Tiếng Việt | English

04/04/2021 - 07:30

Tội danh nào được áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ?

Cải tạo không giam giữ là một hình phạt trong xử lý trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên không phải tội danh nào cũng được áp dụng hình phạt này.

Cải tạo không giam giữ là một loại hình phạt trong xử lý trách nhiệm hình sự, được coi là nhẹ hơn hình phạt tù nhưng nặng hơn hình phạt cảnh cáo và phạt tiền. Khác với hình phạt tù là người bị kết án sẽ bị cách ly khỏi xã hội, phải chấp hành hình phạt tại cơ sở giam giữ thì đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, người bị kết án vẫn được sống, lao động và học tập ngoài xã hội.

Thế nào là “cải tạo không giam giữ” và “án treo”

Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó giám đốc Công ty Luật TGS, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, do “cải tạo không giam giữ” hình phạt tương đối nhẹ, người bị kết án sẽ không bị cách ly khỏi xã hội nên theo quy định tại Điều 36 Bộ luật hình sự thì hình phạt này chỉ được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, hoặc phạm tội nghiêm trọng, còn những người phạm tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng sẽ không được áp dụng hình phạt này.


Hình minh họa

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng cũng có thể được áp dụng hình phạt “cải tạo không giam giữ”. Thông thường hình phạt này chỉ được quy định tại Khoản 1 (thường trường hợp phạm tội có mức độ nghiêm trọng ít nhất của tội danh đó) như: Tại Khoản 1 Điều 128 về “Tội vô ý làm chết người”; Khoản 1 Điều 156 về “Tội vu khống” và Khoản 1 Điều 174 về “tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.v.v…

Theo luật sư Hùng, cũng có rất nhiều tội danh do tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn, cần phải nghiêm trị người phạm tội mới đảm bảo tính giáo dục, cũng như phòng ngừa chung. Do đó, Điều luật về những tội danh đó đã không quy định hình phạt cải tạo không giam giữ như: Tội giết người (Điều 123); Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 125); tội hiếp dâm (Điều 141), tội cướp tài sản (Điều 168).v.v.. Do đó, đối với các tội danh này thì người phạm tội không thể được áp dụng hình phạt “cải tạo không giam giữ”.

Ngoài ra, để được áp dụng hình phạt “cải tạo không giam giữ” thì người phạm tội phải có thêm các điều kiện, đó là: “Đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội”.

Cũng theo luật sư Hùng, cải tạo không giam giữ và án treo có điểm chung là người bị kết án không bị cách ly khỏi xã hội, và phải chịu sự quản lý và giám sát của chính quyền địa phương, hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập. Tuy nhiên, hai chế tài này có sự khác nhau rất lớn về bản chất pháp lý, đó là.

Thứ nhất, “cải tạo không giam giữ” là một loại hình phạt chính, còn án treo không phải là một loại hình phạt mà là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Tại Điều 65 BLHS quy định: “Khi xử phạt tù không quá 3 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 1 năm đến 5 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật Thi hành án hình sự”. Như vậy, người được hưởng án treo là người đã bị kết án phạt tù nhưng do thỏa mãn các điều kiện luật định (Bị xử phạt tù không quá 03 năm; Có nhân thân tốt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục; và xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù) nên được miễn chấp hành hình phạt tù.

Do đó, về mặt pháp lý thì “án treo” sẽ được coi là nặng hơn so với “cải tạo không giam giữ”. Do đó, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của những người này cũng có những điểm khác nhau, trong đó nổi bật nhất là việc xử lý vi phạm nghĩa vụ của họ. Vì “án treo” là việc miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện nên án phạt tù này vẫn bị “treo” trong suốt thời gian thử thách mà Tòa án ấn định. Theo quy định tại Điều 65 Bộ luật hình sự, nếu người được hưởng “án treo” cố tình vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên hoặc phạm tội mới thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo, tức là người này sẽ không được miễn chấp hành hình phạt tù nữa.

Trong khi đó, theo quy định tại Điều 105 Luật thi hành án hình sự năm 2019, nếu người bị phạt “cải tạo không giam giữ” mà cố tình vi phạm nghĩa vụ thì sẽ bị nhắc nhở hoặc kiểm điểm, xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự về “Tội không chấp hành án” (Điều 380 Bộ luật hình sự) mà không bị chuyển từ hình phạt “Cải tạo không giam giữ” sang “Phạt tù” như đối với án treo.

1 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 3 ngày cải tạo không giam giữ

“Cải tạo không giam giữ” thường kéo dài từ 6 tháng đến 3 năm và là hình phạt tòa tuyên án với người phạm tội. Tuy nhiên, thông thường, trước khi vụ án được đưa ra xét xử, trong quá trình điều tra, người phạm tội sẽ bị tạm giữ, tạm giam. Theo phân tích của luật sư Hùng, thời gian tạm giữ, tạm giam này được trừ vào thời gian cải tạo không giam giữ. Cụ thể: “Tại Khoản 1 Điều 36 Bộ luật hình sự: “Nếu người bị kết án đã bị tạm giữ, tạm giam thì thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cứ 01 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 03 ngày cải tạo không giam giữ”.

Luật sư Hùng cho biết thêm, khi phải chấp hành hình phạt “cải tạo không giam giữ”, người chấp hành án sẽ phải thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 99 Luật thi hành án hình sự năm 2019. Cụ thể như sau: Có mặt theo giấy triệu tập và cam kết việc chấp hành án; Chấp hành nghiêm chỉnh cam kết tuân thủ pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, nội quy, quy chế của nơi cư trú, nơi làm việc; tích cực tham gia lao động, học tập; chấp hành đầy đủ nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, các hình phạt bổ sung theo bản án của Tòa án; Thực hiện nghĩa vụ nộp phần thu nhập bị khấu trừ; thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng theo quy định của pháp luật;

Chịu sự giám sát, giáo dục của UBND cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi cư trú, nơi làm việc; Chấp hành quy định về việc vắng mặt, thay đổi nơi cư trú; Có mặt theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu. Hằng tháng phải nộp bản tự nhận xét về việc thực hiện nghĩa vụ chấp hành án cho Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 100 Luật này.

Cùng với đó, khi người bị phạt “cải tạo không giam giữ” chấp hành nghiêm chỉnh các nghĩa vụ như: tích cực học tập, lao động, sửa chữa lỗi lầm hoặc lập thành tích trong lao động, bảo vệ an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng; đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự (nếu có); hoặc bị bệnh hiểm nghèo, hay có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn thì có thể được giảm hoặc miễn chấp hành hình phạt theo quy định tại Điều 102, Điều 103 và Điều 104 Luật thi hành án hình sự năm 2019./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết