Thí sinh năm nay đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT bằng hình thức trực tuyến - Ảnh: VĨNH HÀ
Có 85,87% thí sinh vừa đăng ký xét tốt nghiệp vừa tuyển sinh
Theo số liệu từ Bộ GD-ĐT, có trên 1 triệu thí sinh đã đăng ký dự thi thành công, trong đó có gần 60.000 thí sinh tự do (5,87%).
Số thí sinh dự thi vừa để xét tốt nghiệp, vừa sử dụng kết quả xét tuyển đại học chiếm trên 85,87%. Trong khi có trên 10% thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp, khoảng gần 4% số thí sinh dự thi chỉ để lấy kết quả xét tuyển.
Theo thống kê, số thí sinh đăng ký bài thi tổ hợp khoa học xã hội (gồm lịch sử, địa lý, giáo dục công dân) vượt trội hơn hẳn số đăng ký bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (gồm vật lý, hóa học, sinh học).
Cụ thể có trên 55% thí sinh đăng ký bài thi khoa học xã hội, trong khi chỉ có trên 31% số thí sinh đăng ký bài thi khoa học tự nhiên.
Có khoảng 9-10% số thí sinh chỉ đăng ký dự thi các môn thành phần của các bài thi tổ hợp. Đây là những thí sinh đã tốt nghiệp THPT, dự thi để lấy kết quả của một số môn thi xét tuyển đại học, cao đẳng.
Nhiều trường có số chọn bài thi tổ hợp khoa học xã hội cao hơn hẳn so với chọn bài thi khoa học tự nhiên.
Theo cô Ngô Thị Thành - phó hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), trường có 187/279 học sinh lớp 12 đăng ký bài thi tổ hợp xã hội (chiếm 67%). Kết quả này cũng thể hiện ở nhiều trường THPT khác tại Hà Nội.
Trong khi nhiều trường có truyền thống học sinh học ban A, tỉ lệ đăng ký bài thi khoa học tự nhiên nhiều hơn, nhưng không chênh lệch lớn.
Theo cô Nguyễn Thị Nhiếp - hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), số học sinh lớp 12 đăng ký bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên là 313 và khoa học xã hội là 306.
Cô Cao Tố Nga, hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền (Hải Phòng), cũng cho biết kết quả đăng ký bài thi tổ hợp của trường này là 334 đăng ký bài thi khoa học tự nhiên và 223 là bài thi khoa học xã hội…
Theo quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo, thí sinh là học sinh lớp 12 phải dự thi 4/5 bài thi để xét tốt nghiệp THPT, trong đó chọn 1 trong 2 bài thi tổ hợp. Thí sinh đã tốt nghiệp THPT có thể dự thi các môn thành phần của bài thi tổ hợp để sử dụng kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng.
Với trên 85% số thí sinh đăng ký dự thi sử dụng cho cả hai mục đích: xét tốt nghiệp và tuyển sinh cho thấy đa số thí sinh năm nay không bỏ qua phương thức xét tuyển truyền thống, mặc dù có 20 phương thức xét tuyển đa dạng được các cơ sở đào tạo áp dụng.
Và theo bà Nguyễn Thu Thủy - vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và đào tạo) thì đa số các cơ sở đào tạo năm nay đều vẫn giữ phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Với điều chỉnh kỹ thuật của Bộ Giáo dục và đào tạo, thí sinh sử dụng phương thức xét tuyển truyền thống được xét tuyển công bằng trong cùng thời điểm với các phương thức khác.
Rà soát kỹ, vẫn còn nhiều sai sót
Mặc dù đánh giá cách đăng ký xét tuyển trực tuyến thuận tiện nhưng nhiều trường THPT cho biết vì là lần đầu nên vẫn hết sức thận trọng.
"Trường tập huấn trước cho giáo viên chủ nhiệm và học sinh là cán bộ lớp. Sau đó giáo viên chủ nhiệm và cán bộ lớp sẽ trao đổi, hướng dẫn cho học sinh ở từng lớp trước khi thực hiện đăng ký thử trong khung thời gian Bộ Giáo dục và đào tạo cho phép.
Vì thế cũng không có nhiều sai sót trong quá trình đăng ký thử. Tuy nhiên ngày 13-5, chúng tôi vẫn yêu cầu giáo viên hướng dẫn học sinh kiểm tra lần cuối trước khi bấm nút đăng ký chính thức", cô Nguyễn Thị Nhiếp cho biết.
Tương tự, theo cô Cao Tố Nga, trường phải rà soát nhiều lần, nhưng vẫn có sai sót. "Chúng tôi cho in 100% phiếu đăng ký của học sinh để học sinh và phụ huynh cùng soát lại, ký vào đó. Sau khi chỉnh sửa lần cuối sẽ cho học sinh đăng ký chính thức", cô Nga cho biết.
Theo các hiệu trưởng trường THPT, những sai sót phổ biến của học sinh khi đăng ký dự thi là ghi sai thông tin cá nhân do chưa chuẩn bị kỹ thông tin trước khi đăng ký, điền nhầm ô, nhầm thứ tự theo quy định.
Một số thí sinh lúng túng trong việc kê khai minh chứng để tính điểm ưu tiên. Nhiều trường THPT dành ngày 13-5 để soát xét, điều chỉnh lần cuối trước khi cho học sinh đăng ký chính thức trước 17h./.
Theo TTO