Tiếng Việt | English

22/11/2021 - 13:18

Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đều gây hại cho sức khỏe

Thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá nung nóng (TLNN) được nhà sản xuất quảng cáo là dùng để cai thuốc lá truyền thống nhưng sự thật có đúng như vậy? Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An- bác sĩ (BS) Chuyên khoa II - Huỳnh Hữu Dũng thông tin một số nội dung liên quan vấn đề này.

Thuốc lá điện tử được thiết kế với hình dáng đa dạng nhưng đều gây hại cho sức khỏe (Ảnh Internet)

Thuốc lá điện tử được thiết kế với hình dáng đa dạng nhưng đều gây hại cho sức khỏe (Ảnh Internet)

Phóng viên (PV): Mấy năm gần đây, trên thị trường xuất hiện mặt hàng TLĐT khá thu hút giới trẻ. TLĐT là gì, thưa BS?

BS Huỳnh Hữu Dũng: TLĐT là các thiết bị điện tử sử dụng pin để làm nóng dung dịch có chứa nicotine và các chất hóa học khác, đựng trong ống/bình chứa dùng một lần hoặc có thể tái nạp, tạo ra khói cho người sử dụng hít vào.

Theo các nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới, các thành phần chính có trong dung dịch TLĐT, gồm: Nicotine, propylene glycol, glycerin và chất tạo hương vị. Theo thống kê, có hơn 15.500 loại hương vị khác nhau, trong đó, nhiều loại có chứa chất độc.

Khói của TLĐT có chứa: Nicotine, acetaldehyde, aceton, acrolein, formaldehyde, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC), hydrocacbon thơm đa vòng (PAHs), nitrosamine đặc trưng của thuốc lá (TSNA) và kim loại. Nồng độ chì, crom, niken và formaldehyde được tìm thấy trong khói của một số sản phẩm TLĐT ở mức bằng và cao hơn thuốc lá điếu
truyền thống.

PV: Ngoài TLĐT còn có TLNN, vậy TLNN có điểm gì khác so với TLĐT, thưa BS?

BS Huỳnh Hữu Dũng: TLNN là sự kết hợp thiết bị điện tử và sản phẩm thuốc lá chuyên dùng cũng làm sản sinh ra khói chứa nicotine và các hóa chất khác cho người sử dụng hít vào.

Thành phần của TLNN là sử dụng nguyên liệu từ thuốc lá như sợi, lá thuốc lá cùng các chất phụ gia không phải thuốc lá và được tẩm hương liệu. Thuốc lá có thể ở dạng điếu hoặc các dạng khác như thanh, viên, ngăn chứa thuốc lá.

Khói của TLNN chứa nicotine và các hóa chất độc hại khác giống như trong khói thuốc lá điếu truyền thống. Nồng độ một số hóa chất trong TLNN thấp hơn thuốc lá điếu truyền thống nhưng nồng độ một số hóa chất khác lại cao hơn và tạo ra những chất mới không có trong khói thuốc lá thông thường, có khả năng gây hại cho sức khỏe.

PV: Nhà sản xuất quảng cáo rằng TLĐT hay TLNN ít độc hại hơn thuốc lá truyền thống. Điều này có đúng không, thưa BS?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Trước tiên, có thể khẳng định rằng, mọi sản phẩm thuốc lá đều có hại cho sức khỏe. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, không có bằng chứng cho thấy TLĐT, TLNN ít gây hại hơn các sản phẩm thuốc lá thông thường. Tất cả TLĐT, TLNN đều chứa nicotine - chất gây nghiện cao, gây hại đến sức khỏe, đặc biệt là sự phát triển não bộ ở trẻ em và thanh, thiếu niên.

Việc phơi nhiễm chất độc hại như nitrosamine, aldehyde, carbon monoxide,... có trong khói của TLNN liên quan tới các loại ung thư phổi, mũi, thực quản, gan, tụy, cổ tử cung, tăng nguy cơ tim mạch, đột quỵ; nguy cơ ung thư cao do kim loại nặng và các hợp chất carbonyl độc hại có trong khói TLĐT.

Thuốc lá điện tử nổ gây thương tích cho người hút

Thuốc lá điện tử nổ gây thương tích cho người hút

PV: Nhiều người nói rằng sử dụng TLĐT hay TLNN là để cai thuốc lá truyền thống, BS nghĩ sao về điều này?

BS Huỳnh Hữu Dũng: TLĐT, TLNN chưa được xác nhận là biện pháp hỗ trợ cai nghiện thuốc lá. Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định, hiện không có bằng chứng khoa học chứng minh TLĐT có thể giúp cai nghiện thuốc lá truyền thống.

TLNN có thành phần là thuốc lá, vì vậy, khi người hút chuyển từ thuốc lá điếu truyền thống sang TLNN không đồng nghĩa với việc cai thuốc lá.

Nguy hiểm hơn là TLĐT, TLNN làm tăng nguy cơ sử dụng kép các loại thuốc lá. Theo nghiên cứu của CDC Hoa Kỳ, hầu hết người sử dụng TLĐT để cai thuốc lá đều không bỏ được thuốc lá mà tiếp tục sử dụng đồng thời cả TLĐT và thuốc lá điếu truyền thống. Thanh, thiếu niên chưa bao giờ hút thuốc lá nhưng khi sử dụng TLĐT thì có nguy cơ bắt đầu hút thuốc lá điếu truyền thống cao hơn 3,5 lần so với nhóm chưa từng sử dụng TLĐT.

PV: Ngoài ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thì TLĐT, TLNN còn gây ra những tác hại nào đối với người sử dụng, thưa BS?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Nguy cơ gần nhất là người sử dụng có thể bị chấn thương nghiêm trọng do nổ pin. Theo CDC Hoa Kỳ, từ năm 2009 - 2015, xảy ra 92 vụ cháy, nổ do TLĐT, gây chấn thương ở 47 người và thiệt hại tài sản. Còn ở Anh thì ghi nhận hơn 100 vụ cháy, nổ; 4 trường hợp tử vong do cháy, nổ từ TLĐT.

Việc sử dụng TLĐT, TLNN còn gia tăng gánh nặng kinh tế cho hộ gia đình và quốc gia do chi phí để điều trị bệnh vì sử dụng các sản phẩm này. Nó làm giảm năng suất lao động do bị bệnh, tử vong sớm và tổn thương tâm lý; nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội do sử dụng ma túy và các chất gây nghiện đồng thời với TLĐT, TLNN.

Tại Việt Nam, một số trường hợp cấp cứu do ngộ độc cần sa, ma túy phối trộn trong TLĐT đã được ghi nhận tại Bệnh viện Bạch Mai và Trung tâm Giám định ma túy Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an.

Bên cạnh đó, thiết bị TLĐT, TLNN bao gồm nhiều thành phần như nhựa, pin, bảng mạch điện, lọ dung dịch điện tử,... bị vứt bỏ dưới dạng vỡ, nát có thể phát tán ra môi trường các chất độc hại như kim loại, axit, nicotine,...

PV: Theo BS, lý do nào các nhà sản xuất ồ ạt quảng cáo TLĐT, TLNN bằng những lời “có cánh” nhưng không phải sự thật?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Hiện nay, đối tượng mà ngành công nghiệp thuốc lá tìm kiếm là người hút thuốc thay thế, bởi 50% số người hút thuốc lá trưởng thành sẽ tử vong sớm. Đây chính là đối tượng mục tiêu để họ duy trì sản lượng thuốc lá thế hệ mới và tăng trưởng lợi nhuận khi chính phủ các nước thực hiện các giải pháp phòng, chống tác hại thuốc lá.

Mặt khác, nhà sản xuất TLĐT, TLNN không chỉ dành cho người trưởng thành hút thuốc mà còn nhắm tới giới trẻ. Sử dụng TLĐT, TLNN tăng nhanh trong thanh, thiếu niên là vấn đề y tế công cộng báo động. Theo khảo sát của Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, tỷ lệ sử dụng TLĐT ở độ tuổi từ 13-19 tuổi tăng lên 2,6% vào năm 2019, trong khi năm 2015 chỉ khoảng 0,5%.

TLĐT, TLNN đang tấn công giới trẻ bằng chiến lược sử dụng người nổi tiếng, người có ảnh hưởng tới giới trẻ để quảng cáo, tiếp thị, bán hàng trên mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Instagram,... Thiết kế sản phẩm TLĐT, TLNN bắt mắt, đa dạng từ màu sắc đến hình ảnh, kiểu dáng nhỏ gọn như hình usb, thỏi son, móc chìa khóa,... để thu hút giới trẻ.

PV: BS chia sẻ thêm về việc quản lý TLĐT, TLNN tại một số quốc gia trên thế giới?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Tính đến tháng 02-2020, có 41 quốc gia đã ra lệnh cấm buôn bán TLĐT, TLNN, trong đó có nhiều quốc gia thuộc khu vực châu Á như Lào, Thái Lan, Campuchia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ,...

Tháng 5/2020, có tới 100 quốc gia đã ban hành luật nội địa quy định đối với TLĐT, TLNN, trong đó có các quy định về độ tuổi tối thiểu được phép mua, bán thuốc lá; quảng cáo, khuyến mại, tài trợ, đóng gói bao bì, các quy định về sản phẩm, phân loại TLĐT,...

PV: BS có lời khuyên nào dành cho người sử dụng thuốc lá trong bối cảnh dịch Covid-19?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Mọi sản phẩm thuốc lá đều có hại cho sức khỏe. Các sản phẩm TLĐT, TLNN gây bệnh tật, tử vong, ảnh hưởng xấu tới con người và môi trường, KT-XH. Bộ Y tế Việt Nam đề xuất không cho phép thí điểm nhập khẩu, kinh doanh các sản phẩm TLĐT, TLNN. Và thực tế cho thấy, việc sớm quản lý thuốc lá thế hệ mới đóng vai trò rất lớn trong giảm thiểu thanh, thiếu niên dưới 18 tuổi tiếp cận, sử dụng sản phẩm.

Từ góc độ gia đình, chính hành vi hút thuốc lá hoặc sử dụng các sản phẩm nicotine thay thế của cha mẹ trước mặt trẻ cũng cần được loại trừ. Tuyệt đối ngăn ngừa trẻ em và người dưới 18 tuổi tiếp cận các sản phẩm thuốc lá, bao gồm thuốc lá điếu, thuốc lào, mới nhất là TLĐT, TLNN và các sản phẩm nicotine thay thế khác.

Với những người đã sử dụng thuốc lá, việc cai thuốc lá là một thách thức. Tuy nhiên, khói thuốc lá với hơn 7.000 chất hóa học làm phá hủy cấu trúc và chức năng của đường hô hấp, phế quản, nhu mô phổi. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, những người hút thuốc lá dễ bị virút SARS-CoV-2 xâm nhập hơn, nhất là đối với những người có bệnh mạch vành, tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh lý của mạch máu não thì khi nhiễm SARS-CoV-2, bệnh sẽ nặng hơn, dễ bị suy hô hấp. Bên cạnh đó, việc dùng tay hút thuốc hoặc dùng chung dụng cụ hút thuốc lá như thuốc lào, shisha cũng làm người hút thuốc lá dễ nhiễm bệnh hơn.

PV: Xin cảm ơn BS!

Thanh Bình (thực hiện)

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích