K'Rể cùng thầy Đặng Văn Cương (Ảnh: internet)
Trước khi được gặp thầy Đặng Văn Cương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Ba, cậu bé tí hon K’Rể có một tuổi thơ, cuộc sống không trọn vẹn. Thầy chính là “người cha thứ hai”mang đến cho em những tháng ngày thật sự hạnh phúc, được quan tâm, chăm sóc, được đến trường, học tập, hòa nhập cùng bạn bè. Thế nhưng, em đã không may mắn để tiếp tục cuộc sống trong vòng tay che chở của thầy và những người yêu thương. Em mất ngày 09/11, chỉ hơn 1 tuần nữa là đến ngày tri ân các thầy, cô giáo.
Cậu bé K’Rể mắc chứng bệnh hiếm gặp - Seckel (người lùn, đầu chim). Khi chào đời, em bằng một gang tay người trưởng thành. 10 tuổi, em chỉ cao 62cm, nặng chưa đầy 4kg. Em chính là hậu quả của cuộc hôn nhân cận huyết, từ nhỏ đã bị dân làng kỳ thị vì thân hình kỳ lạ nên chỉ quanh quẩn một mình, không thể giao tiếp với mọi người. Thế rồi, định mệnh đã cho em gặp được “người cha thứ hai” của mình - thầy Đặng Văn Cương, người mang đến cho em một cuộc đời mới, một cuộc sống tràn ngập tiếng cười. Hơn 4 năm trước, năm 2016, trong một chuyến đi vận động học sinh đến trường, thầy gặp K’Rể được mẹ đặt nằm gọn trong gùi. Như một cái duyên, cảm thương cho số phận của đứa trẻ đặc biệt này, thầy quyết định nhận nuôi và đưa về học tập nội trú tại trường.
Với tình thương bao la của mình, thầy Cương chăm sóc K’Rể từ việc rửa tay, tắm gội, thay quần áo, ăn uống cho đến học hành. Biết em tiếp thu không bằng các bạn, dù dạy hôm trước thì hôm sau đã quên nhưng thầy không nản lòng, vẫn kiên trì, dịu dàng với cậu học trò bé bỏng. Từ một cậu bé nhút nhát khi gặp người lạ, giờ đây, K'Rể đã hoàn toàn thay đổi, em hoạt bát, hiếu động và hay cười hơn.
Đến năm học này, thầy đưa cậu học trò tí hon đến sống cùng gia đình ở TP.Quảng Ngãi, chuyển trường cho em đến Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập tỉnh Quảng Ngãi. Chưa kể, thầy cũng nhiều lần lặn lội đưa em đến tận Hà Nội để khám bệnh vì từ năm 2018, em có nhiều dấu hiệu không tốt về sức khỏe. Rồi một ngày đầu tháng 11/2020, em bị đột quỵ, qua đời vài ngày sau đó trong niềm tiếc thương của mọi người.
Không họ hàng, chẳng quen biết với gia đình K’Rể nhưng dường như có một sợi dây tình cảm vô hình đã kết nối giữa thầy Cương và cậu bé tí hon. Thầy thương K’Rể bằng tất cả tình cảm của một người cha dành cho đứa con nhỏ, tận tụy mà cũng thật dịu dàng. Nếu không gặp được thầy Cương, cuộc sống của K’Rể vẫn mãi quẩn quanh nơi rẻo cao cách trở, chẳng biết trường lớp, chẳng có nụ cười. Về với thầy dù chỉ thời gian ngắn nhưng em có đủ hạnh phúc, tiếng cười, bù đắp cho những ngày thơ co ro trong chiếc địu, chịu sự xa lánh của mọi người. Ở một nơi nào đó, có lẽ em cũng đang mỉm cười vì đã sống những ngày đáng sống, đó là những ngày thật hạnh phúc bên thầy - “người cha thứ hai” của mình.
Câu chuyện cổ tích giữa đời thường của thầy Cương - K’Rể đã truyền cảm hứng, lan tỏa đến rất nhiều người về tình thầy trò, tình cảm giữa người với người. Chắc chắn rằng, ngoài kia, còn rất nhiều người thầy - “người cha thứ hai” như thầy Cương mà chúng ta chưa có cơ hội được biết đến, nhất là ở những vùng khó khăn, biên giới, hải đảo hay những vùng cao giá rét, nhiều thầy, cô giáo đã xa phố phường, đem cái chữ về cho thôn bản, bám trụ để dạy dỗ em thơ. Không chỉ là người truyền thụ kiến thức, người thầy còn là tấm gương, là “người cha” của rất nhiều đứa con nhỏ. Bao lớp học trò cứ thế lớn lên, trưởng thành, theo đuổi ước mơ, để rồi khi thành công, xin hãy luôn nhớ về cội nguồn xuất phát - đó là gia đình và những “người đưa đò thầm lặng” đưa ta đến bến bờ tương lai./.
Tuệ Nhi