Tiếng Việt | English

16/12/2016 - 05:26

Kỷ niệm 155 năm trận công đồn Tây Dương (16/12/1861 – 16/12/2016)

Trận đánh đưa người nông dân vào lịch sử văn học

Là vùng đất có bề dày lịch sử - văn hóa và truyền thống yêu nước, Cần Giuộc để lại dấu ấn của mình trên mỗi chặng đường lịch sử, mà trận tập kích đồn Tây Dương cách đây 155 năm vào đêm rằm tháng 11 năm Tân Dậu (16/12/1861) là dấu son chói lọi. Bởi, từ trận đánh lưu danh thiên sử này, lần đầu tiên, hình ảnh người nông dân bước lên đài lịch sử qua áng văn bất hủ Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu.


Lễ khánh thành Tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc, ngày 13/4/2015 (Cần Giuộc, Long An)

Trở về với những năm tháng bi hùng trong phong trào vũ trang kháng Pháp nửa cuối thế kỷ XIX, sau khi thành Gia Định và sau đó đại đồn Chí Hòa cũng thất thủ (tháng 2/1861), Pháp thừa thắng đánh lan ra và chiếm một số vùng xung quanh.

Ở Long An, một mặt trận chống giặc hình thành rộng khắp từ Bến Lức qua Cần Đước, Cần Giuộc, đến Tân An,... do các thủ lĩnh nghĩa quân như: Nguyễn Trung Trực, Bùi Quang Diệu, Phạm Tiến, Phan Văn Đạt, Trịnh Quang Nghị,... chỉ huy dưới ngọn cờ của Bình Tây Đại nguyên soái dân phong Trương Định.

Chỉ huy nghĩa quân ở vùng Cần Đước, Cần Giuộc lúc bấy giờ là Bùi Quang Diệu. Bùi Quang Diệu hay Bùi Quang Là (thường gọi là Quản Là, Đốc binh Là), người làng Mỹ Lệ, tổng Lộc Thành Trung, huyện Phước Lộc, tỉnh Gia Định, nay là xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, là một thủ lĩnh nghĩa quân cùng thời với Lãnh binh Nguyễn Văn Tiến, hoạt động một thời gian khá dài trong phong trào vũ trang kháng Pháp cho đến kết thúc phong trào của Võ Duy Dương.

Một tuần sau khi ngọn “Hỏa hồng Nhựt Tảo” của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực nhấn chìm tàu Pháp trên dòng Nhựt Tảo (10/12/1861) làm bừng lên khí thế đánh giặc khắp Gia Định, nắm được tình hình, Phó đô đốc Pháp Bornard ra lệnh rút bớt lính tập ở các đồn để tập trung lực lượng đánh chiếm Biên Hòa, chặn đường liên lạc giữa quân triều đình với miền Tây, đêm rằm tháng 11 năm Tân Dậu, tức 16/12/1861, Bùi Quang Diệu chỉ huy 3 cánh quân tập kích đồn Tây Dương ở chợ Trường Bình, Cần Giuộc. Nghĩa quân chiếm được đồn địch, đốt nhà dạy đạo và đâm bị thương Đồn trưởng Dumont, chém chết một số lính Mã tà, Ma ní. Giặc Pháp phải dùng đại bác từ tàu chiến đậu trên sông Cần Giuộc để chiếm lại đồn. Phía nghĩa quân hy sinh 15 người (có tài liệu ghi là 27 người).

Cảm kích trước tinh thần quả cảm của những người “dân ấp dân lân” trong trận đánh này, bằng ngòi bút và tâm hồn trung nghĩa, nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu (lúc bấy giờ về Cần Giuộc, ở chùa Tôn Thạnh bốc thuốc, dạy dọc và sáng tác thơ văn yêu nước) viết bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc để truy điệu các nghĩa sĩ hy sinh trong trận đánh này theo yêu cầu của Tuần phủ Gia Định Đỗ Quang. Vượt lên trên tính chất của một bài văn tế thông thường, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc trở thành một tác phẩm văn học độc đáo, là bản anh hùng ca của người nông dân Nam bộ, khích lệ cao độ tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm của nhân dân ta trong hoàn cảnh bị thực dân xâm lược lúc bấy giờ.

Với Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, lần đầu tiên trong văn học Việt Nam, người “dân ấp dân lân” được vẽ lên và được ngợi ca với hình ảnh của người anh hùng. Dù vốn quanh năm “cui cút làm ăn, riêng lo nghèo khó”, “chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ” nhưng khi “mùi tinh chiên vấy vá đã ba năm”, dù “chẳng quen cung ngựa...”, cũng chẳng đợi “ai đòi, ai bắt...”, họ sẵn sàng “làm dân chiêu mộ” với tinh thần “thà thác mà đặng câu địch khái..., hơn sống mà chịu chữ đầu Tây”... Trước thế giặc “bòng bong che trắng lốp”, “ống khói chạy đen sì”..., người “Nghĩa sĩ Cần Giuộc” “chi nài sắm dao tu, nón gõ”, chỉ với “hỏa mai đánh bằng rơm con cúi...”, “gươm đeo dùng bằng một lưỡi dao phay...” cũng không nệ “trống kỳ, trống giục...”, cũng chẳng sợ “thằng Tây bắn đạn nhỏ, đạn to”, vẫn “đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không”, “chém rơi đầu quan hai nọ”, “làm cho Mã tà, Ma ní phải hồn kinh”..., dù “một trận khói tan” nhưng “nghìn năm tiết rỡ”...

Tinh thần quả cảm và sự hy sinh cao cả của người nghĩa sĩ nông dân trong cảnh nước mất, nhà tan được Nguyễn Đình Chiểu bằng sự gắn bó, lòng yêu thương và cảm phục của mình, ghi tạc vào Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc với hình ảnh thật bi tráng, đầy sức nặng của một thời “nước mắt anh hùng lau chẳng ráo”, thật sự là “những anh hùng thất thế nhưng vẫn hiên ngang” (Phạm Văn Đồng), mà “... suốt hàng ngàn năm sáng tác cho đến đấy và còn lâu về sau nữa, chưa có một thi nhân nào rung cảm chân thành và sâu sắc với dân cày như thầy Nguyễn Đình Chiểu..., có ai như Nguyễn Đình Chiểu đắp nên tượng lộng lẫy của người nông dân anh hùng cứu nước...!” (Trần Văn Giàu).

Với Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc, hình tượng người “Nghĩa sĩ Cần Giuộc” được tạc vào không gian lẫn thời gian như một tượng đài bi tráng, sừng sững với khí phách hiên ngang, đẹp đẽ, trong sáng và hào hùng, tiêu biểu cho lòng yêu nước, tinh thần bất khuất và sự hy sinh cao cả của người nông dân Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử bi kịch nhưng hào hùng của dân tộc:

“Thác mà trả nước non rồi nợ, danh thơm đồn sáu tỉnh chúng đều khen.
Thác mà ưng đình miếu để thờ, tiếng ngay trải muôn đời ai cũng mộ”.

Sinh ra vốn không phải để trở thành anh hùng nhưng vận nước làm cho lòng yêu nước của người nghĩa sĩ nông dân vượt lên yếu hèn, mạnh hơn cái chết, xả thân vì nghĩa, để lại là triết lý sống cho đến muôn đời, dù trận mạc có thể vĩnh viễn cướp đi cuộc sống của mình:

“Thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh,
Hơn còn mà chịu chữ đầu Tây, ở với man di rất khổ”.

Tinh thần ấy, khí phách ấy của người nông dân hiển hiện và lấp lánh chân dung của những con người gánh trên vai sứ mệnh đánh giặc, giữ nước trước vận mệnh non sông và lịch sử cho thấy tinh thần ấy càng ngời sáng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc về sau này dưới sự lãnh đạo của Đảng, mãi mãi chói lòa với thời gian trong sự yêu thương và kính phục của nhân dân, sống mãi trong lòng dân tộc và cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Với nhân dân Long An, đó là sự khởi đầu oanh liệt của truyền thống “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc”.

Từ trận đánh lịch sử đến hình ảnh bất tử trở thành biểu tượng của người nông dân Việt Nam anh hùng được khắc họa trong văn học, tinh thần Nghĩa sĩ Cần Giuộc - tinh thần người nông dân yêu nước nay được tôn vinh thành công trình nghệ thuật Tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc tại trung tâm thị trấn Cần Giuộc, làm cho nơi đây trở thành điểm đến, giáo dục truyền thống, kế thừa và phát huy sức mạnh từ quá khứ để tạo nền tảng tinh thần vững chắc, làm động lực cho địa phương trong thời kỳ phát triển và hội nhập./.

Nguyễn Tấn Quốc

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích