Nhiều trường ĐH cho rằng quy chế tuyển sinh năm nay không giới hạn nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh sẽ gây khó khăn cho các trường trong xét tuyển - Ảnh: T.HUỲNH
GS Vũ Văn Hóa - phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội - cho rằng quy định không giới hạn nguyện vọng đăng ký xét tuyển (ĐKXT) của thí sinh chính là vấn đề khiến các trường ĐH bức xúc nhất.
“Điều này sẽ làm cho công tác xét tuyển của các trường vất vả hơn rất nhiều. Dù Bộ GD-ĐT nói sẽ có cổng thông tin tuyển sinh hỗ trợ các trường lọc ảo, nhưng tôi chưa thực sự tin giải pháp này nếu đó mới chỉ là lý thuyết mà chưa thành hiện thực.
Khi đưa ra giải pháp này, bộ đã lường hết được những kịch bản có thể xảy ra sau đó chưa? Bộ có ngại tình trạng rối loạn trong xét tuyển như đã từng xảy ra khi các trường lại dài cổ ngóng thí sinh vì thí sinh ảo quá nhiều hay không?” - ông Hóa đặt vấn đề.
“Các trường sẽ rất mệt”
Theo ông Hóa, thí sinh được tự do đưa ra số nguyện vọng sẽ làm cho công tác xét tuyển của các trường phức tạp hơn và có thể bị kéo dài hơn.
“Rõ ràng đây là quy định làm phát sinh chi phí xã hội tăng lên rất nhiều cho công tác tuyển sinh. Xét tuyển kéo dài, trường lại phải bố trí người trực điện thoại, trực tại chỗ chờ hồ sơ, đón thí sinh. Rồi chi phí gửi đi gửi lại giấy báo trúng tuyển...
Bộ có thể không tính đến những khoản này vì xét đến cùng đây là chi phí của trường bỏ ra. Một trường bỏ ra chưa nhiều, nhưng vài trăm trường cùng mòn mỏi như vậy thì chi phí không nhỏ” - ông Hóa nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Phong Điền, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng trong thời gian xây dựng quy chế tuyển sinh, bộ từng đặt ra việc giới hạn 4 nguyện vọng, rồi nâng lên 10 nguyện vọng và cuối cùng “chốt” bằng việc không giới hạn nguyện vọng thực ra là hơi thừa.
Với nhóm GX (nhóm liên kết xét tuyển) mà Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì, dự kiến sẽ tách nhóm thí sinh có trên 10 nguyện vọng ra xét tuyển riêng để quá trình chạy phần mềm xét tuyển nhẹ nhàng, nhanh chóng hơn.
Với phương án do bộ đặt ra, các trường phải chấp nhận tỉ lệ ảo vì nhiều thí sinh trúng tuyển ở các nguyện vọng thứ tự quá xa so với nguyện vọng đầu tiên có thể sẽ lựa chọn phương án khác, chứ không nhập học trúng tuyển như sắp xếp của các trường.
Trong khi đó, ông Phạm Thành Công, phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, cho rằng việc không giới hạn nguyện vọng gần như một phương án “không cho thí sinh trượt”.
Điều này thực tế có lợi cho một nhóm thí sinh có học lực trung bình và trung bình khá nhưng lại khiến các trường vất vả hơn.
Theo ông Công, với kinh nghiệm làm tuyển sinh lâu năm, nếu thí sinh trúng tuyển từ nguyện vọng thứ 6 thì các trường nên xem xét đó là thí sinh ảo để lên phương án xét tuyển phù hợp.
Trong khi đó một số chuyên gia cho rằng nếu thí sinh quyết vào ĐH bằng bất cứ giá nào theo cơ chế này thì sẽ ảnh hưởng đến phân luồng, nhưng nếu thí sinh không lựa chọn các thứ tự ưu tiên sau dù trúng tuyển thì sẽ làm mệt, làm khó cho các trường, chủ yếu các trường tốp dưới.
Thí sinh ảo sẽ rất lớn
TS Nguyễn Kim Quang - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) - cho rằng việc cho phép thí sinh được đăng ký nguyện vọng theo mong muốn, không giới hạn nguyện vọng cũng như số trường, như vậy các trường sẽ không xác định được thí sinh trúng tuyển để đảm bảo chỉ tiêu của trường mình.
“Đây là sự tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh, tuy nhiên cần có quy định để việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển của thí sinh phải gắn liền với sự cân nhắc, trách nhiệm của thí sinh. Sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, thí sinh còn được thay đổi nguyện vọng xét tuyển, với sự thoải mái này e rằng sẽ làm phức tạp trong việc dự báo thí sinh đăng ký trúng tuyển vào trường mình” - ông Quang nhận định.
Cũng theo TS Nguyễn Kim Quang, về mặt kỹ thuật với việc xét tuyển chung cả hệ thống như vậy phần mềm xét tuyển phải đảm bảo sự công bằng.
Với quy chế tuyển sinh năm nay, các trường phải đưa ra điểm chuẩn chắc chắn tình trạng thí sinh trúng tuyển ảo sẽ rất lớn do mỗi trường không thể biết được thí sinh chọn nguyện vọng vào trường mình nhưng có khả năng được trường khác xét tuyển hay không.
Theo TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), việc cho phép thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển nhiều quá không để làm gì. Vì xét tuyển thực tế tại trường, trong những năm trước đối với các thí sinh trúng tuyển tới nguyện vọng 2, 3 họ thật sự đã lăn tăn về ngành học đó rồi.
Những sinh viên này cho biết họ không hứng thú với ngành học và xin chuyển ngành. Nếu không giới hạn nguyện vọng sẽ tạo cho các trường áp lực lớn.
“Đề nghị không cho thí sinh đăng ký quá nhiều nguyện vọng, vì sẽ ảnh hưởng đến hướng nghiệp rất nhiều. Nếu sinh viên học không đúng ngành nghề họ sẽ học rất chểnh mảng, thậm chí bỏ học. Chỉ cần xem lại con số thống kê hai năm qua ở các trường về số lượng sinh viên bỏ học sẽ thấy rõ điều này” - ông Hạ nói.
Tương tự, PGS.TS Trần Lê Quan, phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), cũng cho rằng càng nhiều nguyện vọng thí sinh sẽ chọn ngành cho được học ĐH, tá túc một năm rồi bỏ học.
Trong khi đó, TS Lê Chí Thông, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), cho rằng quy chế tuyển sinh ĐH năm 2017 chính thức mà Bộ GD-ĐT vừa công bố đã có nhiều điều chỉnh phù hợp.
Thứ nhất, khi đã xét tuyển chung thì một hay nhiều nguyện vọng cũng vậy nên việc giới hạn số lượng nguyện vọng ĐKXT của thí sinh là không cần thiết.
Tuy nhiên, chúng ta có thể cho thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng sự không giới hạn không nên để một số vô chừng, để thí sinh nhận biết được ngưỡng dừng lại khi đăng ký, có thể quy định từ 10 đến 15 nguyện vọng.
Thứ hai, để xét tuyển đợt 1, thí sinh nộp phiếu ĐKXT cùng với hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia là để có đơn vị nhập hồ sơ. Việc cho phép thí sinh được thay đổi nguyện vọng xét tuyển cũng là quy định hết sức hợp lý và thuận lợi cho thí sinh khi thực hiện việc này bằng phương thức trực tuyến.
Tăng cường kiểm tra khâu nhập dữ liệu TS Lê Chí Thông chỉ băn khoăn việc nhập hồ sơ của thí sinh tại các trường THPT và các sở GD-ĐT. Trong những năm trước đã xảy ra sai sót rất nhiều trong khâu nhập dữ liệu của thí sinh. Năm nay nếu quá trình nhập dữ liệu xảy ra sai sót từ trường này sang trường khác, ngành này sang ngành kia sẽ ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi của thí sinh. “Vì vậy cần tăng cường công tác kiểm tra khâu nhập dữ liệu ĐKXT, bản thân thí sinh cũng đăng nhập vào hệ thống của bộ để kiểm tra lại nhằm kịp thời điều chỉnh nếu có sai sót” - ông Thông đề nghị. |
Theo Trần Huỳnh-Ngọc Hà/TTO