Minh họa: Internet
Nhiều tác phẩm văn chương của cố nhà văn Sơn Nam đã được dựng thành phim và ra mắt công chúng. Bắt sấu rừng U Minh Hạ là một trong những truyện ngắn đặc sắc của nhà văn, tái hiện thời khẩn hoang với biết bao gian nguy, thử thách làm nên những con người gan góc và nghĩa khí.
Nơi đây, thời thuộc Pháp, như bị cô lập hẳn với nền văn minh bên ngoài, thậm chí dân bên trong còn chưa biết đủ tiếng mẹ đẻ để diễn đạt lời ăn tiếng nói, nhưng đã sản sinh cho quê hương một nhà văn Sơn Nam, một nhà thơ kiêm soạn giả Kiên Giang và một nhà “tiếu lâm” bác Ba Phi,...Từ Cà Mau, đi tắc ráng qua Trèm Trẹm, qua Cái Tàu sang Sông Đốc..., giữa bạt ngàn sinh thái hun hút rừng ngập nước..., ngào ngạt hương mật ong dẫn lối vào U Minh Hạ mà ngày nay là vườn quốc gia với 1/3 diện tích thuộc vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới mũi Cà Mau.
Trong Chân Lạp phong thổ ký của Châu Đạt Quan - một sứ thần nhà Nguyên (Trung Quốc), viết rất sớm về vùng này: “Dưới tán cổ thụ um tùm, cây mây dài rậm rạp... và những chỗ hoang vu không một gốc cây. Xa nữa, tầm mắt chỉ thấy toàn cỏ cây đầy rẫy. Hàng trăm, hàng nghìn con trâu rừng tụ tập từng bầy. Tiếp đó, nhiều con đường dốc đầy tre chạy dài hàng trăm dặm... Với môi trường ấy là sinh cảnh “dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um” và ông cha ta đã “Tới đây xứ sở lạ lùng/ Chim kêu cũng sợ, cá vùng cũng kinh” mà vẫn phải “phá sơn lâm, đâm hà bá” trong điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên, để tạo lập cho chúng ta ngày nay một miền đất đai trù phú, đong đầy lúa gạo, cây trái và cá tôm mùa nào cũng có”.
Sau đây, hãy đến với xóm Cái Tàu (thời khẩn hoang) để biết người ta bắt cá sấu như thế nào qua Ông già Nam bộ Năm Hên trong tác phẩm văn học của cố nhà văn Sơn Nam.
U Minh Hạ thuở ấy đầy rẫy cá sấu, chúng săn cả mồi người để ăn thịt. “... Dân làng (Cái Tàu) xúm nhau lên rừng để nhìn tận nơi. Cái ao lớn ước chừng một công đất, bên bờ, dưới nước toàn là lau sậy, dây cóc kèn. Sấu nổi lên, chen vào bức tranh màu xám ấy những vệt đen chi chít, con thì nằm dài như chiếc xuồng lường, con thì dùng hai chân trước mà vạch sậy, ngóng mỏ xéo lên trời như họng súng thần công, đại bác khiến ai nấy hãi hùng. Chợt có ông Năm Hên xuất hiện. Ông là một thợ câu sấu nổi tiếng và đã đi khắp chốn Nam bộ để săn bắt sấu.
Hễ nghe nơi nào có nhiều cá sấu là ông tới, dù ông không lấy việc bắt sấu làm kế sinh nhai, mà bắt sấu là để trả thù cho người anh của ông bị sấu ăn thịt, kế đến là bắt sấu để trừ họa cho dân làng. Bởi thế hệ ông là thế hệ những người đến sau, nên ông hiểu được vùng đất mà ông đang sinh sống, cũng chính là vùng đất của bao thế hệ tiền nhân đã phải đánh đổi bằng máu và nước mắt mới có được. Câu hát mà ông thường hát đi hát lại không chỉ đơn thuần là câu hát cửa miệng, hát cho vui, mà nó chất chứa bao nỗi lòng của ông trong đó. Ông xem đó như là một sự tri ân của mình đối với các bậc tiền bối. Ông bắt sấu không chỉ để trừ họa cho dân làng mà còn để tạo lập cuộc sống bình an cho thế hệ mai sau, như chính các bậc tiền nhân đã hy sinh cho thế hệ ông vậy”.
Hồn ở đâu đây?/ Hồn ơi! Hồn hỡi!/ Xa cây xa cối/ Xa cội xa nhành/ Đầu bãi cuối gành/ Hùm tha, hùm bắt/ Bởi vì thắt ngặt/ Manh áo chén cơm/ U Minh đỏ ngòm/ Rừng tràm xanh biếc!/ Ta thương ta tiếc/ Lập đàn giải oan… (trích truyện ngắn đã dẫn).
Về phần này, nhà văn Nam bộ Trần Phỏng Diểu có nhận xét: Câu hát đơn sơ, giản dị mà chan chứa biết bao tình. Chỉ mấy câu ngắn ngủi mà Sơn Nam khái quát lên được hình tượng của những người mở đất năm xưa. Vì cuộc sống, họ phải lưu lạc vào tận phương Nam, đối đầu với bao nhiêu hiểm nguy, trắc trở và đã có không ít người hy sinh. Chính sự hy sinh cao cả đó mà con cháu lớp sau mới có được cuộc sống yên lành, với một vùng thiên nhiên trù phú, ưu đãi con người. Đáp lại, thế hệ sau lập đàn để giải oan cho những người hy sinh cao cả đó, như một sự thành tâm, thành kính tri ân các bậc tiền bối đã mở mang bờ cõi cho con cháu ngày sau.
Ông Năm Hên là nhân vật tượng trưng cho lớp người khai khẩn vùng đất hoang Nam bộ xưa. Đó là sự ngỡ ngàng trước một môi trường thiên nhiên mới lạ, bao hiểm nguy đang rình rập con người, sẵn sàng cướp đi mạng sống của con người bất cứ lúc nào. Để tồn tại, họ phải dũng cảm và có bản lĩnh. Bản lĩnh ở đây không hẳn là một sức mạnh phi thường, bởi thực tế ở vùng đất Nam bộ đã chứng minh con người không chỉ có sức mạnh là đủ mà còn phải có sự thông minh, mưu trí nữa. Ông Năm Hên là một ví dụ điển hình. Nếu chỉ có sức mạnh thì không chỉ có một mình ông mà cả xóm Cái Tàu chưa chắc diệt trừ được loài sấu hung tợn ấy. Người dân xóm Cái Tàu là một minh chứng, họ thấy sấu nhiều mà mình bất lực, không diệt trừ được, cuối cùng phải nhờ đến ông Năm Hên. Và với sự mưu trí của mình, ông Năm Hên đã bắt được mấy mươi con sấu mà không phải tốn hao công sức nhiều.
Đây, hãy xem cách ông Năm Hên bắt cá sấu:
“... Tới ao sấu, ông Năm Hên đi vòng quanh dòm địa thế rồi ngồi xuống uống một chung rượu. Kế đó, ông với tôi lấy xuồng đào một đường nhỏ, ngày một cạn, từ bờ ao lên rừng chừng mười thước. Xong xuôi, ổng biểu tôi cho ổng một nắm dây cóc kèn. Phần ổng thì lo đốn một đống cây mốp tươi, chặt ra khúc chừng ba tấc.
Lửa châm vô sậy đế, cóc kèn xung quanh, bắt cháy xuống đầm sậy đế trong ao. Chập sau, bị khói bay cay mắt, ngộp thở, phần thì bị nước sôi nóng, sấu bò lên rừng theo con đường đào sẵn hồi nãy. Tức thì ông Năm Hên chạy lại. Sấu há miệng hung hăng đòi táp ổng. Ổng đút vô miệng sấu một khúc mốp. Sấu táp lại dính chặt hai hàm răng như mình ngậm một cục mạch nha quá lớn, muốn há miệng cho rộng để nhả ra cũng không được. Sấu bị khúc mốp khóa miệng, còn cái đuôi đập qua đập lại. Ông Năm xách cây mác cắm ngay sau lưng sấu mà xắn nhè nhẹ để cắt gân đuôi. Đuôi sấu bị liệt. Thế là mình yên trí, lấy dây cóc kèn trói thúc ké hai chân sau của nó lại, chừa hai chân trước để nó bơi tiếp với mình”.
Hình ảnh ông Năm Hên như một trang kiếm sĩ hành hiệp chốn giang hồ. Ông đến xóm Cái Tàu trong rừng U Minh Hạ để dẹp yên nạn cá sấu gieo rắc tai ương cho dân làng, xong là đi, không đòi hỏi một cái gì khác, ngay cả người dân xóm Cái Tàu “khỉ ho cò gáy” ấy vẫn muốn giữ ông ở lại để thết đãi rượu thịt tạ ơn nhưng ông chỉ đáp lại bằng một nụ cười hỉ xả rồi lặng lẽ lên đường đi “diệt sấu”ở nơi khác.
Tôi chợt nhớ anh bạn đến từ rừng U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang) ở chơi trong “Lều thơ” Kiên Giang bên bờ sông Sài Gòn vào cuối thập niên 60 của thế kỷ XX. Vào một xế chiều nhấp rượu với bọn tôi, anh cao hứng ứng tác mấy câu thơ nghe thiệt “đã tai”: Kinh sử phai nhòa trong ký ức/ Một thanh trường kiếm quảy lên vai/ Tóc râu phù thủy ta ngồi hát/ Điệu máu xương khô vọng xế đoài. Trông bộ tướng của anh ấy giống nhân vật ông lão Năm Hên trong Bắt sấu rừng U Minh Hạ của Sơn Nam làm sao!./.
Quang Hảo