1. Thầy Phạm Văn Út sinh ra và lớn lên ở vùng quê xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, nơi nổi tiếng với giống lúa đặc sản Nàng Thơm Chợ Đào. Năm 1993, sau khi tốt nghiệp trường sư phạm, thầy Út về công tác tại Trường Tiểu học Tân Hòa (xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An), một điểm trường vùng sâu thuộc khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh còn nhiều khó khăn.
“Ngày đầu về trường, vào lớp dạy, nghe học sinh gọi tiếng thầy giáo, tôi cảm thấy lâng lâng tự hào” - thầy Út nhớ lại. Hai năm sau, tức năm 1995, cô Nguyễn Thị Xuân, quê ở huyện Thủ Thừa cũng tốt nghiệp trường sư phạm và về Trường Tiểu học Tân Hòa công tác, trở thành đồng nghiệp với thầy Út.
Thời điểm cô Xuân về trường, đường sá đi lại rất khó khăn, học sinh đi học bằng ghe, xuồng. Mùa lũ, nước ngập trắng đồng; cơ sở vật chất trường, lớp, nhà tập thể cho giáo viên tạm bợ,... “Khó khăn là vậy nhưng chúng tôi yêu nghề lắm! Nhìn học trò vùng quê thiếu thốn, tôi tự nhủ sẽ cố gắng hết sức mình để mang lại “con chữ” cho các em” - cô Xuân nói.
Thời gian công tác ở Trường Tiểu học Tân Hòa, từ sự đồng cảm, thầy Út và cô Xuân dần cảm mến nhau. Sau thời gian tìm hiểu, cả hai quyết định nên duyên vợ chồng. Sau khi lập gia đình, lại công tác chung trường nên thầy cô động viên nhau vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy học.
Sự chân chất, thật thà của người dân vùng sông nước Đồng Tháp Mười, sự ngây thơ, trong sáng của học trò đã chiếm trọn tình cảm của cô Xuân, thầy Út. Đó là khoảng thời gian chứa đựng nhiều kỷ niệm với nghề nhất để mỗi lần nhắc đến, thầy cô lại thấy lựa chọn của mình là đúng đắn. Đó là sự động viên, giúp đỡ nhau giữa các đồng nghiệp trong lúc gặp khó khăn hay khi lũ về, thầy cô, người dân cùng kê kích bàn ghế, tránh để ngập nước.
Thương nhất là học sinh ở xa, các em bơi xuồng cả buổi mới đến được trường. Vậy mà hiếu học lắm, không nghỉ buổi nào! Rồi khi biết học sinh có ý định bỏ học, các thầy cô đến từng nhà vận động, hỗ trợ tập, sách, dụng cụ học tập. “Khi nắm biết từng trường hợp, tôi và các đồng nghiệp đi vận động các em quay trở lại lớp học. Từ sự kiên trì, thuyết phục của giáo viên, nhiều em trở lại lớp học, tỷ lệ bỏ học ngày càng giảm dần” - thầy Út kể.
Sau thời gian khá lâu gắn bó với vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh, năm 2004, vợ chồng thầy Út được tạo điều kiện chuyển về gần nhà, dạy tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tiến (xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước) cho đến nay.
Trải qua nhiều năm công tác tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tiến, vợ chồng thầy Út cố gắng phát huy năng lực, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Các phong trào thi đua, hoạt động của nhà trường đều có thầy Út, cô Xuân tích cực tham gia. Nhiều sáng kiến được áp dụng vào công tác dạy học, phát huy tính sáng tạo và khơi mở cho học sinh học tập. Cùng với tập thể giáo viên, cô Xuân, thầy Út có nhiều đóng góp cho sự phát triển của trường và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Thầy Út đã trải qua cương vị Phó Hiệu trưởng và từ năm 2022 đến nay là Hiệu trưởng. Là người quản lý, thầy phát huy vai trò “hạt nhân” xây dựng mối đoàn kết trong trường, lan tỏa các phong trào thi đua dạy tốt, học tốt.
Niềm vui của vợ chồng thầy Phạm Văn Út, cô Nguyễn Thị Xuân là được làm nghề giáo
2. 30 năm gắn bó với nghề giáo là chừng ấy năm thầy Út vẹn nguyên tình yêu với trường, lớp và “tài sản” lớn nhất của thầy là tình yêu thương, quý mến của học trò, đồng nghiệp. Đó cũng là điều nhắc nhở thầy Út không ngừng cố gắng để làm gương cho toàn thể giáo viên, nhân viên của trường.
Còn cô Nguyễn Thị Xuân vẫn là giáo viên cần mẫn lên lớp. Sau nhiều năm dạy tiểu học, cô Xuân cho rằng, bên cạnh kiến thức thì ở lứa tuổi này phải quan tâm dạy các em đạo đức. “Đạo đức chính là gốc rễ. Đó là nền tảng, hành trang vững chắc để các em vững bước trên đường đời” - cô Xuân tâm sự.
Trong giảng dạy, cô Xuân tạo không khí cởi mở, gần gũi, phát huy tính sáng tạo của học sinh. Cô Xuân cho biết: "Học sinh bây giờ thông minh, nhanh nhạy và tự tin lắm! Dù dạy tiểu học nhưng tôi phải thường xuyên học tập nâng cao trình độ để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ".
Chia sẻ với chúng tôi, thầy Út, cô Xuân cho biết, một trong những lý do mà trước đây chọn nghề giáo là vì ảnh hưởng từ người thân. Ngày đó, cả hai chọn nghề giáo vì “thích được đi dạy học như chị gái, anh trai”. Thầy Út có chị ruột làm cô giáo và cô Xuân cũng có người anh trai dạy học. Những người anh, người chị chính là tấm gương tận tụy, tận tâm với nghề giáo và chắp cánh ước mơ để thầy Út, cô Xuân nối tiếp. Đến với nghề như một cái duyên và trải qua chừng ấy năm gắn bó, thầy cô cho biết, đây là sự lựa chọn đúng đắn nhất.
Tính đến hiện tại, vợ chồng thầy Út có 6 người thân là anh, chị ruột, anh rể, chị dâu làm giáo viên, đang công tác trong tỉnh và có 6 người cháu (con của các anh, chị) cũng theo nghề giáo. Đây là điều kiện rất thuận lợi để các thành viên trong gia đình có thể chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
Và càng tự hào hơn khi vợ chồng thầy Út cũng là những nhân tố có sức ảnh hưởng lớn đến sự chọn lựa nghề nghiệp của các cháu. Theo thầy Út, phát huy truyền thống của gia đình không phải là áp đặt sở thích của người đi trước cho người đi sau mà đơn giản là truyền niềm đam mê và tâm huyết với nghề giáo.
Nhiều bạn bè, người thân vẫn thường nói, điều hạnh phúc của vợ chồng thầy Út là cả hai được làm nghề giáo. Bằng tất cả cái tâm với nghề, cả hai nỗ lực hoàn thành tốt vai trò, trách nhiệm, sứ mệnh “trồng người” được giao phó.
Thầy Út chia sẻ: “Mới ngày nào ra trường đi dạy học, vậy mà thấm thoát đã 30 năm gắn bó với nghề. Điều mà mỗi thầy, cô giáo cảm thấy tự hào nhất là sự trưởng thành của các thế hệ học trò. Chỉ cần thấy các em thành công là mình hạnh phúc lắm rồi!”.
Còn cô Xuân tâm sự: “Càng gắn bó, tôi lại càng yêu nghề. Nếu như thời gian quay trở lại, tôi vẫn chọn nghề giáo”./.
Lê Đức