Tiếng Việt | English

23/12/2015 - 08:32

Tranh chấp quyền nuôi con sau ly hôn

Trong đơn gửi cơ quan chức năng, chị An không đồng ý với bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Long An về việc giao quyền nuôi con cho anh Tài và yêu cầu quyền được trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục con dưới 36 tháng tuổi sau khi ly hôn.

Năm 2012, chị Phạm Thị An, SN 1994, ngụ ấp 3A, xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa, kết hôn với Nguyễn Văn Tài, SN 1992, ngụ ấp 3A, xã Hựu Thạnh, có đăng ký kết hôn đúng quy định. Vợ chồng chị có 1 con chung là cháu Nguyễn Minh Nhật, sinh ngày 18-11-2013. Trong thời gian chung sống, giữa 2 vợ chồng thường xuyên phát sinh mâu thuẫn nên chị nộp đơn xin ly hôn.

Ngày 3-9-2015, TAND huyện Đức Hòa xét xử sơ thẩm vụ án hôn nhân-gia đình về việc xin ly hôn và tranh chấp quyền nuôi con giữa chị An và anh Tài. Tòa án công nhận chị An và anh Tài thuận tình ly hôn. Về quyền nuôi con sau ly hôn, tòa án nêu rõ: Cả 2 người đều có mức thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng, đang sống chung nhà với ba mẹ chồng và hiện tại không có nhà riêng hoặc tài sản riêng. Tuy nhiên, con chung của 2 người là cháu Nguyễn Minh Nhật còn dưới 36 tháng tuổi nên tòa giao cho chị An trực tiếp nuôi dưỡng (căn cứ theo khoản 3, Điều 81, Bộ luật Hôn nhân Gia đình).

Ngày 20-10-2015, chị An cùng mẹ ruột là bà Lê Thị Bình đến nhà ba mẹ chồng chị An để thăm con và thực hiện quyền trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc con theo bản án của TAND huyện Đức Hòa. Thế nhưng, gia đình anh Tài không chấp nhận bản án và đòi kháng cáo. Vì vậy, anh Tài ra sức ngăn cản, không chịu giao con, còn có hành vi đánh chị An và bà Bình, khiến bà Bình bị chấn thương vùng đầu. Chị An trình báo Công an thị trấn Đức Hòa kèm theo giấy khám, chữa bệnh để được xem xét giải quyết hòa giải và đền bù tiền thuốc 280.000 đồng.

Tại phiên xét xử phúc thẩm vào ngày 9-11-2015, TAND tỉnh tuyên anh Nguyễn Văn Tài trực tiếp nuôi dưỡng cháu Nguyễn Minh Nhật vì cho rằng, anh Tài có điều kiện thuận lợi hơn về kinh tế để có thể trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con tốt hơn chị An.

Luật Hôn nhân Gia đình năm 2014 quy định rõ tại khoản 3, Điều 81 về quyền nuôi con khi vợ chồng ly hôn mà không thỏa thuận được đối với trường hợp con dưới 36 tháng tuổi như sau: “Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.

Theo quy định trên, con dưới 36 tháng tuổi sẽ được giao cho người mẹ trực tiếp nuôi dưỡng. Nhưng những thông tin anh Tài cung cấp tại TAND tỉnh chứng minh rằng gia đình anh vẫn có đủ điều kiện về vật chất và thuận lợi hơn để nuôi con. Còn trường hợp của chị An, dù không có nhà ở ổn định (vì trước khi ly hôn, sống chung nhà với ba mẹ chồng) nhưng sau khi ly hôn, chị An có thể về ở với mẹ ruột và hiện tại chị cũng có việc làm ổn định. Vì vậy, chị An vẫn có quyền được nuôi dưỡng và chăm sóc con trong trường hợp này.
Tuy nhiên, khi con đủ 36 tháng tuổi, anh Tài có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con theo Điều 84, Luật Hôn nhân Gia đình năm 2014.

Khi có yêu cầu của đương sự, TAND sẽ xem xét lại điều kiện nuôi con của người vợ, nếu không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì tòa án sẽ quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con.

Điều 84, Luật Hôn nhân Gia đình năm 2014 quy định rõ:

1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5, Điều 84, TAND có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

2. Việc thay đổi người trưc tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con.

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trưc tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 7 tuổi trở lên.

Hùng Anh
 

 

Chia sẻ bài viết