Bài 1: Doanh nghiệp - “cầu nối” hướng đến nền nông nghiệp hiện đại
Doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp (NN) không chỉ tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, tăng kim ngạch xuất khẩu mà còn góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền NN, hướng đến nâng cao chuỗi giá trị gia tăng, phát triển bền vững.
Nông nghiệp đóng góp khoảng 12,5% vào GDP của cả nước
Nông nghiệp đóng vai trò chủ lực
Từ lâu, NN được xem là ngành “xương sống” của nền kinh tế Việt Nam với nhiều lợi thế cạnh tranh về diện tích đất canh tác, độ phủ của rừng, các vùng chuyên canh, lực lượng lao động dồi dào,... đóng góp khoảng 12,5% vào GDP của đất nước.
Theo Giám đốc toàn quốc Trung tâm Thanh toán quốc tế và Tài trợ chuỗi cung ứng, Ngân hàng HSBC Việt Nam - Surajit Rakshi, ngành NN dựa trên cây trồng của Việt Nam đang có bước phát triển nhanh và là đại diện quan trọng trong ngành NN toàn cầu. Liên Hợp Quốc chọn Việt Nam là nước chủ nhà đăng cai Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 của hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững - mạng lưới một hành tinh của Liên Hợp Quốc. Đồng thời, Diễn đàn Kinh tế Thế giới cũng chọn Việt Nam là 1 trong 3 quốc gia đầu tiên thí điểm mô hình Trung tâm Sáng tạo về lương thực (Innovation Food Hub) - một sáng kiến tiêu biểu của Liên minh Hành động vì lương thực (Food Action Alliance) được thiết kế nhằm cải thiện sự bền vững trong sản xuất lương thực. Việt Nam đã ký 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA), thêm 1 FTA vừa kết thúc đàm phán và 3 FTA đang trong vòng đàm phán. Mặt khác, khi triển khai FTA Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), Việt Nam trở thành thị trường cung ứng xoài lớn thứ ba cho Hàn Quốc, đạt 1.700 tấn, tương đương 7,4 triệu USD. Ngoài ra, nhờ FTA EU - Việt Nam (EVFTA), Việt Nam trở thành nguồn cung cấp hạt điều lớn nhất cho EU.
Hiện nay, NN không phải là đơn giá trị mà phải tích hợp đa giá trị và những khái niệm về NN gần đây được mở rộng nhiều như NN tuần hoàn, NN hữu cơ, NN tái sinh, NN điện quang, NN du lịch,...; đồng thời, xem đây là một nền kinh tế mới, một giá trị rộng hơn, sâu hơn trước.
DN cần lợi nhuận nhưng nếu nói đó là mục tiêu nhất thiết đạt được thì không phải mà phải tạo ra sự phát triển cho cộng đồng và đạt được lợi ích, lợi nhuận thông qua đó.
Vì vậy, các địa phương khi quan tâm thu hút “đại bàng” thì cũng đừng quên những con “chim sẻ” (chim sẻ chính là các hợp tác xã, những hộ nông dân, DN nhỏ và vừa); cần nâng cánh “chim sẻ” để tạo hệ sinh thái kinh tế NN tổng thể.
Ngoài ra, các DN phải đi cùng nhau, tìm kiếm thêm nhiều hướng đi, ứng dụng công nghệ để tạo ra các giá trị mới, tạo ra giá trị tuần hoàn trong chuỗi mang lại giá trị cao gấp nhiều lần cho sản phẩm cũng như ngành NN nước nhà”.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Minh Hoan
|
Thời gian qua, ngành NN tỉnh Long An tiếp tục duy trì phát triển, diện tích đất sản xuất khoảng 300.000ha với một số cây trồng, vật nuôi chủ lực như lúa, rau, thanh long, chanh, gia cầm, bò, heo, thủy sản,... Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út, trong quá trình phát triển kinh tế, địa phương luôn xác định NN là “bệ đỡ” của nền kinh tế.
Tỉnh tập trung chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt và đồng bộ các giải pháp nhằm triển khai hiệu quả Chương trình Phát triển NN ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành NN. Từ đó, tạo một bước đột phá trong sản xuất NN của tỉnh, góp phần từng bước chuẩn hóa vùng nguyên liệu, hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản sạch, an toàn đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thị trường.
Do đó, thời gian qua, lĩnh vực NN có sự tăng trưởng vượt bậc, nhiều sản phẩm chủ lực của tỉnh như chuối, chanh, thanh long, gạo,... đã xuất khẩu sang thị trường các nước, trong đó có nhiều thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe như Mỹ, Úc, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc,...
Ngành NN Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí trong nền kinh tế, “bệ đỡ” để nâng bước những ngành khác đổi mới, phát triển. Trong dòng chảy phát triển cũng như cụ thể hóa những mục tiêu, quan điểm, chỉ tiêu đề ra với ngành NN nước nhà trong giai đoạn hiện nay và sắp tới, rất cần sự đồng hành của cộng đồng DN để ngành NN có thể tiếp tục bay cao, vươn xa.
Doanh nghiệp đồng hành đưa nông sản vươn xa
Bên cạnh nông dân là chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển NN thì vai trò của doanh nhân, DN cũng không kém phần quan trọng. Họ chính là người đồng hành, dẫn dắt và thúc đẩy hoạt động kinh tế NN phát triển, tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh, giúp sản phẩm NN tìm được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước.
Trong quá trình 30 năm thành lập và phát triển, Công ty (Cty) Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời luôn gắn bó với nông dân, đầu tư tâm huyết vào NN, nhất là cây lúa, hạt gạo, từng bước khẳng định và nâng tầm nông sản Việt, đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền NN Việt Nam. Sản phẩm của Tập đoàn Lộc Trời không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn khẳng định tên tuổi tại thị trường thế giới.
Nhiều sản phẩm chủ lực của tỉnh như chuối, chanh, thanh long, gạo,... đã xuất khẩu sang thị trường các nước
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Cty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời - Huỳnh Văn Thòn luôn quan tâm đến chất lượng và sự cam kết bền vững. Đặc biệt, Cty không ngừng nghiên cứu, cải tiến sản phẩm để không chỉ đáp ứng nhu cầu sản xuất mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Cty đang cùng nông dân Việt Nam kiến tạo một nền NN quy mô lớn, chất lượng cao và đáng tin cậy; tiên phong xây dựng chuỗi giá trị NN bền vững tại Việt Nam, cùng chung một khát vọng với nông dân Việt Nam; đang từng ngày dốc sức để đưa chuỗi giá trị NN bền vững phát triển lên tầm cao mới.
Doanh nhân Võ Quan Huy (Cty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình, huyện Đức Huệ) dành trọn tâm huyết cho NN và đưa những sản phẩm nông sản của tỉnh Long An nói riêng, nước ta nói chung từng bước thâm nhập, khẳng định chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế. Các sản phẩm nông sản của Cty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình hiện có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có những thị trường khó tính, đòi hỏi các tiêu chuẩn vô cùng khắt khe như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ,...
“Với tôi, mỗi lần trồng cây gì hay nuôi con gì đều là một sự bắt đầu, phải tập trung tối đa để thực hiện. Thành công chỉ là bước đầu, giữ được mới là điều khó” - ông Huy nói.
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Phạm Tấn Công cho rằng: Việc tham gia của doanh nhân, DN có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của ngành NN. Nhìn lại bức tranh đầu tư vào ngành NN những năm gần đây có thể khẳng định ngày càng có nhiều doanh nhân, DN tâm huyết đầu tư vào NN, nông thôn; đồng thời, các DN đang dần trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản. Chính các doanh nhân sẽ là những người mở đường để ngành NN Việt Nam từng bước tiến lên, khẳng định vị thế trên thế giới và từ đây, mang lại hiệu quả sản xuất, gia tăng thu nhập cho nông dân.
Vai trò của doanh nhân, DN trong việc đầu tư, dẫn dắt ngành NN nước nhà đến với thị trường thế giới đã được khẳng định và chứng minh. Tuy nhiên, so với yêu cầu và tiềm năng to lớn của NN Việt Nam hiện nay, dư địa đầu tư vẫn còn rất lớn. Để nền NN Việt Nam bứt phá, phát triển mạnh mẽ, hướng đến hiện đại, xanh, bền vững, đất nước vẫn cần nhiều hơn nữa sự tham gia đầu tư của các doanh nhân, DN./.
Đầu tư vào NN và nông thôn là cách để doanh nhân, DN góp phần thực hiện khát vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc. Đây cũng là sứ mệnh của doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”.
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Phạm Tấn Công
|
(còn tiếp)
Thanh Mỹ