Tiếng Việt | English

11/05/2018 - 14:13

Triển lãm "60 năm Nhà sàn Bác Hồ trong Khu Phủ Chủ tịch"

Triển lãm trưng bày những bức ảnh khắc họa chân thực về hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với những ngôi nhà sàn từ "thủ đô kháng chiến" Việt Bắc đến khi Người về Thủ đô Hà Nội.

Các đại biểu tham quan triển lãm. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Ngày 11/5, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch tổ chức triển lãm và hội thảo khoa học với chủ đề "60 năm Nhà sàn Bác Hồ trong Khu Phủ Chủ tịch" nhân kỷ niệm 60 năm Nhà sàn Bác Hồ (5/1958-5/2018); kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2018). 

Triển lãm "60 năm Nhà sàn Bác Hồ trong Khu Phủ Chủ tịch" trưng bày những bức ảnh khắc họa chân thực về hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với những ngôi nhà sàn từ "thủ đô kháng chiến" Việt Bắc đến khi Người về Thủ đô Hà Nội.

Triển lãm gồm 3 phần: "Chủ tịch Hồ Chí Minh và những ngôi nhà sàn ở chiến khu Việt Bắc"; "Ngôi nhà sàn Bác Hồ tại Thủ đô Hà Nội"; "Nhà sàn Bác Hồ - Biểu tượng của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và tinh thần đoàn kết dân tộc, hội nhập quốc tế."

Hội thảo khoa học "60 năm Nhà sàn Bác Hồ trong Khu Phủ Chủ tịch" được tổ chức nhằm nâng cao chất lượng trong công tác bảo tồn, truyên truyền phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch Nguyễn Văn Công cho biết hội thảo là diễn đàn để các đại biểu trao đổi, hồi tưởng, cung cấp, bổ sung tư liệu, câu chuyện kể về lịch sử nhà sàn; hoạt động của Bác từ tháng 5/1958-8/1968; tình cảm, sự quan tâm của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, các đồng chí cán bộ phục vụ, giúp việc Bác trong quá trình Bác ở và làm việc tại đây; quá trình bảo quản, giữ gìn và phát huy giá trị Di tích Nhà sàn sau ngày Bác đi xa. 

Từ đó, Ban tổ chức tập hợp các tư liệu mới, rút ra bài học kinh nghiệm, khắc phục tồn tại, phát huy ưu điểm trong công tác bảo quản, giữ gìn, phát huy giá trị nhà sàn, nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan hiệu quả hơn. 

Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận đi sâu phân tích ý nghĩa, giá trị tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh qua di tích nhà sàn cùng các di vật, hiện vật, tài liệu đang trưng bày trong ngôi nhà này. 

Các nội dung được tiếp cận ở nhiều góc độ: tấm gương đạo đức; cuộc sống đời thường thanh bạch giản dị; phong cách làm việc; sự tinh tế trong ứng xử với con người và thiên nhiên; nơi tỏa sáng nhân cách của một nhà văn lớn trọn đời vì nước vì dân... 

Bên cạnh đó, có tham luận còn chỉ ra những thuận lợi, khó khăn, hạn chế trong việc bảo tồn di tích Nhà sàn và không gian, cảnh quan môi trường xung quanh; công tác sưu tầm, trưng bày các tài liệu hiện vật và phát huy tác dụng di sản Nhà sàn Bác Hồ; thu thập, hiệu đính thông tin, tư liệu lịch sử để tuyên truyền đầy đủ, chính xác hơn về di tích, góp phần phát huy hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục về tư tưởng, tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua các di sản vật thể, phi vật thể gắn liền với Người thời kỳ 1954-1969 tại Khu Phủ Chủ tịch. 

Các đại biểu tham quan triển lãm. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Một số ý kiến phân tích những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn công tác tuyên truyền phát huy giá trị Di tích Nhà sàn; đa dạng các hình thức, nâng cao chất lượng nội dung nhằm tuyên truyền, giáo dục sâu rộng, đầy đủ hơn về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ. 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống và làm việc ở nhiều nơi trong nước, trên thế giới. Hiện nay, cả nước có gần 700 di tích, điểm di tích ở 35 tỉnh, thành phố liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Hồ Chí Minh. Trong hệ thống di sản văn hóa đó, mái nhà sàn gắn liền với Người từ chiến khu Việt Bắc tới khi trở về Thủ đô đã trở thành hình tượng gần gũi, thân quen với người dân Việt Nam.

Trong quần thể Khu Di tích Phủ Chủ tịch - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc lâu nhất của Người (từ cuối tháng 12/1954-2/9/1969), nhà sàn, vườn cây, ao cá là nơi Người đã gắn bó sâu sắc. Đây cũng là di tích trung tâm trên cả phương diện vị trí, ý nghĩa, lẫn sự cuốn hút và lan tỏa. 

Thời gian 11 năm sống tại nhà sàn (5/1958-8/1969), Bác đã cùng các đồng chí Trung ương Đảng, Chính phủ vạch ra nhiều chiến lược, sách lược hoạch định đường lối, chỉ đạo cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi. Những cống hiến của Người cùng tấm gương đạo đức, phong cách sống giản dị, sự tinh tế trong ứng xử với con người, thiên nhiên, tinh thần đoàn kết dân tộc, hội nhập quốc tế... đã đi vào lịch sử dân tộc, nhân loại. 

Với những giá trị mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa, di tích Nhà sàn nói riêng và Khu di tích Phủ Chủ tịch nói chung có vai trò to lớn trong việc thu hút đông đảo nhân dân trong nước, bạn bè quốc tế tới tham quan, học tập..../.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết