Cán bộ, chiến sĩ Đảo Núi Le A chào đại biểu rời đảo
Trung sĩ Nguyễn Tiến Dũng - Khẩu đội trưởng ở Đảo Núi Le, là một trong những gương mặt trẻ mà chúng tôi gặp trong hải trình lần này. Tiến Dũng chia sẻ: “Tôi rất tự hào khi được công tác ở đây. Trước khi đến đây, tôi và các đồng đội được huấn luyện, học tập rất kỹ về chuyên ngành. Bên cạnh đó, chúng tôi còn được quán triệt kỹ về những khó khăn mà nơi đảo xa phải vượt qua. Đến khi trải nghiệm thực tế, tôi mới nhận ra rằng sự vất vả ấy còn vượt xa rất nhiều những gì tôi được nghe. Tôi mới ra đảo hơn 3 tháng, thời gian chưa nhiều nhưng cũng đủ để tôi hiểu mình phải làm gì trước nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo. Tôi tin rằng mình và các đồng đội sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin của đơn vị và gia đình”.
Duyệt đội ngũ trong Lễ mít-tinh kỷ niệm 48 năm giải phóng quần đảo Trường Sa (29/4/1975 – 29/4/2023)
Trải qua bao mùa mưa, nắng, vượt qua khắc nghiệt của thiên nhiên, Trường Sa vẫn hiển hiện giữa trùng khơi như một biểu tượng về ý chí kiên cường và sức sống mãnh liệt của quân và dân giữa biển khơi. Vượt lên muôn vàn khó khăn, gian khổ, quân và dân huyện đảo Trường Sa vẫn bền bỉ từng ngày vì mục tiêu xây dựng quê hương giàu mạnh. Những tán cây bàng vuông, phong ba, bão táp cùng những chậu hoa, khóm lá luôn xanh ngát một màu. Mỗi cây hoa, chậu cảnh luôn xanh tươi là nhờ đôi bàn tay chăm sóc hàng ngày của cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Họ không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn luôn vững vàng về bản lĩnh, xác định tốt về tư tưởng như mỗi cây bàng vuông, cây phong ba trước sóng gió.
Trung sĩ Nguyễn Tuấn Kiệt (Đảo Đá Tây B) chắc tay súng ở vọng gác tiền tiêu
Chỉnh sửa quân phục cho bộ đội đang đứng trong đội hình xong, Thiếu tá Nguyễn Văn Tài - Chỉ huy trưởng Đảo Đá Tây B, chia sẻ với chúng tôi: “Các chiến sĩ trẻ ở đây đều xác định tốt tư tưởng và có quyết tâm cao trong huấn luyện, rèn luyện. Trong công việc và cuộc sống hàng ngày, cán bộ, chiến sĩ trên đảo như anh em trong một gia đình. Chúng tôi xác định phương châm “cấp trên làm gương mẫu mực, cấp dưới tích cực làm theo”. Cán bộ các cấp giáo dục chiến sĩ bằng chính hành động, việc làm của mình. Nếu cán bộ không làm gương về sự vượt khó vươn lên thì làm sao giáo dục được chiến sĩ. Có giáo dục tốt thì chiến sĩ mới có niềm tin vào cán bộ để cùng đoàn kết xây dựng đảo vững mạnh về mọi mặt”.
Trường Sa hôm nay không chỉ là pháo đài giữ biển của Tổ quốc mà còn là một đại gia đình của những cán bộ, chiến sĩ và ngư dân can trường ngày đêm bám biển. Mỗi mái ấm giữa trùng khơi tô điểm thêm cho bức tranh Trường Sa ngày càng đẹp và sống động, bức tranh khởi đầu của một vùng kinh tế mới. Đó cũng chính là phên giậu vững chắc giữa biển khơi.
Chị Trần Thị Minh Cúc - hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thị trấn Trường Sa, tâm sự: “Ở đây, mỗi gia đình cán bộ, hội viên đều thực hiện tốt các quy định của đảo. Từng hội viên thực hiện tốt phong trào thi đua Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các hộ gia đình tích cực thực hiện cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch". Những gì chúng tôi thực hiện đều với mong muốn góp phần xây dựng thị trấn, xây dựng đảo ngày càng tươi đẹp, văn minh và vững mạnh toàn diện".
Thượng tá Nguyễn Công Chính - Chính trị viên Đảo Trường Sa, cho biết: “Thị trấn Trường Sa luôn được vun đắp tình quân - dân bền chặt. Mỗi cán bộ, chiến sĩ và mỗi người dân trên đảo là một cột mốc chủ quyền vững vàng giữa trùng khơi. Ai cũng hiểu rằng nhiệm vụ họ đang đảm nhiệm vừa là trách nhiệm, vừa là vinh dự lớn được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Từ việc nhận thức tốt chức trách, nhiệm vụ mà mỗi cán bộ, chiến sĩ, mỗi người dân đều chung sức, đồng lòng tham gia xây dựng đảo”.
Trường Sa là máu thịt thiêng liêng, nơi mà cả triệu trái tim người dân đất Việt hướng về. Đối với những người lính biển, Trường Sa vừa là trái tim, vừa là động lực tinh thần to lớn để họ suy nghĩ, hành động, chấp nhận gian khó và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ./.
Quang Tiến