 10-2023 - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Ngày 2/10, đại diện Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 10 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết Cống âu Nguyễn Tấn Thành - cống ngăn mặn lớn thứ 2 vùng ĐBSCL (chỉ đứng sau cống Cái Lớn - Cái Bé, tỉnh Kiên Giang) đã hoàn thành được khoảng 45% khối lượng công việc và có thể tạm thời ngăn mặn, trữ ngọt nếu độ mặn trên sông Tiền tăng cao trong mùa khô 2023 - 2024.

Ông Hà Đức Hạnh - giám đốc Ban Quản lý dự án và đầu tư xây dựng thủy lợi 10 - cho biết hiện trên công trường có khoảng 100 kỹ sư, công nhân làm việc để đảm bảo dự án đúng tiến độ.

Thời điểm này, dự án đã hoàn thành hai trụ biên, một phần âu tàu và đang tiếp tục thi công trụ tháp vận hành, hệ thống bờ kè.

Nếu mùa khô 2023-2024 nước mặn xâm nhập sâu từ sông Tiền, Cống âu Nguyễn Tấn Thành sẽ tạm dừng thi công và cho đóng hệ thống cừ lá sen rộng khoảng 40 m để ngăn mặn, trữ ngọt nhằm cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu cho 1,1 triệu dân cùng 128.000 ha đất sản xuất của hai tỉnh Tiền Giang, Long An.

Cống âu Nguyễn Tấn Thành có tổng mức đầu tư hơn 518 ti đồng khởi công tháng 11-2022 và dự kiến hoàn thành sau 24 tháng. Tuy nhiên công trình đang vượt tiến độ và dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 7-2023.

Ngoài Cống âu Nguyễn Tấn Thành, dọc theo sông Tiền hướng về thượng nguồn hệ thống cống ngăn mặn do tỉnh Tiền Giang đầu tư xây dựng cũng đã hoàn thành.

Ông Nguyễn Đàm Thanh Tuyến - giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang - cho biết, đến thời điểm này 6/6 cống ngăn mặn thuộc Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cống ngăn mặn tại đầu các kinh, rạch ra sông Tiền trên đường tỉnh 864 giai đoạn 1 đã hoàn thành.

"Chúng tôi sẽ vận hành toàn bộ hệ thống cống này trong tháng 10-2023 để chuẩn bị phục vụ mùa khô 2023-2024", ông Tuyến nói.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 846 tỉ đồng, từ nguồn vốn ngân sách trung ương và địa phương. Dự án bao gồm 6 cống, tuyến đê dọc sông Tiền và các cống dưới đê với mục tiêu ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Tỉnh Tiền Giang là địa phương chịu ảnh hưởng nặng của tình trạng xâm nhập mặn. Đặc biệt trong mùa khô 2020, hạn mặn xâm nhập tấn công vùng chuyên canh sầu riêng ở các huyện, thị phía Tây tỉnh gồm Cai Lậy, Cái Bè, thị xã Cai Lậy,…

Chỉ tính riêng thiệt hại trong mùa khô này, tỉnh Tiền Giang đã bị thiệt hại 5.343ha vườn trồng cây ăn quả, chủ yếu tại vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh.

Trong đó có gần 4.500ha vườn sầu riêng chuyên canh bị ảnh hưởng. Mức độ thiệt hại từ 30-70% mỗi vườn. Đặc biệt, có đến gần 3.600ha bị thiệt hại ở mức độ rất cao, trên 70%.

Cống Âu Nguyễn Tấn Thành, tỉnh Tiền Giang đã hoàn thành được khoảng 45% khối lượng công việc và có thể ngăn mặn tạm thời khi cần thiết trong mùa khô 2023-2024 - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Theo TTO

Chia sẻ bài viết