Tiếng Việt | English

18/01/2025 - 08:48

Về ngoại

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

“Lòng của ai chẳng có một quê hương

Một bà ngoại lưng còng tóc bạc…”

(Buồng cau quê ngoại, soạn giả Thu An)

Anh về ngoại vào một trưa cuối năm. Nắng và gió tháng Chạp chỉ vừa hiu hắt, vừa đủ đong đầy cho cảm giác thênh thang, hoang vắng trong ngôi nhà xưa cũ - nơi lưu giữ một phần ký ức tuổi thơ anh. Mà cũng phải, ông ngoại đã mất, đám cháu cũng đã lớn, không còn quẩn quanh bà như những ngày xưa.

Dù không còn trẻ dại nhưng anh vẫn kiệm lời, vẫn khoanh tay “Thưa ngoại,… mới về” rồi ngậm câm như hến. Thật lòng anh muốn quan tâm đến ngoại nhiều hơn, muốn hỏi ngoại có khỏe không, mắt ngoại còn thấy rõ không, đại loại những câu như vậy. Nhưng không hiểu sao, như bao lần, anh thấy ngại miệng quá, nên thôi!

Còn ngoại, ngoại hỏi anh trả lời không kịp thở. Vừa hỏi, vừa lăng xăng lấy hết những gì có thể ăn ra, ép anh ăn cho bằng được. Ngoại bao giờ cũng vậy, với đứa cháu nào cũng vậy. Nhiều khi no đến cành hông nhưng vẫn phải chiều theo ý ngoại, không thì sợ ngoại buồn, ngoại giận.

Sau màn hỏi han, ăn uống, ngoại lại lụm cụm với vô số những việc không tên hàng ngày của ngoại. Ngoại bỏ anh ngồi một mình với nhớ!

Mà không hiểu sao, trưa nay, anh nhớ đến muốn chết câu nói của dì Sáu. Hồi nhỏ, dì Sáu hay chiều anh và mấy đứa cháu trong nhà nên anh thường lẽo đẽo theo dì mỗi bận về nhà ngoại chơi.

Cũng một trưa cuối năm như vầy, dì Sáu gom mấy cái nồi đen sì ra ngồi dưới gốc xoài cạnh giàn nước, chà cho sạch bóng, chuẩn bị ăn tết cho sạch sẽ. Anh thì chạy chơi quanh dì, lâu lâu lại hốt thêm miếng trấu hay sớt thêm cho dì một miếng xà bông bột.

Dì nói với anh: “Mày còn nhỏ, tranh thủ về chơi, mai mốt lớn đủ thứ chuyện, muốn về cũng không được...”. Hồi đó, anh con nít thấy mồ, đâu có hiểu hết ý nghĩa câu nói của dì Sáu. Anh chỉ cười cười mà nghĩ thầm trong bụng “Dì Sáu này, nói gì nghe xa xôi thấy ớn”.

Hai mươi mấy năm đã trôi qua, kể từ buổi trưa phụ dì Sáu chà nồi ăn tết đó, mọi thứ giờ thay đổi nhiều, kể cả tình thân. Những lần về ngoại của anh cứ thưa dần, thưa dần.

Vì công ăn việc làm bận bù đầu bù cổ cũng có, vì những nỗi buồn không tên không đáng có cũng có! Nhiều khi nhớ ngoại, nhớ ngày xưa, muốn chạy về ở nhà ngoại thiệt lâu nhưng đâu có được. Mọi thứ đã không còn trong trẻo như của anh ngày xưa!

Không muốn mình chết ngộp trong những hoài nhớ xa xôi, anh bước ra vườn. Trưa vắng. Vườn rộng. Càng thích! Anh một mình đi từ đầu này tới đầu nọ, tìm dấu vết tuổi thơ mà anh và đám anh em con mấy cậu, dì bỏ quên đâu đó bên gốc ổi sẻ sau nhà, nơi bờ đìa chao chát gió. Và trong cả tiếng gà trưa nhảy ổ, gọi tao tác mùa xưa.

Không dưng, sống mũi cay sè. Anh đưa tay quẹt mấy giọt nước mắt nóng hổi và nghĩ mình thật lãng xẹt! Đâu có gì bất biến trước thời gian. Hên là anh còn có ngoại, còn thêm một chốn yêu thương nữa để quay về!

Để rồi chiều nay, một chiều cuối năm, lòng anh ấp ôm niềm háo hức về thăm ngoại. Gác lại bộn bề của một năm, gác lại nỗi niềm riêng cũ kỹ, anh lại về, lại khoanh tay “Thưa ngoại!” như thời còn ấu thơ.

Ngoại anh giờ sức khỏe đã giảm nhưng vẫn nhớ rõ thằng cháu yêu quý. Nhìn anh, ngoại nói: “Mồ tổ cha mày, đi đâu biền biệt một năm dài mới về thăm ngoại”.

Ngoài sân, dưới gốc xoài mà trải bao mùa xuân qua đã già thêm "mấy tuổi", dì Sáu đang ngồi chà nồi chuẩn bị ăn tết. Anh bước đến phụ dì, vừa làm, vừa kể chuyện năm qua xa ngoại… Tiếng nói xen tiếng cười rôm rả mà trong lòng anh vẫn cứ âm vang lời dì Sáu dặn: “Lúc nào rảnh thì nhớ về thăm ngoại nha con...!”./.

Minh Tú

Chia sẻ bài viết