1. Vì sao người nhiễm HIV cần tham gia bảo hiểm y tế (BHYT)?
Với người bình thường, BHYT rất cần thiết, giúp giảm gánh nặng tài chính khi không may bị ốm đau, bệnh tật, tai nạn,... phải điều trị.
Với người nhiễm HIV, BHYT càng cần thiết vì người nhiễm HIV có nguy cơ ốm đau nhiều hơn. Hơn nữa, việc điều trị bằng thuốc kháng vi-rút (ARV) là liên tục suốt đời. Thời gian tới, không còn thuốc viện trợ cấp miễn phí và Quỹ BHYT sẽ thanh toán tiền thuốc ARV cũng như các chi phí khám và điều trị bệnh. Nếu không tham gia BHYT, người nhiễm HIV sẽ phải chi trả toàn bộ các chi phí khám, điều trị HIV bao gồm cả tiền thuốc ARV và các chi phí xét nghiệm,...
Một người nhiễm HIV khi điều trị ARV phải chi trả hàng chục triệu đồng/ năm cho tiền thuốc ARV, tiền xét nghiệm. Chưa kể, nếu bạn phải điều trị bằng phác đồ cao hơn hoặc mắc các bệnh khác.
2. Người nhiễm HIV tham gia BHYT có những quyền lợi gì?
Ngoài các quyền lợi chung, người nhiễm HIV tham gia BHYT khi sử dụng dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS được chi trả gồm:
Thuốc ARV, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi chi trả của Quỹ BHYT.
Xét nghiệm HIV đối với phụ nữ mang thai và sinh con theo yêu cầu chuyên môn trong KCB nếu không được các nguồn kinh phí khác chi trả.
Kỹ thuật đình chỉ thai nghén ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV;
Khám bệnh, xét nghiệm HIV, thuốc ARV và các dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) HIV/AIDS khác đối với trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV;
Xét nghiệm HIV theo nhu cầu chuyên môn trong KCB (trừ chi phí xét nghiệm HIV đối với người hiến bộ phận cơ thể, người cho tinh trùng, noãn);
Xét nghiệm HIV, điều trị bằng thuốc kháng HIV đối với người phơi nhiễm với HIV, người nhiễm HIV do tai nạn rủi ro (trừ các trường hợp tai nạn rủi ro nghề nghiệp đã được ngân sách nhà nước chi trả);
Điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội.
3. Người nhiễm HIV đăng ký KCB ban đầu tại đâu?
Theo quy định, người dân có thể đăng ký KCB ban đầu tại trạm y tế xã, trạm y tế quân dân y hay trung tâm y tế huyện có KCB, phòng khám đa khoa khu vực, các bệnh viện đa khoa tuyến huyện,... Tuy nhiên, người nhiễm HIV nên đăng ký KCB ban đầu tại các bệnh viện có khám và điều trị HIV/AIDS (có điều trị ARV) sẽ thuận lợi hơn vì không phải chuyển tuyến.
Trường hợp người nhiễm HIV có nhu cầu, được đăng ký KCB ban đầu tại bệnh viện đa khoa tỉnh.
Người tham gia BHYT được thay đổi nơi KCB ban đầu vào đầu mỗi quí.
4. Người nhiễm HIV đang tham gia BHYT cá nhân, bây giờ có nhất thiết phải tham gia BHYT theo hộ gia đình?
Mọi người đều cần tham gia BHYT để giúp giảm gánh nặng tài chính khi không may bị ốm đau, bệnh tật, tai nạn,... phải điều trị. Tham gia BHYT hộ gia đình được hưởng chính sách giảm trừ mức đóng góp.
Với người nhiễm HIV, nếu đã và đang tham gia BHYT vẫn tiếp tục được tham gia mà không nhất thiết phải tham gia BHYT theo hộ gia đình.
5. Thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu của tôi tại trạm y tế xã, phường nhưng tôi muốn điều trị ARV tại bệnh viện đa khoa tỉnh. Vậy tôi có được điều trị tại đó không?
Được. Vì điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV là một trong những trường hợp được sử dụng giấy chuyển tuyến có giá trị trong một năm dương lịch. Do vậy, nếu bạn muốn điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh thì mỗi năm có một giấy chuyển tuyến đến các cơ sở điều trị tuyến trên một lần.
6. Người nhiễm HIV có thể đăng ký KCB ban đầu tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS nơi họ đang điều trị ARV hay không?
Có, nếu nơi điều trị HIV/AIDS có hợp đồng KCB với BHYT.
Hãy hỏi nơi bạn đang điều trị HIV/AIDS để biết nơi đó có phải là nơi đăng ký KCB ban đầu hay không.
7. Khi tham gia BHYT, tôi còn được sử dụng ARV miễn phí nữa hay không?
Bạn sẽ tiếp tục được sử dụng ARV miễn phí nếu đó là thuốc do các tổ chức quốc tế tài trợ miễn phí. Tuy nhiên, thời gian tới không còn nguồn tài trợ nên Quỹ BHYT sẽ chi trả thuốc ARV cho bạn. Nếu bạn không tham gia BHYT, bạn sẽ phải trả tiền thuốc ARV và các chi phí điều trị HIV/AIDS. Do vậy, hãy tham gia BHYT để được điều trị ARV liên tục suốt đời.
8. Người nhiễm HIV có phải tuân thủ chuyển tuyến để điều trị ARV theo quy định của BHYT không?
Về nguyên tắc, việc chuyển tuyến với tất cả mọi người tham gia BHYT đều tuân theo quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên, điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV là một trong những trường hợp được sử dụng giấy chuyển tuyến có giá trị trong năm dương lịch.
Do vậy, nếu chuyển tuyến điều trị ARV thì mỗi năm dương lịch, bạn chỉ cần giấy chuyển tuyến một lần.
9. Nguồn thuốc ARV của BHYT và thuốc viện trợ có giống nhau không?
Thuốc ARV dù nguồn viện trợ hay do BHYT chi trả cũng chung một nguồn do Bộ Y tế mua tập trung. Do vậy, thuốc sẽ giống nhau.
10. Khi tham gia và KCB bằng BHYT, mọi thông tin của tôi có được bảo mật không?
Bảo mật thông tin cá nhân người bệnh nói chung và người nhiễm HIV nói riêng được quy định bởi Luật Phòng, chống HIV/AIDS, Luật KCB và các quy định pháp luật khác.
Chỉ có người nhiễm HIV và thầy thuốc mới biết được tình trạng nhiễm HIV, do vậy không ảnh hưởng đến việc lộ thông tin cá nhân hay tình trạng nhiễm HIV của một bệnh nhân.
Hiện nay, nhiều trường hợp người nhiễm HIV có thẻ BHYT mắc bệnh nhiễm trùng cơ hội hoặc có bệnh khác kèm theo đã và đang được KCB và được Quỹ BHYT chi trả theo quy định.
Do đó, bạn không nên lo lắng về việc KCB BHYT sẽ làm lộ bí mật của người nhiễm HIV.
11. Hiện tại tôi đang điều trị ARV miễn phí, vậy tại sao tôi phải tham gia BHYT? Tôi có phải công khai danh tính khi tham gia không?
BHYT là cần thiết cho mọi người để phòng rủi ro khi ốm đau phải KCB chứ không phải chỉ để điều trị bằng thuốc ARV cho người nhiễm HIV.
Hiện tại, bạn đang điều trị ARV miễn phí là do các tổ chức quốc tế tài trợ nhưng thời gian tới, nguồn thuốc này sẽ hết và Quỹ BHYT sẽ chi trả tiền thuốc cho người nhiễm HIV tham gia BHYT.
Nếu không tham gia BHYT, bạn sẽ phải chi trả toàn bộ chi phí điều trị HIV/AIDS, bao gồm cả thuốc ARV khi thời gian tới hết thuốc viện trợ và chi phí điều trị các bệnh khác.
Khi tham gia BHYT, bạn không nhất thiết phải công khai bị nhiễm HIV với cơ quan BHYT.
12. Nếu tôi không tham gia BHYT thì mỗi năm tôi phải chi trả bao nhiêu tiền mua thuốc ARV và các xét nghiệm liên quan?
Số tiền này là khác nhau theo các phác đồ điều trị khác nhau. Ước tính mỗi năm, một người phải trả hàng chục triệu đồng để mua thuốc ARV và các chi phí xét nghiệm, điều trị nhiễm trùng cơ hội nếu không có BHYT. Chưa kể bạn mắc các bệnh như những người khác hoặc phải điều trị bằng các phác đồ thuốc ARV đắt tiền hơn.
13. Tôi bị nhiễm HIV nhưng lại là lao động ngoài tỉnh, muốn tham gia BHYT có được không?
Trường hợp của bạn có thể lựa chọn:
Bạn đăng ký tạm trú tại cơ quan công an nơi đăng ký tạm trú để lao động và có thể tham gia BHYT bình thường.
Bạn tham gia BHYT tại quê nhà nơi có hộ khẩu thường trú và vẫn được KCB tại nơi tương đương với tuyến của nơi ghi trên thẻ BHYT của bạn hoặc cơ sở y tế khác nếu không có cơ sở tương đương.
Bệnh nhân nhiễm HIV tham gia mua BHYT cá nhân liên hệ số điện thoại (0272)3 839 769; (0272)3 525 540 hoặc BHYT huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Phạm Công Kiệt(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Long An)