Tiếng Việt | English

17/11/2023 - 09:34

Thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp bền vững (Bài cuối)

Được mệnh danh là “bệ đỡ”, ngành Nông nghiệp từng bước khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế. Bên cạnh những nông dân với cách làm hay, hiệu quả, góp phần đưa sản phẩm nông nghiệp đến với người tiêu dùng, thì có sự đồng hành của doanh nghiệp, doanh nhân. Thế nhưng, hiện nay, việc đầu tư của các doanh nghiệp, doanh nhân vào lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều hạn chế.

Bài cuối: Cần có cơ chế, chính sách “khơi thông”

Để giải quyết căn cơ “bài toán” thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp (NN), các cấp, các ngành cần có sự phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện nhằm gỡ “nút thắt”, nhất là về cơ chế, chính sách,... tạo được niềm tin, sự an tâm khi đầu tư, hướng đến NN xanh, hiện đại và bền vững.

Cả nước hiện chỉ có trên 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp (Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Tân An đóng gói sản phẩm)

Tháo gỡ vướng mắc, khó khăn

Việc tham gia của DN vào NN có vai trò vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, trong “bài toán” chung để đầu tư cho NN bền vững, cần tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, khơi thông “điểm nghẽn”, có thêm những cơ chế, chính sách đột phá trong chủ trương cũng như triển khai thực tế.

Theo doanh nhân Võ Quan Huy (Công ty (Cty) TNHH Huy Long An - Mỹ Bình, huyện Đức Huệ), xây dựng chính sách phát triển NN trong trồng trọt cần quan tâm đến lợi ích của nông dân sản xuất nhỏ, lẻ. Đối với thủy sản, Nhà nước cần hỗ trợ những người tham gia lĩnh vực này để họ có thể sống được với nghề, cho ra những sản phẩm tốt, góp phần phát triển ngành NN theo hướng bền vững.

Doanh nhân Trương Thị Lệ Khanh (Cty Cổ phần Thủy sản Vĩnh Hoàn) cho rằng, để xây dựng một nền NN xanh và bền vững cần tập trung về chính sách thu hút đầu tư các DN có năng lực về công nghệ chế biến và có năng lực phát triển thị trường; đầu tư kết cấu hạ tầng để phát triển kinh tế nông thôn, các vùng nguyên liệu tập trung. Về đào tạo, đưa vào các chương trình giáo dục về xây dựng nền NN xanh, bền vững; đào tạo các đội ngũ tham gia vào lĩnh vực NN, có chương trình khuyến khích các lực lượng lao động có trình độ cao vào NN; đào tạo về ứng dụng các tiến độ khoa học - công nghệ đến từng hộ nông dân; đào tạo hội nhập.

Đẩy mạnh các chương trình phát triển NN xanh thông qua việc áp dụng công nghệ trồng trọt và chế biến theo hướng tối ưu hóa năng suất và chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm. Tăng cường tuyên truyền đến từng hộ sản xuất nhỏ, lẻ về NN xanh, tuyên truyền, kết nối đến người tiêu dùng về sản phẩm NN xanh; đồng thời, chọn lựa nhà đầu tư có quan điểm phát triển bền vững, có năng lực thực hiện dự án đúng cam kết.

Tổng Giám đốc Cty TNHH San Hà - Phạm Thị Ngọc Hà đề xuất, để tạo điều kiện cho trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch,... phát triển mạnh mẽ hơn, các cơ quan chức năng cần giúp DN thực hiện nhanh mọi thủ tục cùng với việc cải cách thủ tục hành chính đơn giản hơn. Giống đóng vai trò rất quan trọng trong sản xuất, trong đó có giống vật nuôi; tuy nhiên, để giúp DN rút ngắn thời gian, bộ, ngành quản lý về NN cần đi trước một bước để hướng dẫn DN không bị mất thời gian thử nghiệm trên thực tế trước khi có sự lựa chọn.

Chính quyền nên giúp những DN chân chính trong việc giới thiệu, quảng bá đến người tiêu dùng, như thế sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với DN tự quảng cáo. DN kiến nghị Chính phủ quan tâm tạo cơ chế thúc đẩy cho DN đầu tư vào NN giá đất, thuế. Các ngân hàng thông cảm với khó khăn và thực sự đồng hành cùng DN NN; có chính sách ưu đãi đặc biệt cho NN xanh vì hiện nay lãi suất còn khá cao so với lợi nhuận nên DN không thể vay vốn đầu tư vào NN. Các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác hỗ trợ, đồng hành cùng DN để kinh tế phát triển.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM - Đinh Minh Hiệp, Chương trình hợp tác phát triển KT-XH giữa TP.HCM với các tỉnh, thành phố Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2025 đang mở ra cơ hội thu hút dự án từ các nhà đầu tư TP.HCM trên nhiều lĩnh vực như đầu tư, xúc tiến đầu tư và thương mại, NN ứng dụng công nghệ cao, văn hóa - du lịch, y tế, giáo dục,... Qua đó, phát huy tiềm năng, lợi thế của các bên, góp phần thúc đẩy KT-XH giữa TP.HCM và các tỉnh, thành phố Vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và thúc đẩy hợp tác đầu tư, tiêu thụ sản phẩm NN nói riêng.

“Lãnh đạo các tỉnh, thành phố Vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần tập trung xây dựng cơ chế trao đổi thông tin, cập nhật tiến độ chương trình hợp tác, nghiên cứu xây dựng trang web cập nhật nội dung hợp tác vùng và nội dung hợp tác song phương với từng địa phương để cùng thúc đẩy đầu tư phát triển, thiết lập hệ thống trao đổi thông tin hai chiều về lĩnh vực NN qua truyền thông đa phương tiện (trao đổi giữa nông dân, DN và cơ quan quản lý), thông tin về thị trường, đưa ra dự báo về cung, cầu và mở rộng quy mô thị trường.

Cơ chế thúc đẩy hợp tác đầu tư hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ nông sản, đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung - cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của các địa phương tại thị trường trong nước và quốc tế, phát triển mạnh thương mại điện tử và áp dụng truy xuất nguồn gốc trong kinh doanh tiêu thụ nông sản. Đẩy mạnh cơ chế thu hút các nhà đầu tư sản xuất, sơ chế, chế biến nông sản và các trung tâm đầu mối về NN gắn với vùng chuyên canh, tăng cường kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại các trung tâm logistics, các chợ đầu mối nông sản tại TP.HCM.

Có cơ chế đẩy mạnh hợp tác xúc tiến thương mại mở rộng thị trường gắn với phát triển hệ thống trung tâm logistics NN cấp vùng; kết nối giữa trung tâm logistics NN cấp vùng đặt tại TP.HCM với hệ thống trung tâm logistics tại các vùng sản xuất, các trung tâm logistics NN cấp vùng tại các tỉnh, thành phố Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các trung tâm logistics NN xuất khẩu” - ông Đinh Minh Hiệp kiến nghị.

Cần có thêm những cơ chế, chính sách mở đường

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út, Long An đang tăng cường triển khai các chính sách về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong tiêu thụ sản phẩm NN; khuyến khích DN đầu tư vào NN, nông thôn tiếp tục được thực hiện là cơ hội lớn để kêu gọi các DN tham gia ngày càng nhiều vào sản xuất, kinh doanh NN theo hướng phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản.

Đồng thời, trên cơ sở định hướng phát triển công nghiệp Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chiến lược phát triển cơ giới hóa NN và chế biến nông, lâm, thủy sản đến năm 2030 của Chính phủ, tỉnh tiếp tục nghiên cứu và xây dựng định hướng phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để tích hợp trong Quy hoạch tỉnh; xác định những dự án mang tính động lực để thu hút nguồn lực đầu tư từ các DN trong và ngoài nước.

Doanh nghiệp cần được hỗ trợ nguồn lực, cắt giảm các thủ tục, rào cản,... để đầu tư vào nông nghiệp

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre - Nguyễn Trúc Sơn, tỉnh Bến Tre có lợi thế chính là kinh tế thủy sản và kinh tế dừa. Tỉnh có diện tích trồng dừa lớn nhất nước với trên 70.000ha; tôm và các loại cá, nghêu cũng là thế mạnh và có nhiều DN lớn tham gia hoạt động chế biến. Tuy nhiên, tỉnh có một vấn đề là nuôi tôm nhiều nhưng chưa có nhà máy chế biến, mới chỉ cung cấp nguyên liệu cho các tỉnh có nhà máy chế biến tôm. Hiện tỉnh có đề án 4.000ha nuôi tôm công nghệ cao và mong muốn, kêu gọi DN đầu tư nhà máy chế biến tại địa phương. Bến Tre sẵn sàng hỗ trợ, chăm sóc và tạo điều kiện cho DN phát triển, mở rộng hơn nữa trong kinh doanh. Bên cạnh đó, tỉnh kiến nghị trong Luật Đất đai (sửa đổi) sắp tới cần có cơ chế khuyến khích để nông dân tham gia vào mối liên kết với DN về đất đai.

Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Nông nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - Đoàn Đạt thông tin: Về dự thảo Nghị định (NĐ) thay thế NĐ số 57 triển khai nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tích cực phối hợp các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng DN hoàn thiện dự thảo NĐ thay thế, dự thảo đã được thông qua các thành viên Chính phủ từ năm 2022 nhưng để phù hợp với tình hình mới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo và bổ sung thêm một số nội dung.

Thứ nhất là khắc phục những khó khăn, những điểm còn chưa phù hợp trong quá trình triển khai NĐ số 57. Kế thừa cơ chế, chính sách hỗ trợ sau đầu tư của NĐ số 57, quy trình, thủ tục trong dự thảo sẽ rõ ràng, minh bạch, khả thi để DN dễ dàng tiếp cận và Nhà nước cũng thuận lợi trong triển khai chính sách hỗ trợ DN.

Thứ hai, kịp thời đáp ứng những vấn đề mới nảy sinh, các yếu tố tác động lớn đến sản xuất, kinh doanh của DN đầu tư vào NN, nông thôn như kịp thời đón nhận cơ hội đầu tư từ các Hiệp định thương mại tự do; phù hợp với xu hướng thay đổi của thị trường nông sản trong nước và quốc tế theo hướng xanh, an toàn và hiệu quả.

Thứ ba, bảo đảm phù hợp với thực tiễn và đồng bộ với các luật, đặc biệt là các luật mới được ban hành: Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Đầu tư năm 2020, Luật DN năm 2020. Đồng thời, chính sách hỗ trợ DN cần đơn giản, điều kiện dễ thực hiện và linh hoạt để bảo đảm khả thi, đi vào cuộc sống. Ưu tiên hỗ trợ các dự án ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn; dự án xanh, sạch, thân thiện môi trường.

Trong quá trình thu hút đầu tư vào NN, thiết nghĩ cần khơi thông các “điểm nghẽn”, thể chế, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ các rào cản và hỗ trợ nguồn lực cho DN nhằm thu hút, khuyến khích, thúc đẩy DN đầu tư vào NN, nông thôn theo hướng hiệu quả, an toàn, bền vững, đúng các định hướng của Đảng và Nhà nước./.

Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết