Học sinh học trực tuyến để phòng dịch COVID-19. (Ảnh: TTXVN)
“Phải làm thế nào để mỗi giáo viên, học sinh, phụ huynh hiểu rõ về dạy học trực tuyến, sẵn sàng áp dụng phương thức này và từ động lực trở thành nhu cầu tự thân, nhu cầu thường xuyên với việc học trực tuyến.” Đây là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ trong buổi kiểm tra công tác dạy và học trực tuyến tại tỉnh Thái Nguyên mới đây.
Biến giải pháp tình thế thành lâu dài
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho hay dạy học trực tuyến áp dụng ở Việt Nam, xuất phát là giải pháp tình thế nhưng với những ưu điểm vượt trội đã được nghiên cứu, đánh giá, Bộ Giáo dục và Đào tạo tính toán để biến thành giải pháp lâu dài, vừa bổ trợ dạy học trực tiếp, trong trường hợp cụ thể thì có thể thay thế trực tiếp.
Cũng theo Thứ trưởng Độ, để triển khai hiệu quả việc dạy và học online cần ưu tiên đầu tiên là xây dựng tâm thế sẵn sàng, tạo động lực cho từng cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh. “Phải làm thế nào để mỗi giáo viên, học sinh, phụ huynh hiểu rõ về dạy học trực tuyến, sẵn sàng áp dụng phương thức này và từ động lực trở thành nhu cầu tự thân, nhu cầu thường xuyên với việc học trực tuyến”, Thứ trưởng nói. Để làm được điều đó, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng cách tốt nhất là khẳng định được hiệu quả thực tế của dạy học trực tuyến.
Từng giáo viên, từng nhà trường, địa phương theo đó phải đặc biệt quan tâm kiểm soát chất lượng học tập của học sinh khi áp dụng phương thức này và có giải pháp hỗ trợ hợp lý, kịp thời tới đối tượng gặp khó khăn. Cán bộ, giáo viên phải được tập huấn kỹ lưỡng về phương pháp, kỹ năng, kỹ thuật dạy học trực tuyến, xây dựng bài giảng trực tuyến.
Học sinh, phụ huynh cũng cần được hướng dẫn kỹ năng và các quy định cần thực hiện để việc dạy học online đạt hiệu quả cao.
“Trong các văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo về dạy học trực tuyến khi học sinh phải nghỉ đến trường năm 2020, đã hướng dẫn rõ những vấn đề này,” Thứ trưởng Độ cho hay.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, để thực hiện mục tiêu đưa giáo dục online trở thành giải pháp lâu dài, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các đơn vị liên quan xây dựng kho học liệu bài giảng online để sử dụng thường xuyên, lâu dài cho các đối tượng học sinh.
Theo đó, Bộ đang xây dựng, bổ sung hệ thống bài giảng điện tử cho các lớp học, cấp học, để hỗ trợ nhà trường, giáo viên, học sinh sử dụng lâu dài. Ví dụ riêng với lớp 1, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với đài truyền hình quốc gia hoàn thiện 36 chủ đề về học âm, học vần, chữ cái, bao trọn nội dung kiến thức theo yêu cầu của chương trình Tiếng Việt lớp 1, áp dụng được cho tất cả các cuốn sách giáo khoa. Dự kiến giữa tháng Ba, các chủ đề này sẽ được phát sóng và cập nhật trên nhiều nền tảng số, để học sinh có ôn tập mọi lúc, mọi nơi, lâu dài, tránh “tái mù” kiến thức.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ dự lớp học trực tuyến của học sinh trường Trung học cơ sở Chu Văn An, thành phố Thái Nguyên. (Ảnh: PV)
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho rằng song song với kho học liệu dùng chung cho cả nước của bộ, nếu mỗi địa phương tiếp tục có hệ thống bài giảng điện tử riêng sẽ làm giàu thêm nguồn học liệu học sinh có thể tiếp cận và lựa chọn để phù hợp với năng lực, nhu cầu của bản thân, từ đó nâng cao hiệu quả giáo dục tới từng em.
Bên cạnh xây dựng kho học liệu, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang hoàn tất việc xây dựng và sớm ban hành thông tư về dạy học trực tuyến nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động này.
Phấn đấu 20% học sinh học trực tuyến
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho hay chủ trương đưa giáo dục trực tuyến thành giải pháp lâu dài, hỗ trợ cho giáo dục trực tiếp của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tạo hành lang pháp lý để các địa phương như Thái Nguyên thuận lợi trong thực hiện đề án về chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo.
Chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên Phạm Đức Việt cho biết trong nghị quyết Tỉnh uỷ về chuyển đổi số, ngành giáo dục đã xây dựng kế hoạch và đặt mục tiêu phấn đấu tối thiểu 20% học sinh được học trực tuyến bài bản, thường xuyên, trong điều kiện bình thường, với hình thức, mức độ phù hợp từng đối tượng. Mục tiêu cuối cùng của kế hoạch này là giúp học sinh, giáo viên được thụ hưởng những ưu điểm, lợi ích tốt nhất từ phương thức này và nâng cao hiệu quả, chất lượng giáo dục.
Trong thời gian học sinh tạm dừng đến trường để phòng chống dịch COVID-19 vừa qua, tính trên phạm vi toàn tỉnh, có 348 trường trong số tổng 447 cơ sở giáo dục từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên của Thái Nguyên đã dạy bài mới theo thời khoá biểu như học trực tiếp bằng hình thức trực tuyến. 99 cơ sở còn lại tổ chức học online cho học sinh với hình thức giao việc: in và gửi tài liệu để học sinh hoàn thiện. Tỷ lệ học sinh tham gia học trực tuyến của toàn tỉnh đạt 82,21%.
Tỷ lệ này khác nhau tùy từng vùng. Tại huyện Võ Nhai, một trong những địa bàn khó khăn nhất của tỉnh Thái Nguyên với 8 dân tộc anh em sinh sống, 41% học sinh khối tiểu học và 76% học sinh trung học có đủ điều kiện học online, đã được các nhà trường tổ chức dạy trực tuyến theo nhiều hình thức. Số học sinh còn lại, chủ yếu là con em dân tộc thiểu số, không tiếp cận được phương tiện học online, giáo viên tiến hành giao bài và hỗ trợ các học trò.
"Thái Nguyên đã xây dựng cơ chế hỗ trợ hạ tầng công nghệ thông tin đến từng địa bàn khó khăn nhất, nhằm hiện thực hoá mục tiêu chuyển đổi số, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo," Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên Phạm Đức Việt nói./.
Theo TTXVN