Đoàn Thanh niên xã Long Hựu Tây tuyên truyền mô hình Rác sinh hoạt, vì lợi ích cộng đồng
Xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp
Xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An có nhiều doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nhưng tiêu chí môi trường luôn được giữ vững và thường xuyên nâng chất, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, hiện đại. Chủ tịch UBND xã Nhị Thành - Nguyễn Văn Dứt cho biết: “Năm 2014, xã Nhị Thành được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Kết quả trên là sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. Tuy nhiên, xã xác định tiêu chí môi trường rất dễ vỡ, phải thường xuyên nâng chất. Trên cơ sở đó, xã xây dựng mỗi người dân là một tuyên truyền viên giữ gìn vệ sinh môi trường. Theo đó, xã cung cấp số điện thoại của lãnh đạo, công an xã cho người dân để kịp thời thông báo khi phát hiện doanh nghiệp đổ rác không đúng nơi quy định. Ngoài ra, xã còn treo hàng chục tấm bảng cấm đổ rác ở nơi vắng người qua lại, đồng thời phối hợp Công ty Công trình đô thị TP.Tân An tăng cường lấy rác hàng ngày, nhằm góp phần giảm lưu lượng rác thải”.
Còn tại xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước, Đoàn Thanh niên (ĐTN) phối hợp Hội Cựu chiến binh xã thực hiện mô hình Rác sinh hoạt, vì lợi ích cộng đồng. Đầu năm 2019, ĐTN xã chọn ấp Tây làm điểm thực hiện mô hình. Tại đây, ĐTN phối hợp Hội Cựu chiến binh xã vừa đẩy mạnh tuyên truyền, vừa đến tận nhà hướng dẫn người dân phân loại rác hữu cơ, vô cơ và rác tái chế.
Bí thư Đoàn xã Long Hựu Tây - Đặng Kim Quyên cho hay: “Người dân ấp Tây chủ yếu sống dọc theo các con sông nên thường vứt rác xuống sông. Trước thực trạng trên, ĐTN quyết định chọn ấp Tây làm điểm thực hiện mô hình. Sau thời gian thực hiện, đến nay, tình trạng người dân vứt rác xuống sông giảm rất nhiều, góp phần thay đổi nhận thức, thói quen của người dân và giảm rác thải nhựa ra đại dương. Hơn hết, thông qua mô hình này, trung bình hàng tháng, ĐTN xã còn thu được 70kg chai nhựa, giấy vụn,... bán gây quỹ giúp đỡ học sinh nghèo”.
Giờ đây, người dân ấp Tây nói riêng, xã Long Hựu Tây nói chung không chỉ phân loại rác tại nguồn, để rác đúng nơi quy định mà còn có nhiều cách làm sáng tạo nhằm xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp như tự xây hố rác kiên cố bằng bêtông; dùng lưới đan thành giỏ để chứa rác tái chế,... Bà Đặng Thị Ưng, ngụ ấp Tây, xã Long Hựu Tây, trải lòng: “Hưởng ứng phong trào do ĐTN xã phát động, tôi thường nhắc nhở con cháu không vứt rác thải bừa bãi quanh nhà để giữ vẻ mỹ quan môi trường”.
Thực hiện tiêu chí môi trường gắn với nâng chất xã văn hóa, NTM, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng trồng hoa, cây xanh trên các tuyến đường liên ấp, liên xã. Nhờ vậy, cảnh quan môi trường ngày càng trong lành, mát mẻ, con người sống chan hòa với thiên nhiên, cây cỏ. Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Thạnh - Ngân Văn Giang cho biết: “Không chỉ chủ động chăm sóc cây xanh, hoa trước nhà,
người dân ở xã còn chung tay cùng địa phương xóa “cầu tõm” bằng việc xây nhà tiêu hợp vệ sinh, bỏ rác đúng nơi quy định. Bằng nhiều giải pháp thiết thực, tin rằng Hưng Thạnh sẽ ngày càng nâng chất xã văn hóa, NTM”.
Ông Nguyễn Văn Nơi, ngụ ấp Vĩnh Hòa, xã An Vĩnh Ngãi chủ động hiến 30m2 đất làm giếng nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân
Nâng cao mức sống cho người dân
Chủ tịch UBND xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An - Lê Văn Việt chia sẻ: “Đầu năm 2015, xã An Vĩnh Ngãi được công nhận đạt chuẩn NTM. Lúc đó, xã có 2,48% hộ nghèo; thu nhập bình quân đầu người chỉ 32 triệu đồng/năm; 50% người dân sử dụng nước sạch; tình hình an ninh, trật tự còn diễn biến phức tạp,...Nhằm hướng đến xây dựng xã NTM nâng cao, An Vĩnh Ngãi đưa ra nhiều giải pháp thiết thực, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Kết quả, đến nay, hộ nghèo của xã còn 1,46%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 62 triệu đồng/năm; trên 80% người dân sử dụng nước sạch; tình hình an ninh, trật tự được giữ vững;...
Hiểu được mục đích, ý nghĩa của Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, ông Nguyễn Văn Nơi, ngụ ấp Vĩnh Hòa, xã An Vĩnh Ngãi, tự nguyện hiến 30m2 đất làm giếng nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân. Ông Nơi bộc bạch: “Dù xã được công nhận đạt chuẩn NTM nhưng tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch rất thấp. Thời gian qua, ấp Vĩnh Hòa nói riêng, xã An Vĩnh Ngãi nói chung được cấp trên quan tâm, hỗ trợ trên 500 triệu đồng/năm để xây dựng các giếng nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân. Và bây giờ, người dân chúng tôi có nước vừa mạnh, vừa sạch để xài nên ai cũng phấn khởi. Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM thật sự đi vào cuộc sống”.
Mục đích của xây dựng xã NTM là nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, do đó, thời gian qua, xã Nhị Thành tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, dạy nghề và giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn,... Nhờ vậy, hộ nghèo của xã giảm qua từng năm, đến nay chỉ còn 0,009%.
Bà Huỳnh Thị Mỹ Lệ, ngụ ấp 4, xã Nhị Thành, cho biết: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Bởi, cuộc sống gia đình chủ yếu dựa vào số tiền làm thuê ngày có, ngày không của tôi. Biết được hoàn cảnh của gia đình tôi, chính quyền địa phương giới thiệu tôi vào làm việc tại một công ty gần nhà. Từ đó, tôi có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo”.
Bằng nhiều việc làm, hành động thiết thực, các địa phương trong tỉnh không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân về cả vật chất lẫn tinh thần./.
Kim Ngọc