Bài 2: Doanh nghiệp gặp khó khi đầu tư vào nông nghiệp
Ngành Nông nghiệp (NN) có tiềm năng, lợi thế lớn với những sản phẩm, giá trị đã được khẳng định. Tuy nhiên, vấn đề thu hút đầu tư vào NN còn hạn chế, dư địa đầu tư còn rất lớn, nhiều doanh nghiệp (DN) chưa thật sự sẵn sàng nhập cuộc vào việc phát triển cũng như bứt phá mạnh hơn nữa của nền NN.
Doanh nghiệp góp phần tạo ra chuỗi giá trị nông sản lớn, khẳng định thương hiệu, tên tuổi của ngành Nông nghiệp Việt Nam
Chưa tương xứng với tiềm năng
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Phạm Tấn Công cho biết, hiện cả nước có trên 50.000 DN đầu tư vào NN. Con số này còn rất khiêm tốn so với tổng số trên 900.000 DN đang hoạt động ở nước ta. Điều này cho thấy, việc thu hút DN đầu tư vào ngành NN vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế to lớn vốn có và trở thành “bài toán” cần lời giải ở nhiều địa phương, trong đó có Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Nguyễn Văn Út, Vùng Đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm lớn về sản xuất lúa, gạo, trái cây, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản, đóng góp lớn vào xuất khẩu ngành NN của cả nước. NN vùng này liên tục tăng trưởng nhờ khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, trong đó có tỉnh Long An.
Hiện nay, thu hút đầu tư vào lĩnh vực NN có tiến triển, song vẫn thiếu yếu tố bền vững, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của vùng cũng như địa phương. Việc thu hút đầu tư vẫn theo chiều rộng, nhờ tăng diện tích, tăng vụ và các yếu tố đầu vào truyền thống như lao động, vốn, vật tư, nguồn lực tự nhiên,... mô hình tăng trưởng NN như hiện nay mới chỉ tạo ra được khối lượng nhiều nhưng giá trị chưa cao, hiệu quả sử dụng đất và tài nguyên còn thấp.
Bên cạnh đó, NN luôn là lĩnh vực đầu tư nhiều rủi ro khi luôn đối diện thách thức về biến đổi khí hậu, thiên tai khó lường, hạn và xâm nhập mặn luôn là nguy cơ tiềm ẩn; dịch bệnh, giá cả thị trường biến động; sự thay đổi nhu cầu, phương thức tiêu dùng đòi hỏi sự chuyển đổi phù hợp về tổ chức sản xuất, cơ cấu lại kênh phân phối, kết nối cung - cầu;...
Riêng tại tỉnh Long An, với diện tích đất sản xuất NN khoảng 300.000ha. Trong 9 tháng năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 17,16% GRDP của tỉnh. Tỉnh hiện là “ngôi nhà chung” của trên 16.500 DN đăng ký hoạt động, trong đó, lĩnh vực NN có trên 1.300 DN đăng ký hoạt động. Việc thu hút đầu tư vào NN tại Long An dù có chuyển biến nhưng vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển hiện nay.
Còn nhiều “điểm nghẽn”
Việc thu hút DN đầu tư vào NN vẫn còn những “điểm nghẽn” nhất định trong cơ chế, chính sách. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho việc thu hút DN đầu tư vào NN còn khó khăn, chưa tạo được sự an tâm để DN đồng hành, tham gia.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty (Cty) Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời - Huỳnh Văn Thòn chia sẻ: Thiếu thông tin minh bạch về chất lượng an toàn của sản phẩm, cụ thể là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật dẫn đến sản phẩm không đạt tiêu chuẩn vào thị trường khó tính. Đây là một vấn đề thực tế, nếu không được giải quyết thì DN Việt Nam sẽ bị thiệt thòi rất lớn, ví dụ như sản phẩm giá bán thấp, danh tiếng không được tốt.
Một rào cản lớn khác chính là chủ nghĩa bảo hộ, cụ thể là chính sách thuế bảo hộ của các quốc gia giàu đối với nông sản của các nước có nền NN còn hạn chế. Nếu các nước lớn không sử dụng quyền thương lượng quá lớn đối với các quốc gia nhỏ thì Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu nông sản tốt hơn trước, nhất là xuất khẩu gạo và bỏ được bảo hộ thì Việt Nam sẽ là nước sản xuất gạo phát triển.
Doanh nghiệp “chắp cánh” cho nhiều nông sản vươn cao, bay xa (Trong ảnh: Chuối của Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình đã vươn ra thế giới, tạo được chỗ đứng tại nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc,...)
Doanh nhân Võ Quan Huy (Cty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình, huyện Đức Huệ) cho rằng, thời gian qua, ngành NN ghi nhận là “bệ đỡ” của nền kinh tế khi hàng hóa củng cố niềm tin với bạn bè quốc tế và người tiêu dùng trong nước. Nhiều sản phẩm NN Việt Nam nằm trong tốp 10 của thế giới như tiêu, cà phê, cao su, chế biến gỗ gia dụng,...
Tuy nhiên, nhiều DN, ngành hàng, nông dân còn gặp khó khăn trong vấn đề sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Ví dụ như lĩnh vực trồng trọt hiện nay có nhiều mô hình khá thành công nhưng giá cả vật tư đầu vào tăng cao, thậm chí rất cao nhưng đầu ra không ổn định đã đẩy một số DN nhỏ, nông dân vào thế khó, bế tắc, không có người dẫn dắt, định hướng sản xuất phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Theo Tổng Giám đốc Cty TNHH San Hà - Phạm Thị Ngọc Hà, để sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi, Cty phải vượt qua nhiều khó khăn như khảo sát, tìm kiếm mặt bằng phù hợp, hội đủ điều kiện cho cây trồng, vật nuôi có thể phát triển được. Tiếp theo là thực hiện thương lượng, đền bù hoa màu, công trình trên đất,... để chuyển quyền sử dụng đất.
Tiếp đó là thủ tục đầu tư, xây dựng,... qua nhiều cơ quan và tốn thời gian, công sức. Việc xin phép xây dựng các công trình phục vụ trồng trọt, chăn nuôi công nghệ cao trên đất NN hiện nay khá vất vả. Tuy nhiên, muốn trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao bắt buộc phải đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà kính, chuồng trại hiện đại, kể cả nơi ở cho người chăm sóc.
Thực tế hiện nay là nhà đầu tư cho sản xuất sản phẩm sạch, công sức và chi phí cao hơn bình thường nhưng kết quả là sản phẩm có mẫu mã không bắt mắt dẫn đến khó tiêu thụ. Ngược lại, người tiêu dùng muốn mua sản phẩm sạch, an toàn nhưng không biết mua ở đâu. Bên cạnh đó, nếu đầu tư lĩnh vực NN mà phải tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thì rất khó thu hút DN tham gia vì đầu tư vào NN nhiều rủi ro, lợi nhuận thấp nhưng chi phí đất cao. Vấn đề về vốn cho NN xanh cũng là một thách thức không nhỏ,...
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Nông nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - Đoàn Đạt, 15 năm qua, kể từ khi Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008 của Bộ Chính trị được ban hành, sự phát triển các DN trong NN vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển NN trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Một trong những nguyên nhân là môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự thuận lợi, các chính sách hỗ trợ DN trong NN còn thiếu đồng bộ, chưa tạo động lực đủ mạnh để thu hút DN. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57-2018/NĐ-CP (NĐ số 57), ngày 17/4/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào NN, nông thôn. Tuy nhiên, quá trình tổ chức triển khai, thực hiện NĐ số 57 giai đoạn vừa qua gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Trong đó, giai đoạn 2016-2020, ngân sách nhà nước còn hạn chế, các địa phương chủ yếu tập trung nguồn vốn bố trí cho kết cấu hạ tầng, còn ít nguồn vốn bố trí để thực hiện NĐ số 57. Đây được xem là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến NĐ số 57 triển khai chưa đạt mục tiêu đề ra.
Một số quy định tại NĐ số 57 còn chưa rõ hoặc chưa đồng bộ với các luật hiện hành như quy định miễn, giảm tiền sử dụng đất trùng lặp với ưu đãi theo quy định tại pháp luật đất đai; trình tự thực hiện quyết định chủ trương đầu tư của dự án còn có những cách hiểu khác nhau giữa quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư và NĐ số 57;...
Mặt khác, NN, kinh tế nông thôn hiện nay phát sinh một số yếu tố và yêu cầu mới, cần thiết sửa đổi, bổ sung chính sách đáp ứng bối cảnh mới cho phù hợp như các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới vừa được ký kết và bắt đầu có hiệu lực. Việc loại bỏ thuế suất với các mặt hàng nông sản chế biến sẽ khuyến khích công nghiệp thực phẩm đầu tư sản xuất các mặt hàng cho thị trường này, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu nông sản theo hướng gia tăng tỷ trọng các sản phẩm chế biến.
Các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được ký kết vừa tạo sân chơi mới, cơ hội mới, vừa tạo thách thức mới cho nông sản Việt Nam, nhất là nông sản hữu cơ và nông sản sạch,... Do vậy, cần thiết có chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của DN NN, bảo đảm có thể chủ động, đủ khả năng hòa nhập khi các Hiệp định thương mại tự do được thực thi đầy đủ.
Chính sách khuyến khích DN đầu tư vào NN, nông thôn là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Để tiếp tục thu hút, hỗ trợ mạnh hơn cho DN, ngoài việc tích cực triển khai NĐ của Chính phủ, đòi hỏi các bộ, ngành và địa phương trong tổ chức, triển khai chính sách hỗ trợ DN cần nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của DN, xác định thu hút được một DN NN “khởi nghiệp” chắc chắn sẽ tạo thêm sản phẩm cho NN, tạo thêm động lực cạnh tranh trong phát triển NN hướng tới các sản phẩm nông, lâm, thủy sản có chất lượng cao hơn. Từ đó, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước trong điều hành tổ chức sản xuất NN, đặc biệt là đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho DN tiếp cận được với các hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước./.
(còn tiếp)
Thanh Mỹ