Tiếng Việt | English

17/04/2020 - 17:37

Tình người - "Đặc trưng" của mùa Covid-19

Thời điểm dịch bệnh, nhiều người đang gặp khó khăn, thế nhưng, đâu đâu cũng nhận thấy một điểm chung là tình người với người thật ấm áp, nghĩa tình, ta có thể gọi đó là "đặc trưng" mùa Covid-19.

Mùa dịch bệnh, khẩu trang là sản phẩm "hút hàng", thế mà vợ chồng chị Lệ (xã Long Cang, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) lại ngồi “còng lưng” may tặng

Mùa Covid-19, cán bộ, chiến sĩ biên phòng ngày đêm bám chốt, làm bạn với nắng rát ban trưa, lạnh căm buổi tối. Ở chốt, điện nước hiếm hoi, sóng điện thoại và 3G chập chờn, chỉ có muỗi là...vô tận mà thôi.

Đêm chia ca trực, người này ngủ, người kia rảo bước đi tuần. Ai không đi tuần, thì "vô mùng" sớm rồi tận dụng chút thời gian gọi về thăm hỏi gia đình, bởi, giữa đồng hoang đêm tối Đồng Tháp Mười, ở ngoài dễ "làm mồi" cho muỗi.

Thương chiến sĩ vất vả, các chị, các mẹ từ nội ô đến vùng hẻo lánh, mỗi người một chút lo cho “mấy cháu, mấy em”. Hôm trước chúng tôi về Cần Đước, ghé quán nước nhỏ, cũng là một tiệm may, thấy vợ chồng anh chủ đang miệt mài may, cắt. Vải cắt vụn từng miếng nhỏ chắc không phải may quần áo, hỏi ra mới biết anh chị may khẩu trang. Mùa dịch bệnh, khẩu trang là sản phẩm hút hàng, vậy mà anh chị lại ngồi “còng lưng” may tặng.

Chỉ xấp khẩu trang thành phẩm trên bàn, chị Lệ - chủ tiệm may tươi cười, nói: “Chiều nay nữa là xong lô này, gửi cho bộ đội. Khẩu trang được may 2 lớp, tương tự khẩu trang y tế. May lâu chút, cực chút mà đẹp và chất lượng hơn”. Nghe nói, cả huyện Cần Đước có đến mấy chục gia đình may khẩu trang như vậy, và mấy chục ngàn chiếc được gửi đi, phát cho dân và gửi cho bộ đội.

Không chỉ riêng huyện Cần Đước, giờ ở đâu cũng thấy có người may khẩu trang miễn phí. May xong rồi giặt sạch, phơi khô mới mang làm quà tặng. Tới Đồng Tháp Mười mùa nước lên, người dân phơi khô cá, khô "sóc tràm" đầy trước sân - đó là đặc sản miền Tây sông nước. Còn trong thời điểm này, "đặc sản" nơi nơi là hàng sào khẩu trang mới may xong, đem giặt, phơi trước sân nhà, chuẩn bị đem tặng. Và, tình cảm quân dân, tình người với người cũng chính là "đặc trưng" của mùa dịch Covid-19.

"Đặc sản" mùa Covid  lại là những chiếc khẩu trang nghĩa tình (Trong ảnh: Phụ nữ Tân Hưng phơi khẩu trang vừa may, giặt xong. Nguồn: PN Tân Hưng)

Hôm rồi có dịp lên Kiến Tường (tỉnh Long An), chạy dọc đường thấy một chị lỉnh kỉnh nào mì, nào trứng, tưởng rằng trữ hàng qua mùa dịch, ngờ đâu, chị rẽ xe chạy thẳng vào trụ sở Ủy ban. Thì ra, người dân đi gửi đồ ủng hộ cho bộ đội canh chốt ngoài biên giới! Của ít lòng nhiều, có gì cho nấy, đặc điểm không lẫn vào đâu được của người dân quê. Đi tới đâu cũng nghe nói tổ này, nhóm kia quyên góp, tặng quà cho bộ đội, y, bác sĩ, người nghèo. Mùa dịch bệnh, người người, nhà nhà "đua" nhau tặng quà. Nhiều khi mới may xong 1 lô khẩu trang vải, pha chế xong chừng trăm chai nước rửa tay khô là mấy chị lấy xe máy chạy thẳng lên từng chốt tặng cho bộ đội. Nhiêu đó thôi cũng đủ ấm lòng rồi!

Phụ nữ Vĩnh Hưng tranh thủ sau giờ làm đồng thì gói bánh cho bộ đội (Nguồn: PN Vĩnh Hưng)

Mới hôm trước, chị em ở Vĩnh Hưng còn rủ rỉ nhau làm cái gì đó đem lên cho anh em trên chốt thì hôm sau, mấy nồi bánh ít, bánh bao đầy ăm ắp đã được bắc lên bếp lửa. “Nấu đêm nay, sáng mai là bộ đội có bánh ăn sớm” - các chị cười bên bếp cháy đỏ au. “Sáng mai, vài người đem bánh lên đồn thôi, tụ tập đông người lúc này là không được” - mấy chị nhắc nhau rồi từ giã ra về.

Đêm biên giới bình yên đến lạ, ngồi bên nồi bánh cứ ngỡ mình đang nấu bánh giao thừa. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam huyện Vĩnh Hưng - Tạ Ngọc Huệ kể: “Bánh này do chị em phụ nữ vận động tiền, rồi sau giờ làm đồng tranh thủ "xúm nhau" làm. Bộ đội Biên phòng canh đường biên cực lắm, làm bánh để ủng hộ tinh thần cho mấy anh em. Vừa thiết thực, vừa đong đầy tình cảm của chị em hướng về "tiền tuyến". Nghĩ đến cảnh các anh bộ đội giữa đêm đói bụng có cái bánh bao, bánh ít ngọt mềm lót dạ mà ấm lòng. Bánh nhà làm nên chắc là hương vị rất ngon và chất lượng!

Vì Covid-19 rất nhiều gia đình lâm vào tình cảnh khó khăn, thế nhưng, chính khi hoạn nạn, ta mới thấy hết cái tình mùa dịch bệnh./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích