Tiếng Việt | English

04/03/2020 - 20:25

'Tiếp sức' nâng cao chất lượng cuộc sống người dân

Những năm qua, huyện Cần Đước, tỉnh Long An thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp giảm nghèo nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trên địa bàn.

Đến nay, ngân sách huyện Cần Đước ủy thác sang Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện gần 10 tỉ đồng
Đến nay, ngân sách huyện Cần Đước ủy thác sang Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện gần 10 tỉ đồng

Về Cần Đước hôm nay, ai cũng có thể dễ dàng nhận ra bộ mặt của nông thôn ở đây đã có nhiều thay đổi. Những ngôi nhà tường mọc lên san sát; đường làng, ngõ xóm được mở rộng, tráng bêtông; hệ thống nhà màng trồng rau sạch được đầu tư quy mô;… 

Đón chúng tôi trong căn nhà tường vừa hoàn thành, bà Nguyễn Thị Phi Thiện, ngụ xã Long Khê, cho biết: “Bây giờ, gia đình tôi trồng rau không còn cực như trước, vì được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện cho vay 50 triệu đồng đầu tư nhà lưới, hệ thống tưới. Nhờ vậy, năng suất tăng, sâu, bệnh và công chăm sóc giảm. Gia đình tôi không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo nhưng được hỗ trợ vay vốn theo chương trình giải quyết việc làm. Đi vay ở ngoài 50 triệu đồng lãi suất rất cao, tiền làm được chỉ đủ để đóng lãi. Còn vay NHCSXH lãi suất thấp, thời gian hoàn trả vốn 5 năm, đồng thời đối tượng vay vốn được mở rộng nên người dân dễ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi”.

Lý giải về việc mở rộng đối tượng vay vốn theo chương trình giải quyết việc làm, Giám đốc phòng Giao dịch NHCSXH huyện Cần Đước - Nguyễn Trung Việt khẳng định: “Từ khi có Chỉ thị số 40- CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH”, đến nay, ngân sách huyện ủy thác qua Phòng Giao dịch NHCSXH huyện gần 10 tỉ đồng. Nguồn vốn này tập trung cho vay các đề án về chương trình phát triển nông nghiệp toàn diện, chất lượng cao và bền vững. Cụ thể, huyện tập trung phát triển vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI (nhiệm kỳ 2015-2020) tại các xã: Long Hòa (100ha), Long Trạch (220ha), Long Khê (220ha), Phước Vân (160ha) và nuôi tôm công nghiệp, công nghệ cao ở các xã vùng ngập mặn như Tân Ân và Tân Chánh”.

Nhờ có ngân sách huyện ủy thác, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện kịp thời bổ sung nguồn vốn tín dụng CSXH, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, với mức cho vay tối đa 100 triệu đồng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Chị Lê Thị Thanh Thúy, ngụ ấp Phước Vĩnh, xã Long Trạch, chia sẻ: “Năm 2018, tôi được Phòng Giao dịch NHCSXH huyện cho vay 50 triệu đồng. Từ số tiền này, tôi đầu tư nhà lưới và hệ thống tưới tự động để trồng rau màu. Ngoài cải ngọt, tôi còn trồng xen canh nhiều loại rau khác trên diện tích 2.000m2. Nhờ trồng rau màu đạt hiệu quả nên thu nhập của gia đình tôi ổn định, có điều kiện lo cho 3 người con học đại học”. 

Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Nguyễn Văn Bảy chia sẻ: “Mục đích xây dựng huyện điểm điển hình về văn hóa là nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, xóa dần mức sống chênh lệch giữa nông thôn và thành thị. Để làm được điều này, huyện đặc biệt quan tâm đến công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm. Hàng năm, huyện đều trích một phần ngân sách ủy thác sang Phòng Giao dịch NHCSXH nhằm bổ sung nguồn vốn cho nhiều đối tượng vay. Đây được xem là một trong những biện pháp giúp huyện hoàn thành chỉ tiêu phát triển KT-XH mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI (nhiệm kỳ 2015-2020) đề ra”.

Cuối năm 2019, hộ nghèo của huyện Cần Đước giảm còn 1,16%, cận nghèo 1,86%. Điều này cho thấy chất lượng cuộc sống người dân trên địa bàn ngày càng được nâng lên, xứng đáng với danh hiệu huyện điểm điển hình về văn hóa của tỉnh./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết